Trong nước

Đề nghị kỷ luật cán bộ liên quan vụ cựu quân nhân 32 năm 'cõng' đơn đòi quyền lợi

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, có hình thức kỷ luật đối với những cán bộ có liên quan đến vụ việc một cựu quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B phải 32 năm “cõng” đơn đi đòi quyền lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi kể với PV Tiền Phong về hành trình 32 năm "cõng" đơn đòi quyền lợi

Giấu hồ sơ cán bộ

Ngày 23/2, Phó tổng Thanh tra Chính phủ - Trần Ngọc Liêm đã ký ban hành thông báo kết quả kiểm tra, rà soát khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1953, quê Phú Thọ). Kết quả cho thấy đây là vụ việc khiếu nại kéo dài 32 năm, liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với cán bộ đi B sau giải phóng miền Nam, tuy nhiên sự thiếu trách nhiệm trong giải quyết, giải quyết chưa chính xác, chưa khách quan của một số cơ quan có thẩm quyền đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, danh dự, việc làm trong suốt thời gian dài của công dân, hơn nữa lại là cán bộ đi B, người phải được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước đã quy định.

Cụ thể, ông Lợi là cựu quân nhân thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam, ông được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú, rồi được điều động đến học tại Phân hiệu ĐH Y khoa miền núi (sau chuyển thành ĐH Y Bắc Thái, nay là ĐH Y – Dược, ĐH Thái Nguyên - gọi chung là Trường).

Đến năm 1988, ông Lợi được công nhận tốt nghiệp nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định pháp luật.

Từ năm 1990 đến năm 2019, ông Lợi đã có đơn gửi Trường và nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Sở Y tế Vĩnh Phú, Sở Y tế Phú Thọ, Văn phòng Chính phủ…. Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng.

Do đó, năm 2020, ông Lợi tiếp tục gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi xem xét vụ việc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc xác minh.

Theo đó, TTCP đã thành lập Tổ công tác do ông Nguyễn Mạnh Cường, Thanh tra viên cao cấp làm tổ trưởng tổ xác minh, rà soát lại khiếu nại của ông Lợi.

Sau 15 ngày làm việc (từ 9/11 – 26/11/2020), tổ công tác đã làm rõ những nội dung khiếu nại của ông Lợi là đúng. Đồng thời chỉ ra những sự tắc trách, thiếu trách nhiệm và không khách quan của một số cơ quan, tổ chức từng giải quyết khiếu nại, kiến nghị của cựu quân nhân này.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi chụp ảnh cùng ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại buổi công bố kết luận. (Ảnh ông Lợi cung cấp)

Cụ thể, TTCP kết luận: Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên điều động ông Lợi về Sở Y tế Vĩnh Phú chưa đúng với các quy định pháp luật, trái với nguyên tắc tiếp nhận cán bộ ở miền Nam ra.

Mặt khác, Trường đã bàn giao không đầy đủ cho Sở Y tế Vĩnh Phú các tài liệu liên quan đến ông Lợi, chỉ bàn giao một số tài liệu gây bất lợi cho ông Lợi về nhân thân và không có giá trị để ông Lợi nối tiếp biên chế Nhà nước từ ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, nhiều tài liệu, hồ sơ có giá trị pháp lý để giải quyết chế độ cho ông Lợi vẫn đang lưu giữ tại Trường.

“Những việc làm nêu trên đã gây ra hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan: BHXH, BHYT, nhà đất, chế độ người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác theo quy định pháp luật…” –Thanh tra Chính phủ kết luận.

Tắc trách và không khách quan

Vẫn theo kết luận của TTCP, Sở Y tế Vĩnh Phú không những làm thất lạc bộ hồ sơ mà còn không giải quyết triệt để, trả lại quyền lợi cho ông Lợi mặc dù biết ông Lợi nguyên là cán bộ đi B, được cử đi học. TTCP xác định trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phú - Phú Thọ thời kỳ từ 1991 đến 2018 và công chức tiếp nhận và bảo quản hồ sơ đã nhận bàn giao.

Ngoài ra, TTCP cũng cho rằng Bộ Y tế đã áp dụng pháp luật không đúng, kết luận vụ việc không đủ căn cứ dẫn đến việc Trường và Bộ GD&ĐT đã không giải quyết hoặc giải quyết chưa chính xác, chưa khách quan các khiếu nại, kiến nghị tiếp sau đó của ông Lợi.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã giải quyết vụ việc khiếu nại, kiến nghị chưa chính xác, chưa khách quan, chủ yếu căn cứ vào báo cáo không đúng thực tế của Trường để giải quyết đơn.

Đáng chú ý, năm 2020, mặc dù Sở Y tế Phú Thọ và Trường báo cáo về việc đã tìm lại được Quyết định 54/QĐ ngày 12/10/1977 của Ủy ban Thống nhất của Chính phủ - là căn cứ quan trọng nhất xác định ông Lợi là cán bộ đi B, được cử đi học, nhưng Bộ GD&ĐT lại không dựa vào căn cứ quan trọng này để Báo cáo Thủ tướng và đề xuất hướng xử lý phù hợp. Trách nhiệm thuộc Lãnh đạo Bộ, Chánh Thanh tra Bộ và Tổ trưởng tổ công tác giải quyết đơn của Bộ GD&ĐT…

Theo đó, cùng với kiến nghị cơ quan chức năng đền bù thiệt hại, khôi phục các chế độ, chính sách được hưởng đối với ông Lợi, TTCP cũng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với những cá nhân liên quan tại Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Y tế Phú Thọ và Trường Đại học Y- Dược, Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ từ 1983 đến 2020.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Lợi còn cho biết vào giai đoạn trước khi trở thành “người vô thừa nhận” do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, ông từng có mâu thuẫn với một số người giữ chức vụ của Trường rồi bị kỷ luật. Sau khi ông khiếu nại, Trường đã phải hủy quyết định kỷ luật và bồi thường vật chất trong 5 năm do ông bị chậm tốt nghiệp (từ 1983 đến 1988). Mặc dù đòi lại được quyền lợi, nhưng sau đó với ông là quãng thời gian dài tăm tối do không xin được việc, không làm được CMND, không đăng ký kết hôn được và con đẻ ra cũng không làm giấy khai sinh được…để rồi phải ròng rã 32 năm “cõng” đơn đi khiếu nại.

Tác giả: DƯƠNG LÊ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP