Cựu đại tá Phùng Anh Lê và cảnh khám xét nhà riêng ông Lê diễn ra tối 21/9 |
Nhiều cán bộ khai nhận chỉ đạo từ cựu trưởng quận
Như Tiền Phong đã đưa tin, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam cựu đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) để điều tra về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam”, theo Điều 378, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự; trung tá Vũ Công Ngọc, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự và trung tá Lê Đình Trung, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ để điều tra về cùng tội danh nêu trên. Cả 4 bị can nêu trên đều đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân.
Trước đó, những cựu cán bộ công an này bị Công an Hà Nội đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ để điều tra, xác minh về hành vi vi phạm pháp luật khi xử lý một vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn.
Hồ sơ vụ “Cướp tài sản” xảy ra năm 2016 cho thấy, sau khi gây án, Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở Ba Đình, Hà Nội) đã tới Công an quận Tây Hồ trình diện, song sau đó được thả về và không bị xử lý hình sự. Từ tháng 1 - 3/2021, Tài cùng 4 đồng phạm trong vụ cướp nêu trên đã tới cơ quan công an đầu thú, sau đó bị TAND tuyên án vào cuối tháng 4 vừa qua. Ngay sau đó, Công an TP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án liên quan đến hành vi tha người trái pháp luật của một số cựu cán bộ công an quận Tây Hồ; rồi chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, vẫn theo hồ sơ vụ án cướp tài sản nói trên, thượng tá Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ đã báo cáo Ban giám đốc Công an TP Hà Nội và thừa nhận có vụ việc xảy ra.
Thượng tá Hải trình bày, khi Tài đầu thú về hành vi bắt giữ trái phép anh Hoàn (là bị hại trong vụ cướp tài sản vừa nêu), ông đã yêu cầu Đội hình sự hoàn thiện thủ tục để ký quyết định tạm giữ đối tượng. Tuy nhiên, một lãnh quận tại thời điểm đó cho rằng chưa đủ căn cứ tạm giữ Tài nên chỉ đạo cho đối tượng về, phải cam kết khi triệu tập sẽ có mặt.
Tương tự, một điều tra viên của Công an quận Tây Hồ cũng có báo cáo thể hiện ông từng đề xuất tạm giữ Tài nhưng sau khi nghiên cứu hồ sơ, vị lãnh đạo này có ý kiến rằng tài liệu “còn yếu” và chỉ đạo cán bộ khác thẩm định hồ sơ, yêu cầu cho đối tượng Tài về.
Ông Lê đặt niềm tin vào cơ quan tố tụng
Một trung tá của Công an quận Tây Hồ có báo cáo tương tự về quá trình xử lý hành vi cướp tài sản của Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm. Trung tá này trình bày, khi đề nghị tạm giữ Tài, ông đã bị phê bình vì: “Cách nhận định không đúng người, đúng tội, dễ dẫn tới oan sai”.
Liên quan việc thời điểm sau khi gây án, nhóm cướp nói trên được hòa giải với nạn nhân, có ba sỹ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng đã nhận chỉ đạo miệng từ đại tá Phùng Anh Lê (thời điểm đó là Trưởng Công an quận).
Tuy nhiên, ông Phùng Anh Lê từng khẳng định với PV Tiền Phong, những báo cáo về việc ông “chỉ đạo miệng” trong vụ việc trên là không chính xác.
Ngày 21/9 vừa qua, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định tố tụng và thi hành lệnh khám xét nhà riêng của ông Phùng Anh Lê tại đường Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. |
“Tôi trưởng thành từ lực lượng công an TP Hà Nội với 37 năm công tác, trong đó có nhiều năm làm thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT nên có thể khẳng định, không có quy chế “chỉ đạo miệng” trong điều tra, tố tụng hình sự. Một vụ việc có dấu hiệu hình sự phát sinh sẽ được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách chỉ đạo và phải có quy trình bằng văn bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể chỉ đạo bằng miệng và tôi không bao giờ chỉ đạo bằng miệng trong tố tụng” - ông Lê nói.
Ngoài ra, ông Phùng Anh Lê còn khẳng định: “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, mọi việc liên quan đến tôi sẽ được làm sáng tỏ”.
Tác giả: Minh Đức
Nguồn tin: Báo Tiền Phong