Thực tế, thực tập là cơ hội để sinh viên học hỏi thực tiễn nghề nghiệp - Ảnh: N.T. |
Đây là một trong vô số tình huống không ít công ty gặp phải khi tiếp nhận sinh viên thực tập. Giám đốc một công ty nói sinh viên tự tin rất tốt, nhưng đừng ảo tưởng về khả năng bản thân cũng như năng lực nghề nghiệp.
Sinh viên yếu kỹ năng nhưng nhiều yêu cầu
"Tôi có hẹn sinh viên đến công ty phỏng vấn để đánh giá khả năng trước khi tiếp nhận thực tập, nhưng chờ cả hai tiếng đồng hồ sinh viên không đến, cũng không phản hồi lý do" - ông Nguyễn Minh Triết, giám đốc Công ty Kịch Bản Việt, nói về tình huống vừa gặp phải.
Ông Triết nói đó không phải trường hợp cá biệt. Nhiều sinh viên thực tập có kỹ năng ứng xử rất kém và "ảo tưởng sức mạnh" bản thân.
Có sinh viên khi vào thực tập đã yêu cầu công ty cung cấp mô tả các vị trí công việc để bạn chọn vị trí thích hợp với mình nhất. Có bạn chỉ chấp nhận thực tập ở vị trí dựng phim, không làm các công việc khác. Có bạn hỏi lương thực tập bao nhiêu...
Tương tự, bà N. - giám đốc một công ty truyền thông có văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM - cho biết mỗi năm công ty nhận 3 đợt sinh viên thực tập. "Thực tế nhiều bạn quá ảo tưởng về nghề nghiệp, yếu kỹ năng ứng xử" - bà N. nói.
Theo bà N., nhiều sinh viên gửi email xin thực tập kiểu trống không, gửi đại trà cho nhiều công ty mà không có sự tìm hiểu trước. Công ty phản hồi hẹn phỏng vấn, các bạn không trả lời hoặc đến trễ so với thời gian hẹn. Có bạn phỏng vấn xong thì mất tích không liên lạc lại. Đó là chưa kể các bạn chọn việc thực tập, chứ không muốn theo sắp xếp của công ty.
"Đó là sự thiếu thái độ chuyên nghiệp khi tiếp cận công việc thực tế. Khi đến thực tập, rất nhiều sinh viên đã đặt thẳng vấn đề lương. Mức lương các bạn đề xuất 8 đến 10 triệu đồng/tháng.
Đòi hỏi về lương không phải vô lý nếu các bạn làm được việc. Nếu 1, 2 tuần thực tập, các bạn làm tốt công việc có thể đề đạt lương sẽ hợp lý hơn. Thế nhưng các bạn chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp gì trong tay cả, lấy cơ sở nào để đòi hỏi lương. Công ty sẽ có hỗ trợ chi phí cho các bạn sinh viên thực tập, nhưng không phải là mức lương giống nhân viên chính thức như vậy. Có vẻ các bạn đang ảo tưởng về nghề nghiệp" - bà N. nói.
Nên khiêm nhường học hỏi
Chia sẻ thêm về việc thực tập của sinh viên, bà N. cho rằng các bạn cần xác định rằng mỗi giai đoạn sẽ có một trọng tâm khác nhau. Khi đi thực tập, đó cũng là học kiến thức và trải nghiệm thực tế. Các bạn hãy làm tốt nhất theo khả năng của mình. Tự tin, khiêm nhường và chịu khó học hỏi là những điều cần thiết ở sinh viên thực tập.
"Hồ sơ nhiều sinh viên ghi đã có kinh nghiệm làm việc, trưởng ban, giám đốc dự án... Khi hỏi thực tế thì đây là các dự án và vị trí lãnh đạo các câu lạc bộ trong trường. Việc ghi rõ việc đã làm, chức danh cũng tốt để công ty biết các bạn năng nổ như thế nào.
Tuy nhiên không ít sinh viên nhầm lẫn giữa bài thực hành ở trường và kinh nghiệm làm việc, giữa chức danh trong câu lạc bộ và ngoài đời. Bài tập trong trường và dự án khách hàng thực tế khác nhau rất xa" - bà N. chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm này, ông Triết cho rằng thắc mắc và hỏi là tốt, nhưng các bạn sinh viên cũng cần biết giới hạn ở đâu.
"Các bạn đi thực tập, công ty phải bố trí người hướng dẫn, sẽ hỗ trợ chi phí nếu các bạn làm được việc. Đó là cơ hội để các bạn học tập từ thực tế và các bạn cũng cần biết nhiều thứ, chứ không chỉ làm việc bạn có thế mạnh hoặc mong muốn" - ông Triết nói.
Ông Triết cũng nói thêm rằng thực tập không chỉ học, trải nghiệm và làm thực tế công việc các bạn được học. Các bạn cũng sẽ học được nhiều kỹ năng khác như làm việc nhóm, quản lý công việc, học những thứ ngoài ngành học. Thế nên hãy cố gắng học từ các anh chị, từ quan sát thực tế, từ trải nghiệm khi làm việc chung.
Sinh viên bị giao việc quá nhiều khi đi thực tập? Mới đây, trên một diễn đàn, một sinh viên cho biết đang đi thực tập và quá áp lực vì liên tục bị hối thúc hoàn thành deadline. Hết cái này đến cái khác. Làm không kịp tiến độ bị người hướng dẫn la, làm không đúng cũng bị la. Chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến sinh viên cho rằng người hướng dẫn rất quan trọng, nhưng không nhất thiết mọi thứ đều phải nghe theo. Khi bị giao việc quá nhiều, nên trao đổi với người hướng dẫn về tiến độ cũng như khả năng xử lý của mình. "Làm thực tế sẽ học được nhiều thứ, nhất là những cái mình làm chưa đúng. Tuy nhiên việc quá tải sẽ khiến mình bị áp lực, làm sai những điều mình đã được học. Việc trao đổi thẳng thắn với người hướng dẫn là cần thiết. Dù sao được giao nhiều việc cũng tốt hơn chỉ bưng bê trà nước hay chạy việc lặt vặt" - một sinh viên ý kiến. |
Tác giả: MINH GIẢNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ