Thời điểm này, có hàng chục lao động của xã Diễn Kim, Diễn Hải (Diễn Châu) đến vùng đất cát hoang hóa ở huyện Quỳnh Lưu để đào rễ cỏ tranh. Ảnh: Chu Diện |
Rễ cỏ tranh làm dược liệu đang được người dân xã vùng biển Diễn Kim và Diễn Hải (Diễn Châu) khai thác triệt để. Mỗi lần đi xa, tìm kiếm vùng cỏ mới các lao động liên hệ với nhau hình thành từng tốp khoảng từ 10 - 15 người. Mỗi ngày họ chỉ đi đào một buổi, sau đó đem cỏ về làm sạch, phơi khô bán cho các thương lái với giá 15.000 đồng/kg.
Người dân thường lựa chọn cỏ mọc trên vùng đất cát để dễ đào nhằm đỡ tốn sức lao động. Ảnh: Chu Diện |
Chị Hồ Thị Ngọc ở xã Diễn Kim cho biết, nghề này tương đối vất vả, tuy nhiên, nhờ có thương lái thu mua thường xuyên với giá cả ổn định nên người dân phấn khởi. Vì không phải bỏ vốn nên thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi lao động, người đào được nhiều một ngày có thể bỏ túi khoảng 500.000 đồng, còn ít nhất cũng được 150.000 đồng.
Mặc dù năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà Trần Thị Hường ở xã Diễn Hải vẫn hàng ngày theo các nhóm rong ruổi tìm những “địa chỉ” có cỏ tranh, phần lớn là đi dọc đê biển tìm đến bãi đất cát hoang hóa. Theo chia sẻ của bà Hường, vùng đất cát thường dễ đào, rễ nhiều hơn so với đất thịt, đất sỏi hay đất đồi núi.
Nhờ loại cỏ dại này mà mỗi ngày một lao động có thu nhập từ 150.000 - 450.000 đồng. Ảnh: Chu Diện |
Có lúc cần hàng, nhiều thương lái đi theo người dân đến các bãi để thu mua rễ cỏ tươi tại chỗ, với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, nhờ đó, cho lao động thu nhập tương đối khá.
Theo Đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát tốt, mát gan, lợi thận. Ảnh: Chu Diện |
Theo Đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát tốt, mát gan, lợi thận. Rễ cỏ còn trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu… Với những tác dụng có lợi cho sức khỏe của con người cộng với đầu ra ổn định nên người dân nơi đây sẽ tiếp tục duy trì và phát triển nghề đào cỏ tranh này.
Tác giả: Hồng Diện
Nguồn tin: Báo Nghệ An