Pháp luật

Đại án gang thép Thái Nguyên: Bị cáo khai liên quan 1 thứ trưởng Công thương

Bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO khai lý do lựa chọn nhà thầu phụ vì một Thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp giới thiệu.

Bị cáo Trần Trọng Mừng

Chiều 12/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Sau khi kết thúc phần đọc cáo trạng, HĐXX tiếp tục với nội dung thẩm vấn các bị cáo tại phiên tòa.

Trả lời xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO, cho rằng cáo trạng nói ông là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án là không đúng.

Bị cáo Mừng trình bày ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên có rất nhiều hợp đồng, nhiều gói thầu, trong đó có gói thầu đã ký hợp đồng EPC số 01# với Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Cựu tổng giám đốc TISCO khai dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, có tiền dự phòng cho cả dự án. Hợp đồng EPC số 01# ký với MCC có tổng giá trị 160 triệu USD.

Khi ký hợp đồng với MCC, hợp đồng có điều khoản thưởng phạt. Bị cáo Mừng cũng trình bày khi ký xong hợp đồng, TISCO đã tạm ứng khoảng 35 triệu USD cho MCC.

Bị cáo cũng thừa nhận quá trình thực hiện hợp đồng nhà thầu có vi phạm. "TISCO có báo cáo việc chậm hợp đồng lên VNS (Tổng công ty Thép Việt Nam), Bộ Công thương" - bị cáo Mừng khai.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO phơi nắng mưa từ năm 2008 đến nay, nhiều hạng mục đã gỉ sét.

Trước câu hỏi từ HĐXX tại sao không phạt hợp đồng, thu hồi 35 triệu USD tạm ứng khi MCC vi phạm, cựu tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng cho biết đơn vị đã đề ra và xem xét hết sức thận trọng thì luôn nhận được sự chỉ đạo từ VNS đến Bộ Công thương nói tìm các biện pháp.

Tại tòa, ông Mừng khai ngoài việc báo cáo cấp thẩm quyền, TISCO đã nghiên cứu, có báo cáo bằng văn bản gửi VNS, Bộ Công thương, có đề cập chuyện dừng hợp đồng, kiện MCC ra tòa án quốc tế, thu hồi tiền tạm ứng.

Tuy vậy, sau đó TISCO vẫn cố “thả gà ra đuổi” khi cùng với MCC và Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), ký hợp đồng cho phép VINAINCON là nhà thầu phụ triển khai dự án để rồi tiếp tục lún sâu vào “vũng bùn”.

Khai tại tòa, bị cáo Mừng cho biết VINAINCON có đơn xin làm hợp đồng, có giới thiệu của Bộ Công thương. TISCO cũng có kiểm tra lại năng lực của đơn vị này.

Đáng chú ý, theo bị cáo Trần Trọng Mừng, thời điểm đó một thứ trưởng Bộ Công thương đã trực tiếp giới thiệu VINAINCON.

Trước khi nghỉ hưu, ông Mừng đã có một văn bản báo cáo toàn bộ về dự án, trong đó có giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ.

Bị cáo Mừng thừa nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ, đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 15,57 triệu USD.

"Cái sai là chưa đủ cơ sở để tính toán đã tin hồ sơ của nhà thầu, tin sự giới thiệu của cấp trên", ông Mừng nói.

Với những sai lầm liên tiếp, TISCO dự án gang thép Thái Nguyên dang dở, nằm đắp chiếu suốt hơn 10 năm qua, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 830 tỷ đồng.

Tác giả: Việt Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP