Trường Trung cấp Y khoa Miền Trung, một thời là đại bản doanh của Tập đoàn Sara |
Hùng “Sara” nhiều lần mua đi bán lại cổ phiếu SRA, SRB, VNN của chính công ty mình để thu về khoản tiền lớn trong giai đoạn 2007-2019.
Khoảng năm 2003-2004, Trần Khắc Hùng nổi danh ở xứ Nghệ sau khi thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara (Sara Group) cùng một loạt công ty thành viên hoạt động ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, đào tạo, xây dựng, kinh doanh các loại vật tư thiết bị… Để khuếch trương danh tiếng, đầu tiên, Tập đoàn Sara tham gia tài trợ cho đội bóng Sông Lam Nghệ An (SLNA) lúc đó đang thời kỳ đỉnh cao phong độ với thế hệ cầu thủ đình đám như Văn Quyến, Công Vinh… Một thời gian sau, Tập đoàn Sara mượn dàn cầu thủ trẻ SLNA thành lập đội bóng đá riêng mang tên Sara thành Vinh thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia.
Tập đoàn Sara tổ chức lễ công bố nhà đầu tư chiến lược là một công ty Nhật Bản đăng ký mua 15% cổ phần (tương đương đầu tư 2 triệu USD vào Tập đoàn Sara) và trở thành cổ đông lớn của công ty. Sự kiện này được Sara tổ chức rầm rộ tại khách sạn Daewoo (Hà Nội). Bài phát biểu của đại diện hai bên hứa hẹn mở ra một triển vọng lớn cho Sara nên ngay từ khi chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SRA đã được nhiều nhà đầu tư săn mua thông qua giao dịch OTC.
Vì thế, Hùng “Sara” và các cổ đông sáng lập đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu, thu về hàng chục tỷ đồng. Khi thương hiệu Sara không chỉ nổi tiếng ở Nghệ An mà còn gây sự chú ý khắp cả nước, Trần Khắc Hùng bắt tay vào thực hiện đưa cổ phiếu công ty lên sàn chứng khoán đúng vào giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam ngập sắc xanh. Ngày 18/1/2008, một triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Sara Việt Nam (mã chứng khoán SRA) có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Hà Nội.
Thành công trong vụ IPO một triệu cổ phiếu SRA, Hùng tiếp tục bán ra hàng triệu cổ phần Sara Group rồi làm thủ tục niêm yết 5,65 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara (mã chứng khoán SRB) trên sàn chứng khoán Hà Nội. Trong phiên giao dịch đầu tiên diễn ra ngày 17/3/2008, tổng cộng 174.600 cổ phiếu SRB được khớp lệnh với mức giá cao nhất 22.000 đồng/cổ phiếu, mức giá bình quân 15.000 đồng/cổ phiếu. Những phiên giao dịch sau đó, tính thanh khoản cũng như giá cổ phiếu SRB tiếp tục được đẩy lên cao dần và có thời điểm tăng lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu.
Những năm sau đó, dù SRA cũng như SRB kinh doanh kém hiệu quả, nhưng giá cổ phiếu thường xuyên có những biến động bất thường, có lúc tăng mạnh lên hàng chục nghìn đồng/cổ phiếu, có lúc lại rơi xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu. Hùng và các cổ đông nội bộ thi nhau bán ra, mua vào cổ phiếu của công ty mình. Từ ngày 1-12/7/2010, Hùng “Sara” bán ra 500.000 cổ phiếu SRB; từ ngày 19/7 - 20/8/2010 bán ra 1.091.900 cổ phiếu SRB và chỉ còn nắm giữ 318.100 cổ phiếu. Đến năm 2011, Hùng “Sara” lại mua vào cổ phiếu SRB, một đợt 380.000 cổ phiếu, một đợt 400.000 cổ phiếu…
Theo dữ liệu trên trang CafeF, đến thời điểm hiện tại, Hùng “Sara” vẫn đang sở hữu 1.255.009 cổ phiếu SRB, tương đương tỷ lệ 14,76% và là cổ đông lớn nhất của công ty này (giá cổ phiếu SRB đến phiên giao dịch ngày 27/11/2020 chỉ còn 800 đồng/cổ phiếu). |
Tác giả: Hoàng Hảo
Nguồn tin: Báo Tiền phong