Trong tỉnh

Đại tá Phạm Hoài Nam: “Người thương thuyết” của Công an tỉnh Nghệ An

Theo nghề Cảnh sát hình sự là để nối nghiệp cha, ngồi vào vị trí “ghế nóng” của lính hình sự xứ Nghệ cũng là để viết tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình và của lực lượng Công an nhân dân trên quê hương Bác Hồ.

Thế nhưng, dấu ấn cá nhân trong những chặng đường đánh án lại là những lần thương thuyết, “đấu trí” thành công với những tên tội phạm sừng sỏ, đặc biệt nguy hiểm. Thương hiệu đó thuộc về Đại tá Phạm Hoài Nam, hiện là Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Nghệ An.

1. Khoảng 8 giờ sáng 30-4, một vụ án mạng kinh hoàng bất ngờ xảy ra tại nhà riêng của ông Cao Trọng Phú (59 tuổi), trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Vào thời điểm nói trên, chiếc xe Jeep mang BKS 72M-7353 chở theo 3 người đến trước cổng biệt thự của ông Phú để giải quyết mâu thuẫn trong làm ăn.

Bất ngờ, từ bên trong, chủ nhà dùng súng nhằm vào nhóm người này nhả đạn khiến hai nạn nhân là ông Ngô Quang Hưng (43 tuổi), quê ở Nghệ An và ông Đặng Ngọc Anh (66 tuổi), trú tại TP Hồ Chí Minh bị trúng đạn, tử vong tại chỗ. Gây án xong, Phú khóa cổng, ôm súng cố thủ bên trong ngôi nhà kín cổng cao tường, xung quanh có nhiều camera an ninh.

Đại tá Phạm Hoài Nam (thứ 5 từ phải sang) cùng các đơn vị nghiệp vụ nhận thưởng của tỉnh Nghệ An trong vụ án Cao Trọng Phú.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động tối đa lực lượng cùng xe bọc thép và chó nghiệp vụ đến bao vây, cô lập, phong tỏa căn biệt thự. Đích thân Đại tá Phạm Thế Tùng, tân Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cùng hai Phó Giám đốc trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo vây bắt hung thủ.

Rất nhiều phương án bắt giữ đã được đưa ra, song ưu tiên số 1 vẫn là an toàn cho lực lượng tham gia đánh án cũng như đảm bảo an toàn khu vực xung quanh, nên trong suốt nhiều giờ đồng hồ, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã kiên trì thuyết phục, tuyên truyền vận động nghi phạm bỏ vũ khí, ra đầu thú. Tuy nhiên, cũng phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ kêu gọi, Cao Trọng Phú mới chấp nhận ra đầu thú, giao nộp vũ khí.

Thành tích của lính hình sự xứ Nghệ khi thuyết phục thành công đối tượng sát hại 2 mạng người buông vũ khí để đầu hàng được đánh giá là một chiến công lớn. Thế nhưng, ít ai biết rằng, góp phần quan trọng vào chiến công lớn ấy không thể không nhắc đến một người trầm lặng. Anh chính là Đại tá Phạm Hoài Nam - người anh cả của lính hình sự xứ Nghệ trong suốt nhiều năm qua.

Cho dù, hiện nay do yêu cầu công tác, anh vừa được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, nhưng tầm ảnh hưởng của anh trong những vụ trọng án như vụ việc Cao Trọng Phú vừa qua là không hề nhỏ, thực tế cũng đã chứng minh, Đại tá Nam chính là nút thắt để tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý vụ việc.

2. Mặc dù đang trong thời gian nghỉ lễ, nhưng Đại tá Phạm Hoài Nam vẫn vui vẻ dành một khoảng thời gian nhất định để chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đấu trí với tội phạm, trong vụ án Cao Trọng Phú nói riêng và một số vụ án mà anh đã thương thuyết thành công trong thời gian “đứng mũi” ở vị trí cao nhất trong lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An.

Theo Đại tá Nam, Cao Trọng Phú là đối tượng làm ăn kinh doanh bất động sản, do gần đây dịch bệnh, Phú về quê xây biệt thự, cưới vợ và sống tương đối khép kín cho đến khi xảy ra vụ nổ súng kinh hoàng nói trên. Ngay khi sự việc xảy ra, có mặt tại hiện trường, đích thân Đại tá Nam đã đề xuất với Đại tá Phạm Thế Tùng và các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, phương án tối ưu nhất vẫn là vận động đối tượng buông vũ khí, đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đại tá Phạm Hoài Nam.

Nói là thuyết phục nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng, lực lượng chức năng dùng loa vận động, cả người thân và chị gái của Phú cũng được đưa đến trước cổng để kêu gọi, nhưng sau nhiều giờ đồng hồ vẫn không suy chuyển. Trước tình hình đó, Đại tá Phạm Hoài Nam mạnh dạn đề xuất đích thân mình sẽ vào bên trong để nói chuyện, trao đổi với Cao Trọng Phú.

Đây là một quyết định không hề dễ dàng, song hàng chục năm đối mặt với đủ loại tội phạm, mặc dù chưa gặp đối tượng này ngoài đời, nhưng qua nhiều giờ kêu gọi đầu hàng, từ việc đối tượng không manh động, không chống trả, Đại tá Nam tin rằng, có thể thu phục bằng nhân tâm. Thật bất ngờ là khi vừa xưng mình là Đại tá Nam, thì từ bên trong, đối tượng đã ngay lập tức có hồi đáp, bảo rằng đã nghe danh, và chấp nhận mở cửa để anh Nam một mình không vũ khí, trong bộ đồ thường phục bước vào nhà.

Suốt gần một tiếng rưỡi trong căn biệt thự, Đại tá Nam đã khiến cho Cao Trọng Phú phải tự nguyện đi lấy súng đạn giao nộp cho anh, đồng thời, đáp ứng các yêu cầu đơn giản của Phú như cho đối tượng được tắm rửa, khi Phú kêu đói đã đồng ý cho chị gái từ bên ngoài vào nấu mì tôm để ăn.

“Thời gian thuyết phục Phú mất bao lâu, tôi cũng không nhớ rõ, nhưng thực sự là khá lâu. Với kinh nghiệm của bản thân từng thuyết phục nhiều tên tội phạm, trong quá trình một mình đối diện với Phú, tôi luôn cố gắng thể hiện sự thoải mái trong mỗi câu chuyện, và làm một số động tác trấn an tinh thần để Phú thực sự ổn định, không hoang mang hay bị kích động sẽ làm liều. Chính vì vậy, sau khi ăn uống, tắm rửa và hút một điếu xì gà, Phú đã đồng ý đi cùng chúng tôi về cơ quan điều tra” - Đại tá Nam chia sẻ.

3. Đại tá Phạm Hoài Nam (SN 1967) được biết đến là anh cả của lính hình sự xứ Nghệ. Trước đó thân sinh của anh là cụ Phạm Thanh Long cũng là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự trong nhiều năm liền, tên tuổi của cụ gắn với những chiến công xuất sắc của lính hình sự trên quê hương Bác Hồ.

Năm 2015, Đại tá Phạm Hoài Nam tiếp bước cha mình, ngồi vào vị trí “ghế nóng” của Cảnh sát hình sự, viết tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình cũng như của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An. Với mái đầu bạc sớm, Đại tá Nam được nhớ đến nhiều hơn với các tên gọi là “Nam đầu bạc” hay “Nam Long” hơn là chức vụ và vị trí mà anh đang đảm nhận.

Trong thời gian hơn 20 năm công tác ở Phòng Cảnh sát hình sự, đặc biệt là giai đoạn 2015 – 2020, là thời kỳ anh giữ chức Trưởng phòng, đã có hàng trăm vụ án và trọng án xảy ra được điều tra xử lý một cách thuyết phục nhất. Tuy nhiên, đáng nhớ và thuyết phục hơn cả có lẽ là những vụ án gắn liền với vai trò thương thuyết, kêu gọi nghi phạm buông vũ khí đầu hàng.

Có thể kể đến vụ việc xảy ra vào ngày 1/10/2018, khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, giữ người trong vụ việc “Cố ý làm hư hỏng tài sản" thì đối tượng trong vụ án là Lê Ngọc Sơn (SN 1985), trú tại số nhà 128, đường Hồng Bàng, phường Lê Mao (TP Vinh), đã ôm 4 quả lựu đạn cùng một bình gas loại 12kg cố thủ trong nhà.

Hàng trăm Cảnh sát, phương tiện, trang thiết bị đã được huy động, song phương án ưu tiên nhất vẫn là tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục kẻ có nhiều tiền án, tiền sự này buông vũ khí đầu hàng. Sau hơn 14 giờ đồng hồ kiên trì vận động, đối tượng mới chấp nhận giao nộp vũ khí, tra tay vào còng trước sự thở phào nhẹ nhõm của lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân.

Hay như vụ án chuyên gia người Ấn Độ Nathusingh Solanki (48 tuổi) bị sát hại, cướp tài sản vào tháng 7/2015 trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Đối tượng gây ra vụ việc là Trương Văn Quang (SN 1985), trú tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, một đối tượng nghiện ma túy, vừa mãn hạn tù về địa phương.

Quá trình đấu tranh truy tìm thủ phạm, có thời điểm vụ án tưởng như rơi vào bế tắc, song đích thân Đại tá Phạm Hoài Nam đã có mặt tại hiện trường để cùng với anh em lần tìm ra đối tượng tình nghi. Tuy nhiên, Quang là đối tượng hình sự cộm cán, có thừa kinh nghiệm đối phó nên vẫn không chịu cúi đầu nhận tội. Đại tá Nam đã dành thời gian suốt 2 ngày 2 đêm để vừa kiên trì đấu tranh, vừa dùng lý lẽ sắc bén để thuyết phục, sau cùng, đối tượng này đã đầu thú, thừa nhận hành vi sát hại ông Nathusingh Solanki để cướp tài sản.

Đó chỉ là những con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn vụ án ở xứ Nghệ đã được giải mã nhanh chóng và thuyết phục, gắn liền với tên tuổi của Đại tá Phạm Hoài Nam. Do yêu cầu công tác, gần đây Đại tá Nam chuyển sang một lĩnh vực khác, nhưng với anh em Cảnh sát hình sự trên đất xứ Nghệ, họ luôn coi “Nam đầu bạc” là “quân sư” trước mỗi trận đánh lớn.

Đại tá Phạm Hoài Nam cũng không vì tính chất công việc mới mà quên dòng máu hình sự luôn rần rật chảy trong mình, sẵn sàng lao vào điểm nóng khi đồng đội cần, như cách anh đã dùng cả cái tâm của mình để thuyết phục đối tượng giết người Cao Trọng Phú buông vũ khí đầu hàng.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP