Trong tỉnh

Dự án đường 500 tỷ ở Nghệ An bị vướng mặt bằng

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn (Nghệ An) dù đã được khởi công những vẫn chưa thể thi công "ồ ạt" do vướng mặt bằng.

Nhà thầu đang thi công dở dang ở một số điểm đã có mặt bằng sạch. Ảnh: Văn Dũng


Dự án cải tạo quốc lộ 46 (QL46) đoạn Vinh - Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do Ban Quản lý dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông vận tải, nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài 10,69 km, điểm đầu tại Km 21+642,44, thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, điểm cuối tại Km 32+334,53 thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Dự án được đầu tư quy mô đường cấp III đồng bằng gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 21,5m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư dự án là 500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm chi phí dự phòng) là hơn 166 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 258 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 3,8 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 17 tỷ đồng; chi phí khác hơn 7,4 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 47 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư dự án được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo lộ trình, dự án sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ 2023-2025. Trong đó, dự kiến năm 2023 dự án được phân bổ 2,5 tỷ đồng; Năm 2024 phân bổ hơn 233 tỷ đồng và năm 2025 phân bổ hơn 264 tỷ đồng.

Dự án đầu tư nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Thanh Thủy (kết nối với nước bạn Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

Chưa có thời gian cụ thể giao mặt bằng sạch

UBND huyện Nam Đàn cho biết, dự án đi qua 5 xã, 1 thị trấn với 654 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có đất ở của 520 hộ và 134 thửa đất nông nghiệp. Ngoài ra, còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất của 20 tổ chức khác nhau.

Tính đến ngày 31/3/2025, huyện Nam Đàn đã bồi thường cho 119 hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án, tổng giá trị đền bù hơn 7,5 tỷ đồng.

Đoạn qua khu dân cư xã Kim Liên, huyện Nam Đàn vẫn chưa GPMB xong. Ảnh: Văn Dũng


Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Quản lý dự án QL46 (Ban QLDA 85) cho biết, dự án đã được khởi công từ ngày 15/3, nhà thầu cũng đã đưa máy móc thiết bị xuống thi công, tuy nhiên, chỉ mới thi công được một số đoạn đã có mặt bằng sạch.

Theo ông Dũng, nếu địa phương bàn giao mặt bằng sạch sớm thì chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thi công nhanh chóng để kịp tiến độ được giao. "Dự kiến, cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 sẽ có mặt bằng sạch để nhà thầu thi công", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhân Đàm, Phó phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện Nam Đàn (Nghệ An), hiện nay huyện GPMB có 4/5 đợt, bàn giao tổng chiều dài cho chủ đầu tư là 4km (gần 40% toàn tuyến), tổng tiền chi trả GPMB hơn 7,5 tỷ đồng.

Ông Đàm cho biết, GPMB dự án này bị chậm do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do Luật Đất đai năm 2024 được ban hành có hiệu lực từ 1/8/2024, đúng thời điểm huyện làm công tác thống kê, đo đạc, lập phương án giải phóng mặt bằng cho dự án. Do đó, địa phương cũng phải dừng để chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, cũng như quyết định mức giá bồi thường từ phía tỉnh.

"Đất ở khu dân cư đang vướng GPMB vì luật thay đổi giá trị bồi thường đối với đất vườn theo quy định tại Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND thấp hơn nhiều so với giá trị tại Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND. Cụ thể, chính sách bồi thường thay đổi, trước đất vườn bằng nửa đất ở nhưng theo quy định mới đất vườn bằng đất nông nghiệp. Nhiều người dân cho rằng đất mặt đường QL46 có giá từ 18-20 triệu đồng/m2 mà hiện tại bồi thường chỉ có 150 nghìn đồng là quá thấp", ông Đàm nói và cho biết, vẫn chưa xác đinh được thời gian cụ thể để GPMB sạch toàn tuyến.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nhà thầu trúng gói thầu thi công Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 là Công ty TNHH Hoà Hiệp (có trụ sở tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An).

Hòa Hiệp được thành lập vào năm 1994, do ông Phạm Đình Hạnh (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Tại thời điểm tháng 6/2021, Công ty TNHH Hòa Hiệp có vốn điều lệ 570 tỷ đồng, trong đó: Phạm Đình Hạnh góp 225,72 tỷ đồng (39,6%), Phạm Chiến Hữu góp 56,487 tỷ đồng (9,91%), Phan Thị Sáu góp 174,933 tỷ đồng (30,69%), Phạm Hòa Hiệp góp 112,86 tỷ đồng (19,8%).

Hòa Hiệp được biết đến là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực thi công công trình ở Nghệ An với các công trình như Gói thầu số 11 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp ĐT.532 đoạn Km0+00 - Km28+00, Nghệ An với tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng là nhà đầu tư, nhà thầu thi công nhiều gói thầu thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP