Nhiều đại biểu thẳng thắn nêu vấn đề: Trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Tuy Luật đường sắt năm 2005 đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, từng bước đổi mới ngành đường sắt phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của nước ta trong giai đoạn vừa qua, nhưng bước vào thời kỳ phát triển mới, với yêu cầu và nhiệm vụ mới rất nặng nề thì giao thông vận tải đường sắt bộc lộ nhiều bất cập như: kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường sắt quốc gia là đường đơn, khổ rộng 01m, trong khi đó hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng đường sắt khổ rộng 1,435m; hệ thống tín hiệu không đồng bộ, nhiều thế hệ từ nhiều quốc gia; nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, vận hành phương tiện hầu như chưa được ứng dụng... năng lực thông qua thấp.
Đại biểu Hồ Đức Phớc hi vọng: Dự luật đường sắt sửa đổi sẽ tạo nên cơ chế đột phá phát triển giao thông vận tải đường sắt, xứng với tiềm năng của ngành
Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Sản lượng vận tải hàng hóa ngành đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần. Hệ thống đường sắt chưa được kết nối hài hòa với các loại hình giao thông khác để tạo nên một mạng lưới đồng bộ. Quản lý, quản trị giao thông đường sắt không còn phù hợp với cơ chế mới, cồng kềnh, thiếu khoa học, chưa được thị trường hóa, chưa huy động được các nguồn lực đầu tư…
Thể hiện sự đồng tình cao với việc cần phải sửa đổi Luật đường sắt hiện hành, đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) hi vọng: Dự luật sửa đổi sẽ tạo nên cơ chế đột phá phát triển giao thông vận tải đường sắt, xứng với tiềm năng của ngành…
Góp ý cụ thể vào các điều, đại biểu Hồ Đức Phớc đề nghị bỏ từ “định hướng’’ tại khoản 1, Điều 7. Tại điểm c, khoản 1, Điều 14 về phân loại đường sắt, đại biểu phân tích: Chủ đầu tư là người có tiền nhưng việc tổ chức, GPMB, giao đất… chính quyền địa phương phải làm, NSNN phải chi trả; mọi việc làm tốt hay xấu, đúng quy hoạch hay không đúng quy hoạch… để chủ đầu tư quyết định là lỏng lẻo và bất cập; do đó, nên đưa về UBND tỉnh quyết định. Tại Điều 18 về khổ đường sắt quy định đường sắt quốc gia có khổ đường 1.435m là quá cứng nhắc; nếu đưa vào hệ thống tiên tiến thì xử lý như thế nào? Do đó, nên quy định mở để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ…
Liên quan đến điểm c, Điều 52, theo đại biểu Hồ Đức Phớc nên sửa cụm từ “phối hợp với chính quyền địa phương” bằng cụm từ “phối hợp với cơ quan có đường sắt đi qua” vì lực lượng công an thuộc chính quyền địa phương… Đồng thời xem xét lại khoản 2, Điều 73 và nên giao Bộ Tài chính quy định…
Đại biểu Trần Văn Mão: Nên thiết kế một chương quản lý về hoạt động đường sắt.
Theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), nên thiết kế một chương quản lý về hoạt động đường sắt. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, trong luật đã liệt kê, song chưa bao quát hết các điều khoản; càng liệt kê chi tiết càng thiếu, đặc biệt thiếu nội dung QLNN về hoạt động đường sắt dẫn đến mâu thuẫn bảo đảm tính thống nhất trong các đạo luật. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung rõ và chi tiết hơn về vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt; cụ thể thêm về cơ chế hỗ trợ và ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và phát triển công nghiệp đường sắt; đồng thời tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo với các luật khác…
Đồng tình với Điều 15 dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Mão đề nghị: Cần nghiên cứu cụ thể để có lộ trình, phương án cụ thể về việc chuyển phí, giá; bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về nhân viên đường sắt để đáp ứng sự phát triển các loại hình phát triển như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.
Liên quan đến kinh doanh vận tải đường sắt, đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) nhấn mạnh: Cần cố gắng tách bạch được cơ quan quản lý với cơ quan kinh doanh vận tải để thể hiện được tính cạnh tranh trong kinh doanh vận tải đường sắt; tập trung phát triển công nghệ đường sắt; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đường sắt; đồng thời để tạo sự đột phá đối với ngành đường sắt, dự thảo Luật cần phải rõ về tư duy, rõ về định hướng, từ đó mới kêu gọi đầu tư hiệu quả…
Đánh giá phương thức vận tải đường sắt có nhiều ưu việt so với các phương thức vận tải khác như bảo vệ môi trường, mức độ an toàn cao, diện tích sử dụng đất ít, khả năng vận chuyển lớn, ít phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật bổ sung các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội; tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh đường sắt; khuyến khích đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh đường sắt, nâng cao chất lượng phục vụ để phục hồi và phát triển thị phần vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác, góp phần giảm tình trạng quá tải của giao thông đường bộ, đường không; nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống tuyến đường sắt hiện có, đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường sắt, trong đó có các tuyến kết nối với các phương thức vận tải khác.
Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Đại biểu Lê Quang Huy: Muốn chuyển giao KHCN thì phải có cơ sở vật chất, cần phải hỗ trợ từ đầu những lĩnh vực cần đầu tư
Cho ý kiến về sự cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ, nhiều đại biểu cho rằng: Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế…
Các ý kiến cũng cho rằng, thị trường khoa học công nghệ của nước ta còn sơ khai, chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng giao dịch còn hạn chế. Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học công nghệ trong nước với doanh nghiệp còn ít và hiệu quả không cao. Số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam thấp, việc chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập, chưa có sự chuyển động mạnh mẽ…
Theo đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An): Luật còn quá hẹp, một số nội dung trong luật lại nằm ở các luật khác. Góp ý về quy định việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đại biểu cho rằng, cần đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, nhất là việc thúc đẩy ứng dụng cao cho nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… Tuy nhiên, quy định nội dung này trong dự thảo Luật chưa cụ thể. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo quy định về chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Việc ban hành luật là cần thiết, nhưng theo đại biểu Hồ Đức Phớc, cần phải có sự thông thoáng, khuyến khích được hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nước ngoài… Liên quan đến danh mục thuộc diện cấp phép, theo đại biểu đây là linh hồn của luật mà chưa đưa vào; do đó, cần phải có danh mục cấp phép đi kèm với luật này.
Đồng quan điểm này, đại biểu Lê Quang Huy cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính chung chung. Do đó, muốn chuyển giao thì phải có cơ sở vật chất, cần phải hỗ trợ từ đầu những lĩnh vực cần đầu tư. Luật cần đưa ra chính sách cụ thể…
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị Nhà nước nên có chính sách miễn giảm thuế đối với hoạt động, sản phẩm chuyển giao công nghệ trong thời gian 1-2 năm đầu, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giới thiệu, khuyến mại sản phẩm; nên có chính sách miễn giảm thuế đặc biệt đối với các hoạt động CGCN tại vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 3
Buổi chiều, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: