Pháp luật

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bật khóc: 'Làm phải có lương tâm'

"Mình làm phải làm việc đúng, làm có lương tâm để sau này không phải trách cứ bản thân vì bất kỳ hậu quả nào xảy ra", ông Bình nghẹn ngào kết thúc lời nói sau cùng.

Sáng 28/6, phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) và 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư với quan điểm của VKS.

Kết thúc phần tranh luận, VKS bảo lưu quan điểm luận tội, các bị báo bật khóc khi được nói lời sau cùng.

Ông Bình và đồng phạm bật khóc

Nói lời sau cùng, bị cáo Bình cho biết về trách nhiệm cá nhân, ông thấy rằng VKS đã xem xét đầy đủ đóng góp của ông. Ông cho rằng việc tái cơ cấu là việc hết sức khó khăn, tuy nhiên trước những khó khăn và áp lực, tái cơ cấu toàn diện hệ thống toàn bộ ngân hàng chứ không chỉ riêng 6 ngân hàng yếu kém.

Bị cáo nói kết quả lớn nhất khiến ông và các thành viên tổ giám sát cảm thấy tự hào là đã góp phần giữ vững an ninh tiền tệ, ổn định xã hội. Đối với việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, có những khó khăn toàn diện khi phải đối mặt với các vi phạm mà chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng.

"Quan điểm của tôi vẫn cho rằng, bất kỳ sai phạm nào trong lĩnh vực ngân hàng và dù là hoạt động nào thì vai trò của hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm là vô cùng quan trọng. Đó ảnh hưởng đến sự thành bại đối với 1 ngân hàng", bị cáo Bình trình bày.

Ông nêu ra tầm quan trọng của việc thanh tra không phải là chối bỏ trách nhiệm hay làm xấu đi tình trạng của đồng nghiệp.

Cựu Phó thống đốc cũng cảm ơn lãnh đạo NHNN vì đã đồng hành và chia sẻ với ông, nhận xét những việc làm của ông là đúng trách nhiệm. Phần trình bày của bị cáo sinh năm 1954 nhiều lúc ngưng lại vì nghẹn.

Ông Bình bật khóc khi nói lời sau cùng. Ảnh: Nguyễn Diễm.

"Việc hành xử, xử lý một công việc trong cuộc sống cũng như nghiệp vụ luôn xuất phát từ lương tâm của mình. Tại sao mình phải làm như vậy? Điều đó đơn giản xuất phát từ việc mình phải làm việc tốt, mình phải nỗ lực cố gắng. Và ý thức làm điều đó không phải vì mình và là vì xã hội, vì nhiệm vụ của mình và quan trọng nhất là làm điều đó vì danh dự của gia đình mình, tương lai của con cái mình. Mình làm phải làm việc đúng, làm có lương tâm để sau này không phải trách cứ bản thân vì bất kỳ hậu quả nào xảy ra", ông Bình nghẹn ngào kết thúc lời nói sau cùng.

Bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên tổ trưởng tồ giám sát) bày tỏ sự hối tiếc vì đã để sai phạm đã xảy ra. Bị cáo cũng xin lỗi thành viên tổ giám sát, xin xem xét công sức bị cáo Phạm Thế Tuân và Lê Văn Thanh khi được phân công trong điều kiện khó khăn nhưng họ đã làm hết sức mình.

"Bản thân bị cáo mang rất nhiều căn bệnh và là trụ cột duy nhất trong gia đình, mong HĐXX khoan dung, cho bị cáo được hưởng án treo, tại ngoại để điều trị bệnh và phụng dưỡng mẹ già, con nhỏ đang học phổ thông", bị cáo Phước bật khóc.

Bị cáo Lê Văn Thanh cũng nghẹn ngào cho biết ngay từ khi bị bắt tạm giam, ngày nào ông cũng đau khổ và nhìn lại sai phạm của mình.

Bị cáo Tuân và Ngô Văn Thanh cũng đề nghị HĐXX khoan hồng để không phải cách lý khỏi xã hội.

Luật sư của ông Bình đối đáp gay gắt

Trước đó, bảo vệ quyền lợi cho bị án Phạm Công Danh (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng để thực hiện phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín gặp rất nhiều khó khăn. Luật sư Hoài mong muốn HĐXX xem lại hai chữ "tinh vi" mà những gì phiên tòa nhận định về hành vi thân chủ của ông.

Luật sư mong muốn HĐXX nhìn trên bình diện chung để đánh giá chính xác mức độ vi phạm của ông Danh, bởi chỉ vì tham gia tái cơ cấu nhưng ông Danh đã đánh đổi toàn bộ tài sản của mình, hơn nữa phải chịu bản án 30 năm tù.

Luật sư Trần Minh Hải chỉ ra Ngân hàng Đại Tín tại thời điểm khi Phạm Công Danh tiếp quản gần như mất hoàn toàn khả năng chi trả, nợ xấu rất cao có khả năng không thu hồi được, lỗ lũy kế vượt 50% vốn điều lệ thực có, ngân hàng yếu kém toàn diện, không bảo đảm an toàn vốn tối thiểu. Dù vậy nhưng Ngân hàng Đại Tín vẫn không được đặt tình trạng kiểm soát đặc biệt đã góp phần đẩy ông Danh vào cảnh tù tội.

Vị luật sư cũng cho rằng Phạm Công Danh là nạn nhân của việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém khi bản thân không đủ năng lực tài chính và năng lực quản trị để điều hành.

Lúc này, chủ tọa Vũ Thanh Lâm nhắc nhở khi luật sư Trần Minh Hải dùng từ “nạn nhân”. Bởi NHNN không ép Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu mà là do nhóm cổ đông của ông Danh trực tiếp trình đề nghị tham gia phương án tái cơ cấu.

Luật sư Nguyễn Xuân Bính, bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Diễm.

Đối đáp lại phần phát biểu của các luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh, luật sư Nguyễn Xuân Bính (bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình) nói: "Dường như chúng tôi đang có thêm 1 lời buộc tội nữa từ lời của những người không phải là công tố viên đang buộc tội ông Bình cũng như những người làm trong NHNN".

Luật sư Bính chỉ ra phương án tái cơ cấu là chủ trương được NHNN xem xét dựa trên tờ trình của cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS). Tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín là nhiệm vụ quan trọng vì vậy TTGS đặt vấn đề những người đại diện trong nhóm đầu tư Thiên Thanh không có khả năng điều hành nên mới không chấp nhận nhóm này tham gia. NHNN có yêu cầu VNCB xem xét dựa trên tờ trình của TTGS.

Luật sư cho rằng Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu không phải là sự ép buộc của cơ quan Nhà nước mà là từ sự tự nguyện của chính họ cung cấp cho NHNN. Về ý kiến nói Phạm Công Danh là nạn nhân, luật sư Bính gay gắt cho rằng hoàn toàn sai. Bởi hồ sơ nhóm Thiên Thanh do chính ông Danh cung cấp, chính họ đã cung cấp để thẩm định chính năng lực tài chính.

VKS: Mức án đã được cân nhắc

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng các ý kiến của nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho Phạm Công Danh ngoài phạm vi quyết định truy tố nên VKS từ chối đối đáp. Riêng ý kiến luật sư Phan Trung Hoài về số tiền 4.500 tỷ sẽ được đối đáp ở phiên tòa Phạm Công Danh giai đoạn 2 sắp tới.

Về ý kiến xem xét trách nhiệm cơ quan TTGS, lãnh đạo NHNN, VKS cho biết trong phần phát biểu quan điểm luận tội đã kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ công an và VKSND Tối cao làm rõ vai trò những người này để xem xét xử lý.

VKS bảo lưu quan điểm về mức án đề nghị với các bị cáo. Ảnh: Nguyện Diễm.

Về trách nhiệm của ông Bình, VKS bảo lưu quan điểm rằng nếu ông Bình yêu cầu cơ quan TTGS làm gắt gao, chặt chẽ và trực tiếp giám sát thì hậu quả xảy ra sẽ không lớn. "Chính ông Bình trong lúc thực hiện nhiệm vụ Trưởng ban tái cơ cấu không làm hết trách nhiệm dẫn đến nhiều bị cáo bị khởi tố do để Phạm Công Danh sử dụng tiền", đại diện VKS phát biểu.

Liên quan ý kiến của luật sư Nguyễn Xuân Bính khi đặt câu hỏi hậu quả xảy ra chỉ ở Ngân hàng Đại Tín mà không xảy ra các ngân hàng khác, VKS thừa nhận trong công tác chỉ đạo 6 ngân hàng yếu kém, bị cáo Bình làm tốt nên 5 ngân hàng kia nên không xảy ra hậu quả. Cáo trạng quy kết bị cáo Bình chỉ quy kết bị cáo Bình để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín.

VKS cho rằng ông Bình không làm đẩy đủ, làm sơ hở nên mới mới để Phạm Công Danh gây thiệt hại, tổng cộng trên 15.000 tỷ đồng. Mối quan nhân quả là hành vi trái pháp luật của Phạm Công Danh đã làm cho tổ giám sát tin, ngân hàng tin để cho chuyển tiền dẫn đến VNCB mất tiền.

"Bị cáo Đặng Thanh Bình làm rất tốt, ký nhiều văn bản nhưng ký cho tổ chức hoạt động lành mạnh thì không vấn đề. Ở đây, Đại Tín là ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu nên không chỉ dùng những văn bản thông thường mà phải có sự kiểm tra gắt gao, triệt để. Nếu làm đúng, đủ thì chắc chắn sã phát hiện sự thiếu minh bạch của Phạm Công Danh", đại diện VKS nói.

Về mức án dành cho bị cáo Bình và đồng phạm, VKS cho biết đã cân nhắc nhiều. Vì lẽ ra với hậu quả như thế thì mức án sẽ cao hơn. Nhưng VKS đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, thành tích của các bị cáo với ngành ngân hàng, hoàn cảnh gia đình nên mức án như đề nghị là phù hợp.

HĐXX sẽ nghị án và tuyên án vào chiều 2/7.

Ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng.

Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm tổ trưởng.

Ngân hàng Đại Tín được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát.

Ông Bình và 4 đồng phạm đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này.

Tác giả: Hoài Thanh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP