Trước việc Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng người dân không được phép kiểm tra kế hoạch, chuyên đề của cảnh sát giao thông, thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an) giải thích: Đó là kế hoạch nội bộ trong công việc của lực lượng công an nên người dân không thể "vô lý" yêu cầu kiểm tra.
Hơn nữa, mỗi cảnh sát khi ra đường làm nhiệm vụ không cầm tờ "lệnh" kế hoạch, chuyên đề này. “Không ai in cả nghìn bản rồi phát cho từng người mà chỉ có lãnh đạo cấp phòng hoặc cấp đội được nhận để rồi quán triệt, giao nhiệm vụ cho cấp dưới", tướng Quân cho hay.
Theo ông Quân, người dân có quyền kiểm tra tuần tra kiểm soát, bảng tên, thẻ chứng minh công an hay gọi điện thoại đến đơn vị... để xác minh khi tình nghi kẻ gian mạo danh cảnh sát giao thông. Điều đặc biệt giúp người dân nhận biết nữa là cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thường theo nhóm chứ không đi một mình.
Tuy nhiên, một số người dân khi trao đổi với VnEpxress cho rằng cảnh sát giao thông nên công khai kế hoạch, chuyên đề đang xử lý, bởi trong xã hội văn minh, người dân khi được kiểm tra sẽ giúp ngăn chặn việc lạm quyền của cảnh sát.
Ảnh minh hoạ: Bá Đô
Một số người có cách nhìn nhận khác, cho rằng có nhiều cách phân biệt cảnh sát giao thông thật hay giả chứ không chỉ là yêu cầu kiểm tra tờ giấy kế hoạch, chuyên đề. "Một khi họ đã đóng giả được cảnh sát thì cầm theo một tờ giấy có dấu giả đâu khó khăn gì. Người dân khi xem cũng không phân biệt được thật, giả”, anh Trần Quốc Huấn nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với anh Huấn, anh Nguyễn Gia Tuyên đề xuất: "Để người dân được thoải mái và tâm phục, cảnh sát khi kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề nên có một loại giấy phép đặc biệt có chữ ký và con dấu của cấp trên. Tổ nào làm nhiệm vụ thì mang theo, khi xử phạt đưa cho người vi phạm xem”.
Kế hoạch, chuyên đề của cảnh sát giao thông là gì?
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn luật, Cục CSGT) cho biết, kế hoạch của cảnh sát giao thông có thể do cấp Bộ, Cục, Giám đốc Công an thành phố... đưa ra. Mỗi kế hoạch thường định ra các chuyên đề cụ thể để xử lý và thể hiện dưới dạng văn bản dài ít nhất 2 trang giấy. Kế hoạch được quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trước khi làm nhiệm vụ.
Thượng tá Nhật lấy ví dụ, với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát sẽ được trang bị máy móc, máy đo để tập trung vào xử lý người vi phạm nội dung này. Tuy nhiên trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện những vi phạm khác mà thuộc thẩm quyền, cảnh sát giao thông vẫn có quyền xử lý.
Tác giả bài viết: Bá Đô