Trở về nước sau bảy năm du học chuyên ngành tài chính ở Anh, cô con gái đầu lòng của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản lúc bấy giờ đứng trước hai sự lựa chọn lớn của cuộc đời: hoặc phát triển sự nghiệp theo con đường đang đi hay rẽ vào lĩnh vực khách sạn mà gia đình đang theo đuổi.
Được gia đình cổ vũ hết lòng cộng với sự quan tâm, yêu thích sau những ngày tháng vi vu khám phá đó đây sử dụng dịch vụ của nhiều khách sạn trên thế giới, cô gái trẻ năm đó đã không kìm được bước chân mình tiến gần hơn tới ngành dịch vụ khách sạn với quyết tâm mạnh mẽ sẽ giúp lĩnh vực này ở Việt Nam thực sự phát triển.
Có xuất phát điểm tốt khi sự nghiệp của gia đình đã có chỗ đứng trên thị trường, được đào tạo bài bản trong nhiều năm với các chương trình giáo dục hàng đầu thế giới cùng với niềm đam mê lớn, Lê Thị Hoàng Yến không ngừng phát triển và nâng tầm thương hiệu khách sạn mang tên cánh đồng lúa lớn nhất Tây Bắc.
Để rồi thời điểm được tin tưởng giao phó vị trí CEO của Tập đoàn Mường Thanh vào năm 2012 cũng chính là thời điểm chị tạo nên bước lột xác ngoạn mục cho thương hiệu này với hình ảnh chuyên nghiệp và sang trọng hơn, mang hình ảnh cánh chim Mường Thanh bay đến các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S và nước bạn Lào.
Chỉ sau sáu năm đảm nhiệm vị trí CEO, chị đã nâng tổng số khách sạn của tập đoàn lên 54 từ con số 13 vào năm 2012, trong đó có một khách sạn 5 sao tại Lào. Trước đó, vào năm 2017, danh hiệu “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” do Tổ chức Kỷ lục Đông Dương xác nhận đã được trao cho Tập đoàn Mường Thanh với 48 khách sạn hoạt động tại thời điểm đó.
Chị Lê Thị Hoàng Yến - CEO Tập đoàn Mường Thanh |
Thấm nhuần tinh thần và yêu thích ngành dịch vụ khách sạn mà gia đình đã gắn bó và có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam là một trong những lý do quan trọng để nữ CEO sinh năm 1987 vẫn luôn nỗ lực phát triển thương hiệu khách sạn Mường Thanh và gắn bó với ngành đến thời điểm hiện tại.
Không những vậy, Việt Nam có tiềm năng du lịch với nhiều địa điểm tham quan đẹp, có khí hậu ôn hòa, con người thân thiện, văn hóa đa dạng và phong phú. Sở hữu hệ thống gần 60 khách sạn với khoảng hơn 11.000 phòng, Mường Thanh có cơ hội đón hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế.
“Thật tiếc nếu không góp sức vào việc quảng bá và mang hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè thế giới! Hơn nữa, tôn chỉ của Mường Thanh suốt 26 năm qua vẫn là hoạt động kinh doanh gắn với kinh tế đất nước”, nữ lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ.
Mong muốn xây dựng chuỗi khách sạn mang thương hiệu Việt, của người Việt điều hành và quản lý là lý do khiến nữ CEO Mường Thanh quyết tâm đầu tư và mở rộng quy mô không chỉ trên cả nước mà còn cả ở nước ngoài trong những năm vừa qua. Theo kế hoạch, Tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư trong năm tới, tuy nhiên sẽ có sự đánh giá và nghiên cứu cụ thể trước khi triển khai.
Chẳng hạn, đầu tư các dự án ở nước ngoài sẽ khó khăn hơn rất nhiều, từ khi bắt đầu đầu tư, xây dựng, vận hành, đặc biệt là công tác tuyển nhân sự do những khác biệt về văn hóa, rào cản về ngôn ngữ. Chưa kể, chi phí triển khai tại nước ngoài thường cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Chị Yến chia sẻ, ngay từ những ngày đầu xây dựng, Mường Thanh đã được xác định sẽ trở thành thương hiệu khách sạn của người Việt, do người Việt quản lý và điều hành. Khi nhiều thương hiệu đang “chạy đua” Tây hóa do bị ảnh hưởng bởi quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Mường Thanh vẫn kiên định với việc giữ gìn hình ảnh thuần Việt, lấy cơ sở những giá trị con người Việt làm định vị phát triển thương hiệu.
Khởi nguồn từ vùng đất Điện Biên lịch sử, nơi mang đậm phong cách của dân tộc Thái vùng Tây Bắc, mỗi khách sạn Mường Thanh đều thừa hưởng nét tinh tế trong cái nôi văn hóa ấy, từ hoa ban, váy thái, đến rượu táo mèo, xôi nếp nương. Màu sắc thuần Việt trong hệ thống khách sạn Mường Thanh được tạo nên bởi sự giao thoa giữa văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc và dịch vụ chân thành trong nụ cười hồn hậu của con người Việt Nam.
Mặc dù có tham khảo, học hỏi nhiều thương hiệu trên thế giới bởi đây là ngành dịch vụ đã có lịch sử lâu đời, song chị Yến khẳng định, Mường Thanh không dựa trên một mô hình cụ thể nào mà xây dựng và đào tạo hệ thống quản lý mang bản sắc riêng cho Tập đoàn.
Không những vậy, từ những ngày đầu mới thành lập trong giai đoạn các khách sạn ở Việt Nam đang rơi vào tình hình kinh doanh khó khăn, khách sạn của đại gia Lê Thanh Thản vẫn luôn đông khách nhờ chiến lược lấy giá rẻ nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh vì đối với gia đình ông lúc đó, mục đích quan trọng vẫn là tạo công ăn việc làm cho xã hội. Đều là những khách sạn 4 sao nhưng giá phòng khách sạn ở Mường Thanh chỉ bằng nửa khách sạn của các nhà đầu tư ngoại.
Thấm nhuần tư tưởng này từ bố, nữ CEO Mường Thanh hiện nay cũng đang duy trì việc mang lại những giá trị gia tăng trong việc phát triển để có thể cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu.
“Bạn không thể phát triển ở một ngành nghề lâu bền nếu chỉ hấp dẫn khách bằng giá mà không cung cấp các giá trị khác tới từng đối tượng khách hàng. Với tinh thần ‘Không gian thanh thản, tình cảm chân thành’, du khách đến với Mường Thanh sẽ cảm nhận được sự đón tiếp nồng ấm và chân thành của chúng tôi”, chị Yến chia sẻ.
Áp lực là bệ phóng đưa thương hiệu bay xa
Là người ngoại đạo với ngành kinh doanh khách sạn, cô gái 8x gặp không ít khó khăn khi mới bước chân vào ngành cũng như khi đã leo lên vị trí CEO. Khi mới trở về nước vào năm 2009, nữ nhân này đã quyết định vào làm ngay ở Mường Thanh để học và làm từ những công việc nhỏ nhất.
Chị Yến chia sẻ, bản chất của ngành khách sạn nằm ở sự phục vụ và làm hài lòng khách hàng thông qua rất nhiều khâu khác nhau. Từ những việc nhỏ như check in, check out cho khách, phục vụ khách những ngày lưu trú, chăm lo ẩm thực, không gian phòng nghỉ… cho đến quy trình quản lý một bộ máy nhân viên lớn với nhiều phòng chức năng. Tất cả những việc đó tưởng như đơn giản nhưng vô cùng phức tạp.
Không những vậy, vận hành tới gần 60 khách sạn, thách thức lớn nhất đối với chị Yến là vấn đề nhân sự, đây là khó khăn không của riêng khách sạn nào. Theo nữ CEO Tập đoàn Mường Thanh, nhân sự ngành khách sạn hiện còn thiếu và yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong khi lượt khách đến Việt Nam ngày càng gia tăng.
Để giải bài toán này, ngay từ đầu, Mường Thanh đã xác định việc đào tạo nhân sự là vấn đề quan trọng hàng đầu. Khoảng 90% nguồn nhân lực tại các khách sạn thuộc tập đoàn Mường Thanh hiện nay là người địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại các tỉnh thành và sự phát triển chung của du lịch vùng.
“Chúng tôi có hệ tiêu chuẩn về đào tạo nhân sự cấp quốc tế. Mường Thanh tự hào khi luôn là một thương hiệu được đánh giá cao về chăm sóc và phục vụ khách hàng tuyệt vời”, chị Yến tự hào.
Khách sạn Mường Thanh ở tỉnh Bắc Giang |
Để có thể quản trị vận hành với 12.000 nhân sự khắp các tỉnh thành, chị Yến vẫn luôn giữ cho mình triết lý lấy con người làm trung tâm, coi con người là cốt lõi của vấn đề đồng thời xác định trao quyền, trao trách nhiệm, tin tưởng, tuy nhiên có giám sát, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng và thẩm định thường xuyên để xây dựng đội ngũ tốt. Là con gái đầu lòng của đại gia Lê Thanh Thản, một doanh nhân đã tạo dựng được nhiều dấu ấn trên thương trường nhưng hình ảnh của chị Yến dường như không hề bị lu mờ.
Ngược lại, chị luôn có được những bài học quý giá và đối với chị, những thành quả có được ngày hôm nay phần lớn nhờ vào những kinh nghiệm có được trong nhiều năm làm việc cùng bố. “Ai đã từng tiếp xúc với bố tôi đều có cảm nhận ông là một người nhanh nhạy, quyết liệt trên thương trường nhưng lại vô cùng giản dị và tình cảm trong cuộc sống. Bố dạy cho tôi nhiều bài học quý giá. Đến tận bây giờ, bố vẫn luôn đồng hành và là người thầy, người đồng nghiệp lớn của tôi”, chị Yến cho biết.
Nữ lãnh đạo trẻ cũng thừa nhận, áp lực đương nhiên là có, nhưng chị luôn xác định áp lực giúp chị lớn và trưởng thành hơn để có thể triển khai nhiều kế hoạch mà bố mình còn ấp ủ. Chính những áp lực đó đã, đang và sẽ là bệ phóng giúp chị đưa “con đại bàng” Mường Thanh vỗ cánh bay cao, bay xa.
Tác giả: Hoa Mai
Nguồn tin: theleader.vn