Trong nước

Đại tướng Phùng Quang Thanh và cơ chế ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam

Tiền đề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng do Việt Nam thiết lập, cho đến nay, đang tiếp tục được phát triển ngày càng hiệu quả và thực chất.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV (Ảnh: PV/VOV-Bắc Kinh)

Trưởng thành từ người chiến sĩ, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nên Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn thấy được giá trị to lớn của hòa bình. Vì thế, khi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã có những chỉ đạo đối với công tác đối ngoại quốc phòng để tăng cường mở rộng quan hệ quốc phòng với cộng đồng quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng để hiểu rõ hơn về những đóng góp của Đại tướng Phùng Quang Thanh về vấn đề này.

Trung tướng Vũ Chiến Thắng (Ảnh: admm.vn)

PV: Nhiều năm làm công tác đối ngoại, trực tiếp được tham gia những sự kiện đối ngoại của Quân đội, Trung tướng có thể cho biết những dấu ấn nổi bật của Đại tướng Phùng Quang Thanh với nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là trong thời gian 10 năm Đại tướng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?

Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Trong thời gian Đại tướng Phùng Quang Thanh giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác đối ngoại quốc phòng của chúng ta đã phát triển rất tốt. Chúng ta đã tạo được mối quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, đặc biệt là thông qua những hoạt động giao lưu biên giới, chúng ta tạo được khu vực biên giới hòa bình, ổn định và tạo điều kiện cho nhân dân phát triển làm ăn.

Trong khi đó, với các nước lớn, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng chỉ đạo phải hài hòa, phù hợp với đường lối đối ngoại của ta, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần quan hệ một cách bình đẳng và cùng có lợi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chủ trì cuộc họp báo về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất.

PV: Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có những chỉ đạo, định hướng như thế nào cho sự kiện đặc biện quan trọng này?

Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên là Chủ tịch ASEAN, và chúng ta đã có sự chuẩn bị rất sớm. Trước khi đi dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Thái Lan, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có gợi ý cho chúng tôi nên có những sáng kiến để chuẩn bị cho năm 2010 chúng ta làm Chủ tịch ASEAN.

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, chúng tôi đã cùng suy nghĩ về việc mời thêm một số nước đối tác tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Khi chúng tôi nêu ý kiến đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đồng tình ngay.

Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN năm 2009 tổ chức tại Thái Lan, khi nhận bàn giao chức Chủ tịch ADMM sang Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố năm 2010 Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng với một số nước đối tác.

Sau khi về nước, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất sát sao và chúng tôi cũng đã tham vấn các nước. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng năm 2010 chúng ta đã tổ chức thành công, ngoài các nước ASEAN chúng ta đã mời thêm 8 nước đối tác. Tại Hội nghị này, chúng ta cũng đã đưa ra 5 sáng kiến.

Từ đó đến nay là hơn 10 năm, các sáng kiến chúng ta đã đưa ra, và có bổ sung thêm sau đó, luôn phát huy được hiệu quả. Tôi cho rằng, với tiền đề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng do Việt Nam thiết lập, cho đến nay, các cơ chế này đang tiếp tục được phát triển ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Sáng kiến này rõ ràng đã ghi đậm dấu ấn của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Các Bộ trưởng và quan chức quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại chụp ảnh chung tại ADMM+ lần thứ nhất, ngày 12/10/2010. (Ảnh: admm.asean.org)

PV: Thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của đối ngoại quốc phòng nên Đại tướng đặc biệt quan tâm và đặt yêu cầu cao đối với cán bộ làm công tác đối ngoại?

Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Đúng như vậy, trong quá trình triển khai công tác đối ngoại quốc phòng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh rất chú ý đến cán bộ làm đối ngoại. Bộ trưởng nói, cán bộ đối ngoại là những người đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam, triển khai thực hiện các hợp tác của Quân đội nhân dân Việt Nam với các nước, thì phải là những người có bản lĩnh, có năng lực thực sự, có hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về kiến thức, về chính trị, về xã hội, đặc biệt là phải hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa của đất nước.

Một yếu tố nữa mà Bộ trưởng luôn nhấn mạnh là ngoại ngữ. Bộ trưởng cho rằng, ngoại ngữ là phương tiện, muốn làm tốt thì phải có phương tiện tốt, sắc bén. Do đó, Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan đối ngoại chúng tôi được tuyển chọn những cán bộ không chỉ ở trong quân đội mà cả ngoài quân đội đủ tiêu chí, để đứng trong hàng ngũ quân đội, phục vụ trong Cục Đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

PV: Với sự quan tâm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng đã thực sự lớn mạnh và có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ?

Trung tướng Vũ Chiến Thắng: Đúng như vậy, 10 năm qua, đội ngũ cán bộ Cục Đối ngoại ngày càng được kiện toàn và có trình độ chuyên môn rất vững vàng. Điều rất đáng tự hào là lớp cán bộ rất trẻ đã đảm đương công việc mà trước kia phải là những cán bộ có trần quân hàm, có thâm niên thì mới đảm nhận được. Tôi có thể tự tin nói rằng, cán bộ của Cục Đối ngoại bây giờ đủ sức để tiếp tục triển khai nhiệm vụ hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

PV: Vâng, xin cảm ơn Trung tướng./.

Tác giả: Trường Giang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP