Đề cập đến nội dung về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam; các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc |
Theo Tổng bí thư, thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.
Nắm bắt xu thế chung đó, hội nghị lần thứ tư khoá 10 (tháng 2/2007) đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo các ban cán sự đảng các bộ, ngành, địa phương có liên quan tích cực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Qua đó phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với TƯ xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Việc này còn xuất phát từ do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác như tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển.
Việc ban hành Nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan.
Đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, toàn diện. Đồng thời phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới. Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tìm các chính sách, biện pháp đột phá phù hợp với diễn biến mới
Đề cập đến nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 – 2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các tài liệu; căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước.
Từ đó, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.
Tổng bí thư cũng lưu ý việc đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018 và cho cả nhiệm kỳ khoá 12. Trong đó lưu tâm đến mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ở mức 6,5 - 6,7% năm 2018 và 6,5 - 7% cho 5 năm 2016 – 2020…
Đồng thời, phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải nỗ lực vượt qua.
Hội nghị TƯ 8 khai mạc sáng nay. Ảnh: Nhật Bắc |
Từ đó, xác định mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng nhất và các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo cũng như cả nhiệm kỳ khoá 12.
“Cố gắng tìm ra các chính sách, biện pháp đột phá, khả thi, phù hợp với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình trạng căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nước lớn, những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ và giá dầu thô thế giới”, Tổng bí thư gợi ý.
Ngoài ra, Tổng bí thư cũng nhấn mạnh việc khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ ra. Cụ thể như việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp.
“Các tệ nạn xã hội, ma tuý, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, cháy, nổ diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới…”, Tổng bí thư nói.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet