Giáo dục

Đại biểu Quốc hội “hiến kế” tích hợp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Đại biểu Quốc hội - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An kiến nghị đưa chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vào chương trình đào tạo của các trường sư phạm.

GS.TS. NGƯT-Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An. Ảnh: Quang Đại

Ngày 26.12, trao đổi với phóng viên, GS.TS Thái Văn Thành – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Nghệ An cho biết đã có kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT về giải pháp đối với đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

“Tôi đã kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT xem xét đưa nội dung đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vào chương trình đào tạo của trường sư phạm. Sinh viên phải có chứng chỉ này mới được công nhận tốt nghiệp”- GS.TS Thái Văn Thành nói.

Theo ông Thái Văn Thành, giải pháp nói trên nếu được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sư phạm, khi tốt nghiệp ra trường đã có đủ bằng cấp, chứng chỉ, đạt chuẩn đầu ra. Do nằm trong chương trình nên kinh phí đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp do các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm.

Còn nếu sau khi tuyển dụng rồi mới đi đào tạo chứng chỉ thì mất thời gian, tốn kém, ảnh hưởng đến công việc của giáo viên cũng như kế hoạch của nhà trường.

“Đối với mục tiêu nâng cao trình độ giáo viên sẽ có các chương trình, nội dung bồi dưỡng thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục, thuộc kế hoạch học tập, rèn luyện, phấn đấu suốt đời của mỗi giáo viên” – ông Thái Văn Thành chia sẻ.

Sát cạnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đào tạo tập trung, miễn phí chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho toàn bộ giáo viên có nhu cầu.

Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh theo hướng giao Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức đào tạo miễn phí, không thu tiền của giáo viên.

“Tỉnh sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ trường Đại học Hà Tĩnh chứ không thu tiền của giáo viên. Ai lại bắt giáo viên phải nộp, họ đã khó khăn rồi” - bà Phan Thị Tố Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh chia sẻ và cho hay khi Trường Đại học Hà Tĩnh đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì cơ sở vật chất và giáo viên của trường có rồi, nên tỉnh chỉ chi trả thêm cho trường theo định mức giờ lên lớp của giáo viên.

Trước đó, nhiều giáo viên phản ánh việc đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên mất thời gian, tốn kém (2,3 triệu/chứng chỉ), và nội dung không thiết thực, việc học, thi chỉ có tính chất đối phó để đủ hồ sơ thăng hạng.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP