Xã hội

Đền Hội Thiện Nơi lưu giữ nhiều Sắc Phong cổ

Đền Hội Thiện tại xã Trù Sơn- Đô Lương được xây dựng vào thời Nguyễn gồm 3 tòa Thượng – Trung – Hạ điện, hai nhà tả – hữu. Đền là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, là nơi tôn thờ, tưởng niệm các vị thần có công với dân, với nước. Hiện đền còn lưu giữ 50 Sắc Phong, kiệu, long ngai, bài vị và nhiều hiện vật văn hóa quý hiếm.

Cổng vào Đền Hội Thiện


Đền Hội Thiện được xây dựng để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Cao Sơn, Cao Các, Hưng Đạo Đại Vương, Thần linh thông Bến Ngọ trong xã Lưu Sơn xưa, nay thuộc xóm 11, xã Trù Sơn.

Bàn thờ ở thượng điện chỉ được mở khi cần thiết


Tương truyền, Công chúa Liễu Hạnh tên thật là Giáng Tiên, con gái của Ngọc Hoàng, trong một lần đánh rơi chén ngọc nên bị đày xuống hạ giới và đầu thai vào gia đình ông Trần Thái Công ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản nay là huyện Vũ bản, Nam Định.

Bàn thờ Liễu Hạnh Công chúa


Lớn lên, Giáng Tiên được gả cho Đào Lang – một danh sỹ trong vùng. Danh sỹ này tròn 21 tuổi thì mất. Giáng Tiên là con Ngọc Hoàng đến hạn nên phải về trời, nàng lưu luyến trần gian nên đòi đầu thai lần nữa và được Ngọc Hoàng chấp thuận cho nàng xuống trần lấy hiệu là Liễu Hạnh.

Trong thời gian ở trần gian, chúa Mẫu Liễu Hạnh đã đi mây về gió khắp nơi, biến đổi thành nhiều hình thức khác nhau để giúp người gặp cảnh hoạn nạn, diệt trừ những kẻ có thói hư tật xấu, giúp nhà vua đánh giặc, sau khi hiển thánh bà được nhân dân tôn vinh thành Mẫu Nhi Thiên hạ, trở thành một vị thần bất tử trong tín ngưỡng của nhân dân Việt nam.

Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ bà. Hàng năm đều làm lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Hiện nay, trong đền Hội Thiện còn lưu giữ 50 sắc phong do các Vua: Cảnh Hưng, Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho các vị thần. Điển hình như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Huệ Ngọc Công Chúa, Mộc Đức- Bạch Y (thần chữa bệnh); các Sơn Thần như: Đoài Sơn, Cao Sơn, Tróc Sơn, Hùng Sơn, Quận Sơn, Linh Thông Bến Ngọ…Đây là các vị thần đã che chở cho con dân của Vua, nên nhà Vua biết ơn Sắc Phong cho họ. Đồng thời tôn trọng nhân dân việc thờ phụng, nhằm giúp bảo Quốc hộ dân, có như vậy mới Quốc thái- Dân an.

Mới đây, đoàn cán bộ Thư viện khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã về thực hiện số hoá tài liệu Hán Nôm tại đền thờ Hội Thiện, qua đó đã tổng hợp được số Sắc Phong của các vua phong. Tổng cộng có 46 Sắc Phong được số hoá và dịch thuật.

Việc đền Hội Thiện lưu giữ nhiều Sắc Phong như vậy là do từ nửa đầu thế kỷ 20, thực hiện việc “bài phong phản đế” (bài trừ phong kiến), nên hợp tự các vị thần trong vùng tại đền Hội Thiện, do vậy các Sắc Phong cũng được đưa về lưu giữ tại đây.

Sắc phong cho Liễu Hạnh Công chúa


Ngoài Sắc Phong, ở đền còn lưu giữ nhiều cuốn sách cổ như: Phổ tế chân kinh, Di lặc đức thế chân kinh, Tăng Quảng Nam Bắc Đẩu chân kinh, Tam phủ chân kinh, Cửa Kiếp Hoàng kinh Diệc Âm. Một số cuốn sách do thời gian tồn tại quá lâu nên đã bị mục nát.

Sắc phong đang được cất giữ cẩn thận


Đền Hội Thiện không chỉ là công trình tưởng nhớ công ơn của các vị thần, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà trước cách mạng tháng 8/1945 còn là nơi hoạt động của các chiến sỹ cách mạng, nơi tập hợp vận động nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại chế độ cường hào, áp bức bóc lột. Hiện nay đền Hội Thiện đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tác giả bài viết: Ngọc Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP