Kinh tế

'Đừng để hàng không phá sản, bất kể Nhà nước hay tư nhân'

Đây là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo tại Tọa đàm Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt ngày 2/8.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng giải cứu các hãng hàng không chính là một khoản đầu tư cả về mặt kinh tế lẫn an sinh xã hội. Ông ví các hãng bay đang đến giai đoạn phải "hỗ trợ thở" và dòng tiền hoạt động cũng giống như "dòng oxy".

Chuyên gia này cho biết nếu không được tiếp cận hỗ trợ tài chính sớm, các hãng bay sẽ đối mặt với 2 rủi ro, trước hết là rủi ro thanh khoản. "Doanh nghiệp sẽ không có đủ tiền để chi trả nợ ngắn hạn từ ngân hàng, từ các nhà cung cấp và quan trọng là trả lương cho hàng nghìn người lao động. Điều này có thể dẫn đến kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp mà nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây nên những hậu quả lâu dài như những đợt tái cấu trúc tốn kém, thậm chí phá sản", TS Bảo chia sẻ.

Thanh khoản ngắn hạn nên là ưu tiên

Ông cho rằng cần giải cứu ngành hàng không cho dù là hãng bay Nhà nước hay hãng bay tư nhân. "Cứu ngành hàng không là cứu rất nhiều ngành khác và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế", TS Bảo nhận định.

Theo các chuyên gia, hãng bay tư nhân hay hãng bay nhà nước đều xứng đáng được giải cứu, được vay ưu đãi, tuy nhiên cần có những điều kiện ràng buộc. Ảnh: Ngô Minh.

Chuyên gia từ Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định các hãng hàng không tư nhân cũng xứng đáng được tiếp cận gói cứu trợ tương tự như Vietnam Airlines. Nếu đứng từ góc độ người lao động và từ nhà cung cấp, bất kể là người lao động cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì đều cần giải cứu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh ngoài mục tiêu cứu các hãng bay, Chính phủ cũng cần quan tâm tới mục tiêu bảo toàn vốn và bảo vệ nguồn thu ngân sách.

Lưu ý về khủng hoảng của các hãng hàng không Việt, Ths Nguyễn Đắc Dũng, chuyên gia tài chính, cho biết đây là trường hợp khác biệt so với khủng hoảng tài chính và với nhiều biến thể mới nguy hiểm của Covid-19, chưa biết khi nào ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch. Ông Dũng cũng cho rằng việc giải cứu các hãng bay hiện tại nên tập trung vào việc giải quyết thanh khoản ngắn hạn của các doanh nghiệp bởi nguồn lực của Nhà nước là hạn, nên tập trung vào những vấn đề cấp thiết.

Về khó khăn trong việc vay vốn của các hãng hàng không, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam, từ chỗ là những doanh nghiệp được các ngân hàng chào đón, các hãng hàng không Việt đang rất khó đi vay vì hoạt động toàn ngành gần như đã đình trệ vì dịch bệnh.

"Các hãng hàng không thì vẫn bắt buộc phải vay, vay để trả tiền thuê máy bay, tiền lương của người lao động, tiền bảo dưỡng máy bay, tiền đậu đỗ máy bay và nhiều chi phí khác. Những chi phí này không dừng được, không bay cũng phải trả. Nhu cầu về vốn của các hãng đang là rất lớn", TS Hùng chia sẻ.

"Các khoản vay sau ngày 10/6/2020 cũng đã đến hạn và các hãng cũng chưa trả được, nhiều khả năng phải chuyển thành nợ xấu. Khi đã chuyển thành nợ xấu thì tất cả khoản vay của các hãng bay sẽ bị đóng băng, không thể vay tiếp. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho các hãng", Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.

Tiền không thiếu, chỉ thiếu cơ chế

Ông Hùng cũng khẳng định trường hợp được tiếp cận bổ sung vốn lưu động ưu đãi kèm gia hạn 2 lần kéo dài 3 năm như Vietnam Airlines là rất đặc biệt. Nếu không có cơ chế, các hãng hàng không tư nhân không thể nhận được khoản vay tương tự, nhất là trong bối cảnh Thông tư 03 vẫn chưa sửa đổi.

"Tôi biết có trường hợp có hãng hàng không Việt có đầy đủ tài sản đảm bảo mà không thể vay vì tổ chức tín dụng không dám cho vay", ông Hùng chia sẻ.

"Hiện tại các tổ chức tín dụng không thiếu vốn. Chính phủ chỉ cần tạo cơ chế, về lãi suất hãng bay và ngân hàng hoàn toàn có thể thỏa thuận. Chưa cần tái cấp vốn, chỉ cần xây dựng được hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng có thể thực hiện cho các hãng hàng không bay, tôi thấy đây là giải pháp sâu hơn", TS Hùng nhận định.

Chuyên gia khẳng định các tổ chức tín dụng không thiếu tiền, tuy nhiên không thể cho các hãng hàng không vay bổ sung vốn lưu động vì vướng cơ chế. Ảnh: Hoàng Hà.

"Tuy nhiên, nếu hãng hàng không muốn được giải cứu, anh phải chứng minh có khả năng để phục hồi trả nợ, phải có tài sản đảm. Đến cả Vietnam Airlines vay từ gói cứu trợ cũng phải có tài sản đảm bảo", TS Hùng nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho rằng dù các hãng hàng không được tiếp cận gói vay trả lương người lao động của Chính phủ, tuy nhiên, mức vay theo lương tối thiểu lại không phù hợp với chi phí trả lương cho lao động ngành hàng không, đặc biệt là những vị trí như phi công nhận thu nhập cao.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng cho rằng cần có những ràng buộc đối với các hãng hàng không nếu muốn tiếp cận các gói vay ưu đãi từ tiền thuế của người dân.

"Các doanh nghiệp cần làm sạch lại cân đối tài chính, phải cắt giảm các khoản chi phí như chi phí tiền lương, chi phí nhân công. Phi công, tiếp viên và những người làm trong ngành hàng không phải chia sẻ khó khăn này, không thể đòi hỏi thu nhập và những lợi ích kinh tế như trong điều kiện bình thường được. Doanh nghiệp cũng cần cắt giảm những khoản chi không cần thiết, bán bớt tài sản, thanh lý những khoản đầu tư không gắn liền với ngành nghề chuyên môn", TS Bảo nhận định.

Ông cũng cho rằng nếu có các khoản vay, cần xây dựng một kế hoạch trả nợ rõ ràng với các doanh nghiệp hàng không để công bằng với ngân sách, với tiền thuế của người dân.

Tác giả: Ngô Minh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP