Kinh tế

Đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu không còn hộ nghèo

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng đầu tư cho nông dân để phát triển ngành nông nghiệp.

Ngày 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và thông tin về các chương trình, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm...

Đến năm 2050, Việt Nam phấn trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, đẹp...

Chú trọng đổi mới tư duy người nông dân

Cùng với việc xác định rõ mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 9 định hướng và 10 giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho các nhóm đối tượng về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới...

Bên cạnh đó, phải đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời phát triển thị trường trong và ngoài nước, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số...

Giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho nông dân. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây là một chiến lược của cả xã hội, của doanh nghiệp và của nông dân. "Bộ rất nghiêm túc trong việc xây dựng và đưa chiến lược đi vào cuộc sống. Đặc biệt điều quan trọng là phải tiếp cận với dòng chảy, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới", ông nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường...

"Chiến lược này sẽ định vị được nhận thức của lãnh đạo, của người nông dân về vai trò sứ mạng của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, chiến lược này vai trò lớn trong việc bình ổn xã hội, bởi 60% người dân đang ở nông thôn", Bộ trưởng kỳ vọng.

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng...

Làm sao để chiến lược đi vào thực tế?

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NNPTNT - cho rằng điều quan trọng là làm sao để chiến lược đi vào thực tiễn cuộc sống người nông dân thay vì nằm trên giấy.

"Một mình Bộ NNPTNT không thể triển khai được mà các bộ ngành có liên quan và địa phương phải đồng loạt vào cuộc, xây dựng được kế hoạch triển khai. Đồng thời phải rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách bởi đây là tư duy hoàn toàn mới. Đây là mấu chốt quan trọng nhất", ông nhấn mạnh.

Một mình Bộ không thể triển khai được mà các bộ ngành có liên quan và địa phương phải đồng loạt vào cuộc, xây dựng được kế hoạch triển khai.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt ông Việt cho rằng phải xây dựng kế hoạch cụ thể và thay đổi về mặt tư duy từng cán bộ quản lý, nhà khoa học, người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... Bên cạnh đó, nguồn lực về tiền bạc và con người cũng là một yếu tố quan trọng để đưa chiến lược vào cuộc sống.

Ngoài ra, lãnh đạo Vụ kế hoạch cũng cho rằng cần phải có những đột phá trong chính sách liên quan đến đất đai. "Chúng ta nên hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai. Trung Quốc đã có trung tâm như thế này, đất nông nghiệp không sử dụng được đưa lên hệ thống, doanh nghiệp nào cần trung tâm sẽ kết nối cho doanh nghiệp và nông dân gặp nhau", ông Việt nói.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng phải hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai. Ảnh: Hoàng Hà.

Về tình trạng được mùa mất giá hiện nay, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho rằng ngay cả Mỹ, châu Âu - là những nước cơ chế thị trường hàng trăm năm nhưng người nông dân vẫn phải đổ bỏ nông sản.

"Chúng ta phải chấp nhận tình trạng đó nhưng với định hướng sản xuất xã hội chủ nghĩa, cơ quan quản lý phải hạn chế thấp nhất rủi ro, bấp bênh trong vấn đề sản xuất", ông nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Cường đánh giá nhiều nông dân Việt Nam đang ảo tưởng của về những mô hình sản xuất mà chưa lường trước, đánh giá nhìn nhận được những khó khăn.

"Ngành trồng trọt không có quy hoạch mà gắn kết vào quy hoạch chung của các tỉnh, thành. Do đó, khi xây dựng kế hoạch chung, các tỉnh phải có định hướng xây dựng cho ngành trồng trọt, phải gắn với cơ sở hạ tầng, giao thông để chúng ta có định hướng dài hơi về cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, logistics", ông nói.

Vấn đề dữ liệu trong ngành trồng trọt, lãnh đạo Cục trồng trọt thừa nhận vẫn chưa tạo được sự đồng bộ và chưa được sử dụng một cách hiệu quả chung.

"Xây dựng cơ sở dữ liệu là điều quan trọng trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chúng tôi đang quyết liệt thực hiện trong việc chuyển đổi số trong trồng trọt", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết vẫn còn vướng nhiều vấn đề như kinh phí, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, sự tự giác của người nông dân, cán bộ công chức trong lĩnh vực trồng trọt...

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP