Du lịch

Độc đáo tết hoa quả của người dân nơi biên giới

Lễ hội Khàu Búa Sa hay còn gọi là tết hoa quả của đồng bào dân tộc Thái, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Hằng năm, cứ vào ngày 29/7 âm lịch, bà con đồng bào dân tộc Thái tại các bản làng xã Mỹ Lý, lại tổ chức lễ Khàu Búa Sa (thường gọi là tết hoa quả).

Để ăn mừng và chào đón tổ tiên trở về từ Mường Trời, con cháu trong gia đình sẽ tổ chức mâm cúng tạ lễ tổ tiên và tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành.

Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - cho biết, trước đây, lễ hội Khàu Búa Sa kéo dài trong 7 ngày mới kết thúc. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, bà con tổ chức tiết kiệm, vui vẻ và rút ngắn thời gian còn một ngày.

"Vào ngày đó, ngoài mâm cúng chung đặt tại đền bản, mỗi gia đình đều chuẩn bị 2 mâm cúng tại nhà. Lễ Khàu Búa Sa được xem dịp để gia đình, anh em sum họp, con cháu ở xa nhớ về báo hiếu với ông bà, cha mẹ đã phù hộ. Dịp này, mỗi gia đình đều làm mâm cúng để cầu cho mưa thuận gió hòa, trong công việc làm ăn, kinh doanh được suôn sẻ và đặc biệt là thêm một mùa lúa mới bội thu", ông Lương Văn Bảy chia sẻ.

Cũng theo ông Lương Văn Bảy, đồng bào dân tộc Thái ở xã Mỹ Lý chiếm hơn 70% dân số; ngoài ra còn có người Khơ Mú và người Mông.

Anh Đặng Trọng Tấn - du khách đã vượt hàng trăm km từ huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, có mặt tại lễ hội Khàu Búa Sa. Đến với lễ hội này, anh Tấn thấy rất thú vị, cảm nhận được có phần lạ lẫm…

"Khàu Búa Sa là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Với tôi, lần đầu tiên được tham dự lễ và cảm nhận có phần lạ lẫm với phong tục tập quán nơi miền biên viễn này. Đây là phong tục mang đậm dấu ấn của người Thái. Bên cạnh đó, tôi được hòa mình, thưởng thức ẩm thực, lối sống gần gũi của bà con nơi đây", anh Tấn chia sẻ.

Đến với lễ hội Khàu Búa Sa là dịp để bạn bè, láng giềng thân thiết được gần gũi, đoàn kết. Vì theo quan niệm của người Thái, lễ hội càng có nhiều người tham gia thì mang lại nhiều may mắn.

Một số hình ảnh tết hoa quả của bà con dân tộc Thái, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn:

Từ sáng sớm, bà con dân tộc Thái bê những mâm cơm cúng ra điểm trung tâm của bản để làm lễ (Ảnh: H.H).

Những mâm cơm cúng với đủ các loại sản vật được nấu chín để dâng lên tổ tiên (Ảnh: N.D).

Đến ngày cúng lễ, trong tất cả các gia đình người Thái đều có bàn thờ để thắp hương (Ảnh: N.D).

Thầy cúng làm lễ trước khi dâng cúng lên tổ tiên những sản vật quê hương (Ảnh: N.D).

Sau khi làm lễ thắp hương tại gia đình, mâm lễ được đưa ra trước ngôi đền bên dòng sông Nậm Nơn để thầy mo tiếp tục cúng bái (Ảnh: H.H).

Nhiều hoa quả là sản vật của bản làng được đặt trong mâm đan bằng tre (Ảnh: H.H).

Mâm cúng bao gồm: Thịt gà tơ được luộc chín một đĩa, cơm lam, đầu lợn, xôi nếp nương... (Ảnh: H.H).

Mâm cỗ phải sắp xếp đẹp, đủ loại sản vật và được nấu chín, ngon (Ảnh: H.H).

Sau khi được thầy cúng làm lễ dâng lên tổ tiên để cảm ơn một năm qua bình an, mùa màng tốt tươi, mâm cúng được đưa ra để tham dự cuộc thi những mâm cỗ đẹp, đặc sắc (Ảnh: H.H).

Nộm da bò nấu chuối rừng (Ảnh: H.H).

Bò nướng xé theo phong cách riêng của dân tộc Thái (Ảnh: N.D).

Món bò xào sả theo cách riêng của người Thái (Ảnh: H.H).

Sau khi làm lễ tết hoa quả, người dân và du khách thập phương cùng nhau uống rượu cần (Ảnh: H.H).

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP