Một ngày tháng 11/2016, Mika Ruusunen (Phần Lan) ra ngoài kiểm tra hòm thư như thường lệ. "Tôi mở một bức ra đọc và chẳng hiểu gì cả. Tôi đã đưa nó cho vợ mình và hỏi cô ấy xem nó là cái gì", anh nhớ lại.
Đó là thông báo của Chính phủ Phần Lan về việc từ năm sau, anh sẽ được nhận một khoản tiền mỗi tháng. Ruusunen nằm trong nhóm 2.000 người thất nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước, tham gia một chương trình thử nghiệm về Thu nhập Cơ bản Phổ thông (universal basic income).
Trong 2 năm, Ruusunen sẽ nhận 560 euro (khoảng 670 USD) mỗi tháng từ Chính phủ. Khoản này được miễn thuế và anh có toàn quyền sử dụng.
Mika Ruusunen nằm trong nhóm 2.000 người được chọn thử nghiệm. Ảnh: CNBC |
Mục tiêu của chương trình này là thay thế các khoản trợ cấp hiện tại và tiết kiệm ngân sách, do hệ thống phúc lợi xã hội Phần Lan rất phức tạp và tốn kém. Chính phủ muốn kiểm nghiệm liệu thu nhập cơ bản có phải là giải pháp linh hoạt hơn các chương trình phúc lợi hiện tại hay không, xét về mặt hỗ trợ người dân và giúp họ có động lực đi làm.
"Chúng tôi giả sử rằng chính sách này có thể kích thích người dân thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Vì thế, chúng tôi muốn kiểm nghiệm việc này có đúng hay không", Miska Simanainen - nhà nghiên cứu tại Kela - tổ chức Chính phủ giám sát chương trình này cho biết.
Phần Lan chạy thử nghiệm từ ngày 1/1/2017 đến hết năm 2018. Kết quả chính thức chỉ được công bố sau khi chương trình kết thúc. Các chuyên gia cho biết họ không ngạc nhiên khi thấy quốc gia vốn nổi tiếng hào phóng về phúc lợi xã hội lại đi đầu trong việc thử nghiệm này.
"Trên thực tế, chúng tôi đã phải bàn bạc rất nhiều về vấn đề này, trong vài thập kỷ", Simanainen cho biết.
Ý tưởng chia tiền trở nên phổ biến vài năm gần đây, nhờ sự ủng hộ công khai từ các tên tuổi lớn tại Thung lũng Silicon, như Elon Musk hay Mark Zuckerberg. Họ cho rằng đây sẽ là bộ đệm tài chính cho những lao động có thể bị robot hoặc máy móc thay thế. Nó cũng có thể giúp lao động tìm khóa đào tạo cho nghề nghiệp mới, theo đuổi đam mê cá nhân hoặc kinh doanh riêng, khi không còn gánh nặng tài chính.
Mục tiêu của Phần Lan là giúp người thất nghiệp có động lực làm việc, khi cung cấp hỗ trợ tài chính kể cả khi họ tìm được việc làm. Các nhà nghiên cứu chọn con số 560 euro mỗi tháng, do nó bằng mức trợ cấp thất nghiệp hiện tại.
"Ý tưởng của chúng tôi là thử nghiệm liệu nó có thể thay thế các khoản trợ cấp xã hội căn bản hay không, ít nhất cũng là trợ cấp thất nghiệp", Simanainen cho biết.
Mika Ruusunen đã thất nghiệp 16 tháng trước khi đăng ký một khóa đào tạo để làm việc trong ngành IT. Anh vừa được nhận thực tập tại một hãng công nghệ, thì được báo tham gia thử nghiệm.
Ruusunen giờ đã làm chính thức, nhưng sẽ vẫn nhận tiền mỗi tháng. "Trước khi làm công việc hiện tại, tôi đã nghĩ đến việc mở công ty riêng. Thật mừng là giờ tôi vẫn còn lựa chọn đó", anh nói, "Thu nhập cơ bản khuyến khích người ta đi làm, kể cả là việc bán thời gian hoặc thu nhập thấp. Đây là việc có lợi cho tất cả các bên".
Dù vậy, không phải người Phần Lan nào cũng ủng hộ chương trình này, đặc biệt nếu nó khuyến khích người ta chấp nhận việc lương thấp. "Cái chúng ta hướng tới không phải là tạo ra các công việc thu nhập thấp, mà là cải thiện giáo dục và kỹ năng của con người", Antti Jauhiainen - một tác giả sách tại đây nhận xét.
Anh ủng hộ chính sách thu nhập cơ bản phổ thông. Tuy nhiên, anh cho rằng nó chỉ nên là cái bổ sung, chứ không phải là thay thế cho hệ thống phúc lợi hiện tại. Jauhiainen giải thích rằng khi nhắm vào nhóm nhỏ người thất nghiệp, chương trình thử nghiệm "đã tiếp cận sai hướng".
Ruusunen cũng đồng ý rằng việc thử nghiệm nên mở rộng ra ngoài đối tượng thất nghiệp, để thực sự bám sát định nghĩa về thu nhập cơ bản phổ thông. Anh lạc quan rằng ý tưởng này sẽ có vị trí nổi bật trong tương lai của Phần Lan.
"Tôi cho rằng khoảng 100 năm nữa, người ta sẽ coi thu nhập cơ bản là điều bình thường. Tôi rất tự hào khi Phần Lan là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm nó", anh nói.
Tác giả: Hà Thu
Nguồn tin: Báo VnExpress