Thế giới

Đức chấn động vụ nhà báo nổi tiếng bịa tin suốt nhiều năm

Der Spiegel, một trong những tờ báo bán chạy nhất Đức, bất ngờ dính bê bối khi một cây bút hàng đầu của báo bị phát hiện bịa đặt thông tin trong các bài viết của mình suốt một thời gian dài.

Claas Relotius từng là cộng tác viên tự do cho Der Spiegel suốt 6 năm cho tới khi được nhận vào chính thức làm việc tại tờ báo này vào năm 2017. Cây bút 33 tuổi này từng được coi là một điển hình của báo chí hiện đại với rất nhiều giải thưởng báo chí danh giá giành được cả ở Đức và nước ngoài.

Đầu tháng 12/2018, Claas Relotius vừa được Hiệp hội Nhà báo Đức trao giải "Phóng viên của năm" nhờ bài viết về một cậu bé Syria. Ảnh: DPA

Ngay trong tháng 12 này, Hiệp hội Nhà báo Đức đã trao giải thưởng cho Relotius vì bài viết về cuộc đời của một đứa trẻ ở Syria. Trước đó, vào năm 2014, hãng thông tấn Mỹ CNN từng bình chọn anh là "Nhà báo của năm".

Tuy nhiên, một sự thật động trời vừa bị phanh phui, hé lộ góc khuất của cây bút nổi tiếng đang làm việc cho tờ Der Spiegel: Relotius thực tế đã bịa đặt nhiều chi tiết trong các tin, bài của mình và thậm chí "phát minh các nhân vật", những người anh ta chưa bao giờ trực tiếp gặp mặt.

Theo báo RT, một trong những đồng nghiệp từng cộng tác với Relotius để đưa tin về tình hình ở biên giới Mỹ - Mexico cảm thấy nghi ngờ một số chi tiết trong bài viết của anh ta. Phóng viên này sau đó đã truy tìm hai nguồn tin được Relotius trích dẫn nhiều lần trong bài viết của mình và kinh ngạc phát hiện, không có ai trong số họ từng gặp Relotius.

Cuộc điều tra tiếp sau đó của tờ Der Spiegel đối với các hoạt động của Relotius cũng khám phá ra rằng, anh ta đã thêu dệt các tình tiết trong một bài viết khác, chẳng hạn như thông tin rằng anh ta đã nhìn thấy một tấm biển ở một thị trấn Mỹ có đề: "Người Mexico cuốn xéo".

Khi đối diện với các bằng chứng không thể chối cãi, Relotius thừa nhận đã bịa ra một số chi tiết khi tác nghiệp, không chỉ một mà trong rất nhiều tin, bài của anh ta.

Der Spiegel là một trong những tờ báo uy tín và bán chạy hàng đầu ở Đức. Ảnh: Reuters

Der Spiegel thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 14 trong tổng số gần 60 tin, bài Relotius viết cho báo, kể cả phiên bản điện tử và báo giấy, đều chứa các chi tiết giả mạo. Theo Der Spiegel, con số thực tế có thể cao hơn. Tờ báo cũng khuyến cáo, các hãng thông tấn khác cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự.

Suốt nhiều năm qua, Relotius đã làm việc cho khoảng 12 cơ quan báo chí, thông tấn khác nhau của Đức, kể cả Die Welt, Die Zeit và Tạp chí tài chính Đức. Đáng chú ý, danh sách các tin, bài của cây bút này được chứng minh chứa thông tin bịa đặt có cả những tác phẩm đã giành được giải thưởng báo chí như loạt bài viết về các tù nhân ở Guantanamo hay những trẻ em Iraq bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc.

Trong một bài viết vừa để làm rõ vụ việc, vừa để xin lỗi các độc giả, Der Spiegel khẳng định "rất sốc" trước phát hiện mới và coi đây là điều tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm tồn tại của tờ báo này.

Sau khi sự việc bị phát giác, Relotius đã xin nghỉ việc. Anh ta cũng bày tỏ hối tiếc về các hành động của mình và cảm thấy "vô cùng xấu hổ".

Trong khi đó, ban lãnh đạo tờ Der Spiegel đã thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt, bao gồm nhiều nhân vật "giàu kinh nghiệm trong và ngoài báo" để xét duyệt lại mọi bài viết của các phóng viên, cũng như đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện "các cơ chế an toàn".

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP