Ngày 15-1, phiên xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bước sang ngày thứ 7, TAND TP HCM và các luật sư tiếp tục làm rõ đường đi của số tiền mà Phạm Công Danh đã vay 4.700 tỉ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và 1.666,8 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Lòng vòng đường đi của dòng tiền
Cáo trạng VKSND Tối cao cáo buộc ông Phạm Công Danh cùng dàn lãnh đạo VNCB đã lập nên 12 công ty sau đó dùng 12 công ty này lập hợp đồng khống, hợp thức hóa 12 hồ sơ để vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng từ nhiều chi nhánh của BIDV. Sau khi tiền được giải ngân thì các giám đốc của các công ty này chuyển thẳng đến tài khoản của ông Phạm Công Danh để ông Danh rút ra sử dụng.
Ông Phạm Công Danh và các lãnh đạo VNCB cho rằng đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào VNCB để tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, ông Phạm Công Danh trả lời luật sư rằng sau khi tiếp quản Trustbank ông phải chịu áp lực chính là chăm sóc khoản tiền lãi ngoài rất cao do ban điều hành Trustbank cũ để lại. Do đó, ông Danh dùng số tiền vay từ các ngân hàng để trả nợ cũ, tăng vốn điều lệ và chăm sóc khách.
Bị cáo Phạm Công Danh Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Vậy số tiền này được sử dụng như thế nào, đi đâu về đâu? Trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Ngân hàng Xây dựng (hiện nay lấy tên là CB, lúc trước là VNCB) nói rằng số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung và sử dụng hết trước 4-3-2015. Tuy nhiên, đại diện CB lại không thể trả lời số tiền này nếu hòa vào dòng tiền thì bây giờ đang ở đâu và hẹn sẽ trả lời trước tòa vào chiều 16-1.
Trước đó, đại diện CB đã từ chối trả lời câu hỏi liệu có trả lại cho ông Phạm Công Danh số tiền này cùng với lãi phát sinh để ông Danh khắc phục hậu quả hay không. Theo đại diện CB, việc liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng thì nên hỏi cơ quan chủ quản của CB là Ngân hàng Nhà nước mới có câu trả lời chuẩn xác (!?).
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) thừa nhận chính mình ký vào 12 biên bản họp HĐQT để ông Phạm Công Danh sử dụng 12 công ty lập hồ sơ vay vốn 4.700 tỉ đồng từ BIDV. Bị cáo Viễn cũng cho rằng số tiền này hòa vào dòng tiền của VNCB và được sử dụng mục đích chung nên đề nghị tòa xem xét thu hồi để khắc phục hậu quả của vụ án.
Đại diện Bộ Công an nói gì?
Bà Tăng Thị Nga (điều tra viên Bộ Công an được mời đến tòa) đã trả lời luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Phạm Công Danh) về số tiền 4.500 tỉ đồng đã chuyển vào VNCB nâng vốn điều lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Theo bà Nga, qua điều tra đã xác định số tiền 4.500 tỉ đồng được Phạm Công Danh chuyển vào VNCB nhằm tăng vốn điều lệ có nguồn gốc vay từ BIDV và TPBank. Trong quá trình điều tra giai đoạn 1 và giai đoạn 2, VNCB xác định nguồn tiền 4.500 tỉ đã hòa chung vào dòng tiền VNCB và đã sử dụng hết như CB đã trình bày. Số tiền này chỉ khắc phục được khi tiền còn trên VNCB nhưng giai đoạn 2 đã không còn trong ngân hàng mà đã hòa chung dòng tiền nên không có căn cứ để thu hồi.
Cũng theo điều tra viên Tăng Thị Nga, khi tăng vốn điều lệ Phạm Công Danh và HĐQT không có tiền nên đã huy động tiền vay từ các ngân hàng khác và huy động từ thị trường 1 (tiền có sẵn vốn tự có - NV) vào ngân hàng.
Bị cáo Trầm Bê được dẫn giải về trại tạm giam sau ngày xét xử thứ 7 Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Tại tòa, Cơ quan Giám định Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quá trình vụ án xảy ra nhận được 5 yêu cầu giám định thiệt hại của vụ án. VNCB đã không hạch toán tài sản bảo lãnh trên hệ thống. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng VNCB dùng số tiền gửi liên ngân hàng để bảo lãnh vay của BIDV, TP Bank và Sacombank là đúng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc này chưa thông qua tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước bởi thời điểm đó VNCB bị giám sát đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải có ý kiến của tổ giám sát.
Sau 7 ngày xét xử, HĐXX đã thẩm vấn xong các bị cáo về những hành vi liên quan đến khoản vay 1.800 tỉ đồng từ Sacombank và 4.700 tỉ đồng từ BIDV. Chiều 15-1, HĐXX tiếp tục làm rõ hành vi của ông Danh cùng đồng phạm về việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỉ đồng.
Nhiều người vẫn lánh mặt! Mặc dù đại diện VKSND TP HCM đã yêu cầu phải triệu tập bằng được ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang cùng nhiều nhân vật chủ chốt khác trong các khoản vay của VNCB và HĐXX đã triệu tập lần 3 nhưng nhiều người vẫn vắng mặt. Tuy nhiên đến nay, TAND TP HCM vẫn chưa có biện pháp cứng rắn để đưa những người này đến tòa để vụ án được xét hỏi một cách khách quan, công bằng và không để mù mờ về hành vi của nhiều người liên quan. |
Tác giả: PHẠM DŨNG
Nguồn tin: Báo Người lao động