Chưa đủ thời gian đã lấy mẫu xét nghiệm kháng thể
Theo biên bản tiêm phòng cho đàn gia súc do Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Nam Đàn (Nghệ An) lập các ngày 4, 25/3 do ông Nguyễn Hữu Quốc, Trạm trưởng ký thì đàn bê 300 con của Công ty CP Nga Chín đã được tiêm 1 mũi vắc xin tụ huyết trùng và 2 liều vắc xin LMLM. Số vắc xin này có đầy đủ thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác và còn hạn sử dụng.
Người nghèo khốn đốn vì bê dự án bị nhiễm bệnh |
Trong phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III lập ngày 4/4/2018 do ông Dương Tất Thắng, Chi cục trưởng ký thì định lượng kháng thể bệnh LMLM serotype A dương tính 17/18 mẫu (94,4%); số mẫu bảo hộ 13/18 mẫu kiểm tra (72,2%). Đây là hai giấy tờ quan trọng nằm trong bộ hồ sơ cấp bê dự án đợt 2 (110 con) cho người dân nghèo 7 xã của huyện Tương Dương vào ngày 9/4.
Một cán bộ lâu năm ngành thú y cho biết, về nguyên tắc, sau khi tiêm mũi vắc xin THT và LMLM (cùng ngày tiêm) thì 21-28 ngày sau tiêm tiếp 1 mũi vắc xin LMLM. Kể từ ngày tiêm mũi vắc xin LMLM thứ 2, phải sau 14-21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá hàm lượng kháng thể LMLM.
Theo yêu cầu, thì tỷ lệ bảo hộ phải đạt trên 70% mới cho lưu hành. Về lý thuyết, khi gia súc đã được tiêm phòng, đủ kháng thể thì thông thường sẽ được miễn dịch. Nhưng cũng có một tỷ lệ nhất định, khoảng 30% có thể phát bệnh sau 21 ngày tiêm nếu kháng thể yếu, gặp thời tiết bất thuận.
Tuy nhiên, đối chiếu với lịch trình tiêm và lấy mẫu xét nghiệm kháng thể thì đàn bê dự án 30a của Công ty CP Nga Chín cấp cho huyện Tương Dương ngày 9/4 đã được “đốt cháy” thời gian 4-5 ngày. Vậy vì sao đàn bê vẫn được cấp cho người dân? Phải chăng, đơn vị tiêm phòng là Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Nam Đàn, đơn vị thực hiện dự án là Phòng NN- PTNT huyện Tương Dương và đơn vị trúng thầu không nắm rõ điều này?
“Nếu trong hồ sơ chưa đủ thời gian sau tiêm phòng mà vẫn lấy mẫu xét nghiệm kháng thể để cho lưu hành là không đúng quy định. Chúng tôi cấp vắc xin LMLM cho huyện Tương Dương từ đầu tháng 4/2018 nhưng huyện triển khai tiêm phòng thiếu quyết liệt, chậm trễ, để đến khi bê dự án, đàn gia súc phát bệnh mới dập dịch.
Bê dự án lây dịch LMLM sang cả đàn trâu |
Trường hợp này rất khó kết luận bê dự án lây sang gia súc của địa phương hay ngược lại. Nhưng nếu chưa tiêm phòng cho đàn gia súc địa phương mà vẫn tiếp nhận bê dự án thì lỗi thuộc về địa phương”, ông Đặng Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An cho biết.
Dân nghèo lại đeo thêm 'gông'
Theo ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tương Dương, quy cách bê dự án 30a được cấp cho người dân Tương Dương phải là bê lai sind, trọng lượng tối thiểu 125 kg/con, trị giá 14.250.000 đồng.
Để được nhận 1 con bê dự án, người nghèo phải nộp 4.250.000 đồng |
Tuy nhiên, theo một lái buôn trâu, bò lâu năm, đầu năm 2018 đến tháng 4/2018, giá trâu bò nói riêng và gia súc nói chung giảm sâu. Một con bê lai sind 125 kg không quá 10 triệu. Đó là chưa kể, nếu thu mua với số lượng lớn và chỉ căn cứ theo trọng lượng, đơn vị trúng thầu còn có thể mua với giá thấp hơn nhiều. Về điều này, ông Lô Khăm Kha cho rằng, đó là định giá của Sở Tài chính Nghệ An (?). Một con bên 18 tháng tuổi, nặng 125 kg đầu năm 2018 được định giá 14.250.000 đồng?
Điều đáng nói hơn, để được nhận bê lai sind dự án cấp, người dân phải nộp thêm 4.250.000 đồng. Số tiền này họ phải nộp cuối năm 2017, khi đàn bê dự án chưa được cấp về. Vì những lý do trên, dư luận truyền tai nhau, chủ dự án và đơn vị cung ứng đã “phù phép” nâng giá bê để yêu cầu người dân nộp thêm tiền nhằm thu lợi bất chính?
Theo giấy nhận tiền (nhân dân đóng góp mua bê thuộc chương trình 30a năm 2017) được lập ngày 13/12/2017 thì 15 hộ dân bản Pủng phải nộp 63.750.000 đồng, do UBND xã Lưu Kiền thu, sau đó nộp lại cho ông Trần Tuấn Minh, có địa chỉ ghi trong giấy nhận tiền là Phòng NN-PTNT. Sau khi nộp đủ và nhận bê, dự án đem trả lại 2 triệu đồng tiền hỗ trợ làm chuồng và 250 nghìn hỗ trợ trồng cỏ.
Bà Vi Thị Báng, bản Pủng, xã Lưu Kiền cho biết: “Cán bộ nói là nộp thêm tiền để được bê to hơn, đẹp hơn. Ta còn nghèo nhưng nghe nói thế cũng phải đi vay tiền nộp. Nhưng mà bê dự án vẫn nhỏ quá, lại mang bệnh về lây sang đàn bò địa phương. Giờ người dân bị thiệt hại, dự án phải đền bù chứ?”
Lý giải vấn đề này, ông Lô Khăm Kha cho biết, thực hiện dự án 30a đến năm 2013 thì căn cứ theo Quyết định 2621/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 31/12/2013, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/con bê. Từ đó, ông Kha cho rằng, để sở hữu con bê 18 tháng tuổi, nặng 125kg người dân phải đóng thêm 4.250 nghìn đồng. Sau khi nộp tiền, đơn vị đã hỗ trợ lại cho người dân 2 triệu làm chuồng và 250 nghìn đồng trồng cỏ.
Theo người dân nghèo huyện Tương Dương, đây là một số tiền lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn. Vì vậy, việc thu của mỗi hộ nhận bê 4.250 nghìn đồng chẳng khác nào ép dân nộp tiền để nhận được nhận bê dự án. Cách làm này vô tình khiến đồng bào càng rơi vào cảnh khó khăn hơn.
Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể khi chưa đủ thời gian quy định |
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương yêu cầu Công ty CP Nga Chín vào cuộc cùng người dân và chính quyền dập dịch. Ngoài việc tiếp tục tiêm phòng vụ xuân và được Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nghệ An cấp 96 lít benkocid, Công ty CP Nga Chín cũng đã cử cán bộ kỹ thuật, cấp 40 lít hóa chất lên cùng dập dịch và điều trị. Nhưng người dân cho rằng, Công ty CP Nga Chín phải hoàn toàn chịu các chi phí điều trị, tiêu độc khử trùng và đền bù thiệt hại cho dân vì đã đem bê bị bệnh về lây lan sang đàn gia súc địa phương(?). |
Tác giả: VĂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam