Theo ông Hưng, luật hiện hành chưa quy định một buổi xin lỗi diễn ra trong bao lâu hay có nội dung gì, song yêu cầu phải đảm bảo sự nghiêm túc. Việc ném bảng hiệu, ném dép ngăn cản Phó chánh án TAND Tối cao đọc lời xin lỗi của gia đình nạn nhân có thể bị coi là "gây rối trật tự".
Ông Hưng cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần giúp gia đình nạn nhân hiểu đúng quy định của pháp luật. Vụ án liên quan ông Long đã được các cơ quan tố tụng chứng minh trên căn cứ pháp luật, không thể gắn với việc chưa tìm ra thủ phạm để cản trở việc minh oan.
Cục Bồi thường nhà nước cho biết đã trao đổi với TAND Tối cao về việc giải quyết bồi thường oan sai cho ông Long, song hiện chưa nhận được đơn nêu số tiền cụ thể. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường, người bị oan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi. Trong 30 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi bằng hai hình thức: trực tiếp ở nơi cư trú hoặc đăng báo.
Một ngày trước, 25/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long về việc đã kết tội oan có hành vi hiếp dâm trẻ em, giết người khiến ông 4 lần bị kết án tử hình, bị bắt suốt hơn 10 năm.
Tuy nhiên gần một tiếng trước buổi lễ trang trọng, gia đình nạn nhân đã la ó, không đồng ý với cuộc xin lỗi này do tới giờ vẫn chưa xác định được thủ phạm vụ án. Họ tràn lên bục sân khấu giật bảng hiệu buổi xin lỗi, la ó, ném dép trong lúc Phó chánh án TAND Tối cao đọc lời xin lỗi ông Long...
Trao đổi với VnExpress, ông Long nói thấy buồn vì buổi xin lỗi không diễn ra như mong đợi. Ông mong gia đình nạn nhân vụ án thông cảm, chia sẻ với nỗi đau thể xác và tinh thần mình đã phải chịu suốt nhiều năm qua.
Do gia đình nạn nhân phản ứng, vợ ông Long đề nghị Bộ Công an vào cuộc để sớm làm rõ thủ phạm.
Tác giả bài viết: Bảo Hà
Nguồn tin: