Cuộc sống

Đi học bị bạn bè chê béo, con trai về nhà ăn cơm bằng cách độc lạ khiến người mẹ rơi nước mắt

Nhìn thấy con trai ăn cơm bằng cái cốc nhỏ, thay vì dùng bát như mọi khi mà người mẹ vừa buồn cười vừa thương.

Nuôi dạy con là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi các ông bố bà mẹ phải thường xuyên trong trạng thái lo nghĩ cho con, dù là trong những việc nhỏ nhất như con có ăn ngon hay không, con có phát triển đúng cân nặng hay chiều cao không, và nhiều vấn đề khác. Mỗi sự thay đổi nhỏ của con đều ảnh hưởng đến tâm trạng của bố mẹ.

Một số bậc phụ huynh thường thích cho con ăn nhiều đến mức mũm mĩm, bởi đối với quan điểm của họ thì trẻ con mũm mĩm là đẹp, tức là con đang ăn ngon, ăn khoẻ. Ngược lại, đặc biệt là trong suy nghĩ của ông bà, đứa trẻ có vẻ ngoài ốm hay gầy gò một chút thì họ đều cho rằng đứa trẻ không khỏe mạnh, dễ mắc bệnh.

Tuy nhiên, sự thật thì quá béo cũng không tốt cho trẻ. Béo phì có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, và tạo áp lực lớn cho các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, trẻ quá béo còn dễ trở thành đối tượng bị trêu chọc và chế giễu từ các bạn bè đồng trang lứa. Điều này có thể gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.

Mới đây, những hình ảnh trong bữa ăn gia đình được một bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, đã thu hút lượt tương tác lớn từ cộng đồng mạng. Theo đó, bà mẹ này kể rằng, buổi trưa khi con trai 7 tuổi đi học về và ngồi vào bàn ăn cùng gia đình, biểu cảm của cậu bé rất buồn rầu. Sau đó, thay vì dùng bát để ăn như mọi lần, con trai bỗng chuyển sang dùng một chiếc cốc sứ nhỏ màu xanh trắng, giống như chiếc cốc dùng để uống rượu, đổ đầy cơm vào rồi cúi đầu ăn hết miếng này đến miếng khác mà không nói gì.

Nhìn thấy hành động khá hài hước và kỳ lạ này của con trai, bố mẹ cảm thấy vừa buồn cười vừa thương. Tuy nhiên, khi được mẹ hỏi chuyện gì đang xảy ra, ban đầu cậu bé không chịu kể, nhưng sau đó vì người mẹ hỏi đi hỏi lại nhiều lần nên cuối cùng cậu bé cũng nói sự thật.

Hóa ra ở trường, có một số bạn trong lớp cười nhạo cậu quá béo, có vài bạn lén cười, rồi nói xấu sau lưng cậu, thậm chí một số bạn khác còn xa lánh, không cho cậu chơi cùng. Điều này đã làm cậu bé tổn thương sâu sắc. Thế là sau khi về nhà, cậu bé đã quyết tâm giảm cân bằng cách này.

Dù trước mặt cậu bé là một nồi khoai tây hầm gà, nhưng cậu bé vẫn kiềm chế, chỉ ăn cơm trắng với rau củ, tuyệt đối không gắp miếng thịt nào. Biết được vấn đề của con trai, người mẹ rơi nước mắt vì vừa xót con, vừa khá buồn cười với suy nghĩ ngây thơ của đứa trẻ. Sau khi câu chuyện được chia sẻ, cư dân mạng tỏ ra vô cùng thích thú với "anh chàng mập mạp, dễ thương này".

Một số người trêu đùa: "Nếu ăn 80 cốc một lần, nhóc tỳ sẽ không giảm cân mà còn tăng cân". Có cư dân mạng còn hài hước suy đoán: "Chắc hẳn là cô bé xinh đẹp trong lớp đã nói vậy, nên anh chàng mới quyết tâm giảm cân như thế". "Có vẻ như vật cản lớn nhất để cậu bé giảm cân chính là mẹ, yêu cầu mẹ thay thịt lợn bằng thịt bò, khoai tây bằng rau củ, cộng thêm việc tập thể dục thường xuyên, chắc chắn đứa trẻ sẽ giảm cân. Đây cũng là cách con trai tôi đã làm"...

Theo các chuyên gia, bác sĩ Nhi thì quả thực những đứa trẻ có cân nặng vượt mức tiêu chuẩn sẽ không tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên thì khi trẻ còn đang trong "tuổi ăn tuổi lớn", việc giảm cân chỉ bằng cách ăn ít là rất khó, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy mà trong vấn đề này, bố mẹ cần phải có kiến thức và sự hiểu biết kỹ lưỡng, để đưa ra những lựa chọn nuôi dạy con đúng đắn.

Một số tác hại của bệnh béo phì đối với trẻ

- Vấn đề sức khỏe thể chất: Béo phì là một nguy cơ khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gan mỡ và bệnh lý về hô hấp. Trẻ béo phì thường gặp khó khăn trong việc đi lại, hoạt động thể chất và thường xuyên bị mệt mỏi. Những vấn đề này có thể kéo dài suốt đời và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cũng như tuổi thọ của trẻ.

- Tác động tâm lý và xã hội: Béo phì có thể gây ra những vấn đề tâm lý nghiêm trọng cho trẻ, chẳng hạn như trẻ cảm thấy tự tị và có cảm giác bị xa lánh. Trẻ béo phì dễ bị kỳ thị, bắt nạt hoặc chế giễu từ bạn bè. Điều này dẫn đến sự cảm thấy tách biệt và khó khăn trong việc tạo mối quan hệ xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sự phát triển xã hội của trẻ.

- Tình trạng vận động kém: Béo phì làm hạn chế sự linh hoạt, và khả năng vận động của trẻ. Trẻ béo phì thường gặp khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động thể chất, như chạy, nhảy, leo trèo. Trẻ có thể gặp nhiều trở ngại trong việc duy trì một lối sống hoạt động, và thể hiện khả năng khám phá thế giới xung quanh một cách tự tin.

- Tác động đến phát triển toàn diện: Béo phì ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm cả khả năng học tập và tư duy. Trẻ béo phì thường gặp khó khăn trong việc tập trung, tư duy logic,... Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập, sự phát triển trí tuệ và khả năng thích ứng với môi trường học tập ở trẻ.

- Tác động xã hội và kinh tế: Béo phì tạo áp lực tài chính cho gia đình, do yêu cầu chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và chăm sóc y tế. Ngoài ra, tình trạng béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội công việc, và sự phát triển xã hội của trẻ trong tương lai. Trẻ béo phì có thể gặp khó khăn trong việc tìm cơ hội việc làm, và đối mặt với các rào cản xã hội như định kiến về ngoại hình và cân nặng.

Bố mẹ nên làm gì để giúp con duy trì một thân hình cân đối, sức khoẻ tốt?

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Cung cấp cho con một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất dinh dưỡng và thực phẩm tự nhiên. Bố mẹ nên tập trung vào việc cung cấp các loại rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, đậu, và hạn chế thức ăn nhanh, đồ ngọt hay đồ uống có nhiều đường.

- Khuyến khích hoạt động thể chất: Tạo điều kiện cho con tham gia vào hoạt động thể chất đều đặn. Bố mẹ có thể đưa con đi dạo, chơi các trò chơi ngoài trời, tham gia các câu lạc bộ thể thao hoặc môn học như bơi, bóng đá, võ thuật,... Cố gắng giới hạn thời gian con dành cho các thiết bị điện tử, và khuyến khích thời gian ngoài trời.

- Tạo môi trường gia đình lành mạnh: Gia đình nên là môi trường tích cực cho con. Đảm bảo rằng trong nhà có đủ thực phẩm lành mạnh, và hạn chế có sẵn đồ ăn không tốt cho sức khoẻ. Hãy cùng nhau tham gia vào các hoạt động gia đình như nấu ăn chung, đi dạo, hay chơi các trò chơi thể chất.

- Hỗ trợ tinh thần và tạo lòng tự tin: Tạo môi trường ủng hộ và khích lệ con. Hãy lắng nghe và hiểu các tâm tư, lo lắng của con và hỗ trợ con trong việc xây dựng lòng tự tin, và hình thành một hình ảnh tích cực về bản thân. Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động yêu thích, để phát triển sở thích cá nhân.

- Làm gương cho con: Bố mẹ cần trở thành hình mẫu cho con, bằng cách có một lối sống lành mạnh để con học tập và noi theo. Hãy thể hiện chế độ ăn uống cân đối, thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn và giữ một thái độ tích cực đối với việc chăm sóc sức khỏe cá nhân trước mặt con trẻ.

- Giáo dục về dinh dưỡng: Hãy giáo dục con về lợi ích của việc ăn uống lành mạnh và cân đối. Hãy giải thích cho con về các nhóm thực phẩm khác nhau, và cách chúng có thể hỗ trợ sức khỏe, sự phát triển toàn diện của con. Dùng những nguồn thông tin đáng tin cậy để cung cấp kiến thức dinh dưỡng cho con.

Tác giả: KIỀU TRANG

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP