|
Hiện Bộ này đang đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có việc kéo dài thời hạn giam giữ chờ trục xuất, trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định nhập cảnh và cư trú cũng như đẩy mạnh việc trục xuất các trường hợp xin tị nạn là tội phạm hoặc bị từ chối tị nạn ở Đức.
Theo đó, quy định mới được đề xuất nâng thời hạn giam giữ tối đa người tị nạn vi phạm từ 10 ngày hiện nay lên 28 ngày. Người tị nạn sau đó có thể bị giam giữ tại khu vực quá cảnh của sân bay hoặc nơi ở nếu bị nghi ngờ sẽ trốn lệnh trục xuất. Các trường hợp vi phạm lệnh cấm nhập cảnh và cư trú sẽ là một trong những lý do bị giam giữ. Điều này được thực hiện khi chính quyền chỉ định nơi lưu trú cho người xin tị nạn và họ không được phép ra khỏi khu vực này.
Bên cạnh đó, cảnh sát cũng sẽ được tạo điều kiện rộng hơn về pháp lý để tìm kiếm những người tị nạn vi phạm luật nhập cảnh và cư trú.
Bộ Nội vụ Đức cũng muốn cho phép lực lượng thực thi công vụ đọc dữ liệu từ điện thoại thông minh hoặc dịch vụ đám mây nếu người tị nạn không thể xuất trình hộ chiếu, gây khó khăn cho việc xác định danh tính của người đó.
Bộ trên cho biết, các biện pháp này cùng nhiều quy định nghiêm ngặt khác hiện đang được thảo luận với các bang và chính quyền địa phương, sau khi thống nhất sẽ chuyển sang thủ tục lập pháp.
Một dự thảo khác đang được Bộ Nội vụ Đức chuẩn bị là việc cải thiện truyền dữ liệu tới các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và xã hội. Trong tương lai, hệ thống đăng ký người nước ngoài trung tâm (AZR) cũng sẽ chứa thông tin về việc liệu những trường hợp liên quan có được nhận trợ cấp hay không, cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp và được cấp trong khoảng thời gian nào.
Các sở ngoại kiều, cơ quan phúc lợi và việc làm sẽ được giải tỏa khối lượng công việc bằng cách loại bỏ các truy vấn thủ công về phúc lợi xã hội như hiện nay.
Số người tới Đức xin tị nạn gần đây đã tăng mạnh trở lại. Trong nửa đầu năm 2023, giới chức nước này ghi nhận gần 150.200 đơn xin tị nạn lần đầu, tăng 77,5% so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều bang ở biên giới phía đông và phía nam nước Đức cảnh báo có thể tự thực hiện kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nếu chính phủ liên bang không siết chặt quy định đối với việc tiếp nhận và trục xuất người tị nạn.
Trong khi đó, ngày 6/8, Chính phủ Anh công bố một thỏa thuận đối tác mới giữa cơ quan thực thi pháp luật nước này và các công ty truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn các nội dung đăng tải trực tuyến khuyến khích di cư bất hợp pháp. Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, thỏa thuận giữa Cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia và các công ty gồm Meta, TikTok và X (Twitter trước đây) sẽ giúp hạn chế các nội dung liên quan đến hỗ trợ di cư trái phép như cung cấp giấy tờ giả, giảm chi phí đối với di cư theo nhóm, hay thông tin sai về việc di cư an toàn.
Tác giả: Minh Hoa
Nguồn tin: nguoiduatin.vn