Giáo dục

Dư âm bê bối gian lận thi THPT Quốc gia chưa dứt: Vì sao bộ GD&ĐT "loay hoay" trong xử lý cán bộ liên đới?

Trong khi dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, bức xúc về những bê bối gian lận thi cử “nâng điểm vì tình thân” xảy ra năm 2018 gây rúng động, thì cho đến nay, sau 2 năm, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dường như vẫn loay hoay trong vấn đề xử lý cán bộ liên đới trách nhiệm.

Cục phó chưa đến mức phải xem xét kỷ luật (?!)

Mới đây, Đảng ủy bộ GD&ĐT có kết luận số 1631-KL/ĐUB của Phiên họp ban Thường vụ ngày 27/4/2020. Tại phiên họp, ban Thường vụ Đảng ủy bộ GD&ĐT đã nghe Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ, tài liệu của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 theo kết luận số 1625-KL/ĐUB ngày 23/4/2020 của ban Thường vụ Đảng ủy bộ GD&ĐT.

Theo đó, ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã thảo luận, xem xét và kết luận các nội dung. Cụ thể, các tổ chức Đảng: Đảng ủy cục Quản lý chất lượng; chi ủy, chi bộ Thanh tra và cá nhân đồng chí Sái Công Hồng thuộc Chi bộ vụ Giáo dục trung học đã có khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 nhưng chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Đề nghị các tổ chức và cá nhân trên kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Bên cạnh đó, Chi bộ Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục, thuộc Đảng bộ cục Quản lý chất lượng chưa làm tròn trách nhiệm trong việc lãnh đạo đảng viên và chỉ đạo trung tâm Khảo thí và Kiểm định Quốc gia trong việc xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018; không ban hành các văn bản lãnh đạo; không thực hiện phân công nhiệm vụ cho Đảng viên; thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát đảng viên; có đảng viên vi phạm kỷ luật trong công việc bảo mật đối với phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Đảng ủy Bộ đề nghị Đảng ủy cục Quản lý chất lượng chỉ đạo và thực hiện quy trình xem xét kỷ luật Chi bộ Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục theo thẩm quyền.

Ông Sái Công Hồng không bị xem xét kỷ luật dù có liên đới để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, một chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí bày tỏ sự không hài lòng với kết luận này, khi Đảng uỷ bộ GD&ĐT đã không đánh giá hết mức độ của sự việc, bởi phần mềm chấm thi có kẽ hở dẫn tới sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT năm 2018 tại một số địa phương.

Cụ thể, vị này dẫn chứng: “Lỗi xảy ra là do công tác kỹ thuật (Đề thi; phần mềm chấm thi có nhiều kẽ hở; không qua thử nghiệm) xuất phát từ bộ GD&ĐT, cụ thể là cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng”.

Ông này cũng cho rằng, việc áp đặt tiêu chuẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội vào kỳ thi THPT Quốc gia là không chuẩn. “Đã có đơn vị nào kiểm định kỳ thi đánh gia năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chưa?” - ông đặt câu hỏi.

“Vì những thí sinh đã đăng ký vào đại học Quốc gia Hà Nội đều có học lực khá, nhưng ở câu chuyện thi Quốc gia thì khác, có những học sinh có học lực yếu làm sao các em có thể thi được. Từ đó dẫn tới ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 – 2018 phổ điểm không chuẩn, lệch. Điều đó nói lên đề thi chưa được thử nghiệm trên một tập hợp đủ lớn, chưa được tinh chỉnh” - vị này lập luận.

Ông cũng khẳng định, khi tổ chức thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thì không thể gian lận, vì nó diễn ra ở quy mô nhỏ, trường tự đảm bảo trách nhiệm đầu vào, còn ở đây, kỳ thi THPT Quốc gia thì mọi chuyện lại khác.

Nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng – Nguyễn Thanh Hoài (Hà Giang) không ngừng ngoái lại, vẫy tay chào tạm biệt người thân do sai phạm tại vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Và cho đến nay, dư luận vẫn chưa thể biết kinh phí để đưa kỳ thi đánh giá năng lực từ Đại học Quốc gia thành kỳ thi THPT Quốc gia là bao nhiêu, chỉ biết rằng chất lượng là không tốt, tiêu cực đã xảy ra tại các địa phương.

“Vậy là không lường trước được, không tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xảy ra sai phạm nghiêm trọng ai chịu trách nhiệm?” - Ông đặt câu hỏi và tự trả lời ngay: “Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng và ông Sái Công Hồng Cục phó cục Kiểm định chất lượng”.

“Tuy nhiên, thực tế Đảng uỷ bộ GD&ĐT đã không làm như vậy. Theo tôi, phương án kỷ luật nhẹ nhất là cảnh cáo ông Sái Công Hồng khi bê nguyên xi kỳ thi này từ Đại học Quốc gia về và để xảy ra sai phạm động trời. Còn ông Mai Văn Trinh phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu” - Ông này bày tỏ.

Trách nhiệm của ông Cục trưởng ở đâu?

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) bày tỏ những nỗi băn khoăn trong vấn đề xem xét kỷ luật. “Đối với việc làm này thì phải là người đứng đầu cục Quản lý chất lượng, ông Mai Văn Trinh phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ có ông Sái Công Hồng. Tôi thấy điều đó là không được bình thường!”.

“Chuyện nào cần trách nhiệm thì phải là người đứng đầu đầu tiên, chứ không phải cấp phó. Rồi muốn truy trách nhiệm đến cùng thì phải xem xét xử lý cả Chủ tịch hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018. Ở ta hiện nay vẫn còn hiện tượng “thí” quân...

Mặt khác, ông Sái Công Hồng khi đã được nêu tên, chịu trách nhiệm cá nhân thì phải công khai rõ ràng sai phạm như thế nào, sai phạm ở khâu nào... rồi ít nhất cũng phải kỷ luật, chứ không phải đưa tên rồi lại nói rằng “nhưng chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật”.

Nếu bao che, trước hết phải xử lý người đứng đầu cơ quan

Ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: Đối với những sự việc như thế này, tùy vào vi phạm của cán bộ mà các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý sẽ xem xét mức độ lỗi để xử lý, căn cứ trên các quy định của pháp luật. Lỗi vi phạm ở mức nào thì xử lý ở mức đấy.

ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ băn khoăn khi mà ông Sái Công Hồng được kết luận "chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật" mà "đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc”.

“Trong trường hợp có bao che, xem nhẹ vi phạm, tìm mọi cách làm giảm nhẹ mức độ vi phạm để thoát tội thì người đứng đầu hoặc cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu sau khi phát hiện ra có động cơ, có mục đích che giấu tội phạm hay che giấu kỷ luật thì phải xử lý những người liên quan, trước hết là người đứng đầu cơ quan đó” - ông Vân cho hay.

Ông Lê Thanh Vân cũng bày tỏ băn khoăn ở quyết định này khi mà ông Sái Công Hồng được kết luận "chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật" mà "đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc”.

PV đặt vấn đề về việc ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cũng không được nhắc đến trong bản kết luận nói trên và tính nghiêm minh của bản kết luận này, vị ĐBQH đoàn Cà Mau đưa quan điểm: “Sự việc chỉ thuyết phục được dư luận khi đưa ra thông tin đầy đủ, cụ thể ở đây "chưa đến mức kỷ luật" là mức nào? Nếu chỉ đưa ra một câu chung chung như vậy thì dư luận sẽ thắc mắc”.

Từ sự thiếu rõ ràng trong bản kết luận, sẽ dẫn tới những nghi hoặc trong dư luận, ông đặt câu hỏi: “Mức chưa đến mức kỷ luật đấy là lỗi ở mức độ như thế nào? Nếu lấy câu đó để che phủ hành vi vi phạm nặng, thiếu minh bạch thì làm sao dư luận có thể chấp nhận được, trong khi dư luận đang đòi hỏi là phải xử lý nghiêm để làm gương?”.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng.

Từ đó, vị ĐBQH đoàn Cà Mau cho rằng, cơ quan kết luận phải chịu trách nhiệm trong việc đưa ra quyết định có hay không có việc vi phạm. Phải đưa ra những căn cứ chứng minh được những lỗi của cá nhân không đến mức phải kỷ luật.

“Quan điểm của tôi là ai sai phải xử lý và người nào bao che thì càng phải xử lý nặng hơn. Phải chứng minh vì sao chưa đến mức xử lý kỷ luật, công khai minh bạch để dư luận không còn băn khoăn” - Ông Vân nói.

Vào tháng 8/2019, bộ GD&ĐT đã có đề nghị xem xét kỷ luật cán bộ liên quan đến bê bối gian lận thi THPT Quốc gia 2018. Trong danh sách này, có nhiều người là lãnh đạo các Cục, Vụ.

Theo đó, văn bản xem xét kỷ luật cho rằng, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp các nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã xảy ra tiêu cực và gian lận thi cử trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, bộ GD&ĐT nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Từ đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông báo danh sách các công chức bị xem xét kỷ luật bao gồm:

1. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

2. Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

3. Ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản lý chất lượng

4. Ông Hà Xuân Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng.

5. Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin.

6. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra.

7. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra

8. Ông Trịnh Minh Trường, Phó Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành

9. Ông Lê Văn Vương, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính

10. Bà Thẩm Thị Minh Hằng, Thanh tra viên

11. Ông Nguyễn Ngọc Chính, Thanh tra viên

12. Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng vụ Pháp chế

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học.

Tác giả: Dương Thu - Thu Huyền - Thủy Tiên

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP