Tăng lương là đầu tư
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) bày tỏ quan điểm khi thảo luận về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, chiều 1/6. Ông cho rằng đang có sự lãng phí về nguồn nhân lực. Bởi lẽ, các kỳ họp đều nêu chỉ tiêu năng suất lao động không đạt được và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Do đó, cần kiểm điểm lại xem nguyên nhân từ đâu, có phải do người lao động không chịu làm việc hay do quản lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân |
Cho rằng số lao động trong khu vực nhà nước là cán bộ, công chức, viên chức chiếm khoảng 20%, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị quan tâm cơ chế tăng lương.
“Quan niệm tăng lương là đầu tư. Chúng ta đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng triệu tỷ đồng, sao không đầu tư vào con người nhiều hơn nữa. Quốc hội, Chính phủ xem xét vấn đề tăng lương, nguồn ngân sách thậm chí có thể đi vay để trả lương cho cán bộ công nhân viên chức, nếu không nguồn lực này sẽ đi chỗ khác chứ không nằm trong lực lượng cán bộ, công nhân viên chức của chúng ta” - ông Thân nói.
Đề cập 12 dự án “đắp chiếu” được đề cập từ khoá XIV, đại biểu cho rằng để quá lâu. “Vừa rồi về Thái Bình tiếp xúc cử tri thấy Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động thì người dân rất mừng, khi hoạt động được thì bớt lãng phí rất nhiều. Đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về các dự án còn lại" - ông Thân nói.
Ở góc độ khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì phân tích về sự lãng phí trong công tác ban hành chính sách. Bởi lẽ, dù có định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, song nhiều dự án không kịp tiến độ, có dự án không đảm bảo chất lượng, một số bất cập tuy được phát hiện nhưng chậm sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, không ít văn bản quy phạm pháp luật có đời sống khá ngắn, phải sửa đổi sau vài năm ban hành. Điều đáng nói là tình trạng nợ đọng văn bản vẫn chưa được giải quyết căn cơ, cá biệt có văn bản chậm tới 8 năm.
“Nghịch lý là tờ trình khi xây dựng văn bản đều nói sự cần thiết, lý giải tính cấp thiết rằng nếu không ban hành ngay thì không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, nhưng khi luật có hiệu lực rồi mà 8 năm sau vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết để đối tượng chịu sự tác động thực hiện” – nữ đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa |
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một số báo cáo đánh giá tác động không đánh giá được hết số tiền phải chi cho thay đổi chính sách. Bà cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận vì gây lãng phí tiền của, công sức, lãng phí cơ hội phát triển, có trường hợp tính được bằng tiền và trường hợp không tính được bằng tiền nhưng làm chậm lại sự phát triển của KT-XH.
Cả triệu tỷ đồng “nhốt” ở ngân hàng thì gây lãng phí bao nhiêu?
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, mặc dù Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, có hàng trăm văn bản, chỉ thị, thành lập nhiều tổ công tác để đôn đốc thực hiện nhưng việc phân bổ, giải ngân đầu tư không đạt yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực.
“Cử tri đặt câu hỏi, khoảng 1 triệu tỷ đồng bị “nhốt” ở ngân hàng và 430 ngàn tỷ đồng chưa phân bổ vốn, đang bị “nhốt” trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa trình phân bổ thì gây lãng phí là bao nhiêu?” – ông Khải đặt vấn đề.
Dẫn số liệu năm 2022 cho thấy số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 143 nghìn doanh nghiệp và quý I năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đóng cửa vượt số doanh nghiệp đăng ký mới, vị đại biểu này đặt vấn đề phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế.
Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?
Đại biểu Trần Văn Khải |
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước.
Ông Trần Văn Khải cũng kiến nghị khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm ngươi đứng đầu.
“Qua các phương tiện thông thin đại chúng, tôi xin kêu gọi toàn thể các công chức trên cả nước hãy chuyển biến thật nhanh, theo kịp tình hình, bằng tác phong phục vụ hãy hành động bằng mong muốn, khát khao đưa bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, quê hương mình phát triển đột phá cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững” – vị đại biểu đoàn Hà Nam bày tỏ./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV