Sáng ngày 11-6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất cấm quan chức lộ bí mật công tác cho người nhà và doanh nghiệp sân sau, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực của UBQP&AN cho hay: Xuất phát từ thực tiễn pháp lý và xã hội cho thấy hành vi này chưa bị điều chỉnh.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. |
Ông cho hay, hiện quy định về những điều cán bộ công chức không được làm (Điều 18, 19, 20 của Luật cán bộ công chức) thì không có quy định nào về việc cấm cán bộ công chức tiết lộ thông tin công tác cho người nhà, doanh nghiệp sân sau.
“Tôi lấy ví dụ, ở cơ quan này chuẩn bị lắp đặt một hệ thống thiết bị này, xây dựng, hoặc mua sắm cái này, cái kia. Đó là chuyện bí mật công tác. Nhưng có rất nhiều vị có biểu hiện tuồn thông tin đó ra ngoài, cho doanh nghiệp sân sau dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí hối lộ đút lót để trúng thầu…” – ĐB Bộ nói.
Bên cạnh thực tế xã hội trên, ĐB Bộ cũng cho rằng quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi này cũng chưa đồng bộ. “Trong Bộ Luật hình sự có quy định về tội cố ý làm lộ bí mật công tác nhưng Luật cán bộ công chức lại không có điều luật nào cấm hành vi trên” – ĐB Bộ nhấn mạnh.
Theo ông chính những lỗ hổng này mới dẫn đến chuyện có những dự án, vụ việc đấu thầu mà “người trong cơ quan có khi chưa biết, doanh nghiệp bên ngoài đã biết rồi”.
“Chính lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau từ đó mà ra. Bạn làm trưởng phòng có khi bạn chưa biết cái chủ trương đấy. Nhưng một số vị lãnh đạo ngồi với nhau đưa ra chủ trương đấy. Thông tin đó vợ ông ấy biết, con ông ấy biết, bè bạn ông ấy biết, doanh nghiệp sân sau của ông ấy biết. Rõ ràng đây là ông ấy làm lộ bí mật công tác. Đến khi ông đưa ra thông báo mời thầu chẳng hạn. Ông lại khống chế thời gian trong vòng một tuần, thì những doanh nghiệp sân sau biết trước thông tin đã có sự chuẩn bị sẵn rồi…” – ĐB Bộ phân tích.
ĐB Bộ cũng thông tin thêm, vào chiều ngày 10-6, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật cán bộ công chức, bên hành lang Quốc hội ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề này. “Đồng chí Bộ trưởng cũng đánh giá đề xuất này rất có lý, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có quy định cụ thể”- ĐB này cho hay.
Tác giả: TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM