Đến ngày 29/8, Công an huyện Thanh Chương đã tiếp nhận gần 200 đơn trình báo của người dân liên quan đến đường dây phường hụi do bà Trần Thị Oanh (SN 1979, trú xóm 5, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) làm chủ.
Tổng số tiền mà người dân trình báo đến thời điểm này là hơn 8 tỷ đồng. Có trường hợp trình báo mất gần 400 triệu, có trường hợp vài chục triệu đồng, trường hợp ít nhất là 5 triệu đồng.
Ngôi nhà của chủ hụi Trần Thị Oanh khóa trái cửa từ khi tuyên bố vỡ hụi. Ảnh tư liệu |
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của người dân, Công an huyện Thanh Chương đã triệu tập bà Trần Thị Oanh đến làm việc. Tại cơ quan công an, bà Oanh khai rằng đã vỡ nợ, mất khả năng chi trả.
Về số tiền 8 tỷ đồng mà bà Oanh huy động của người chơi, bà này cho biết đã dùng để chữa bệnh cho con trai và đi cúng đền, cúng chùa, phát tâm làm từ thiện.
Theo thông tin ban đầu của Công an huyện Thanh Chương, đường dây phường hụi do bà Trần Thị Oanh tổ chức hoạt động nhiều năm nay trên địa bàn và rất có uy tín. Sau khi lôi kéo được nhiều người tham gia, bà Oanh tổ chức nhiều đường dây phường “ảo”, lãi suất cao.
Thường những người tham gia trong 1 dây phường cũng không biết nhau mà chỉ nộp tiền cho bà Oanh. Do lãi cao nên nhiều người đến lượt bốc phường chỉ nhận lãi, cắt đuôi nhưng không lấy tiền gốc về mà tiếp tục để lại phường.
Hình thức và cách chơi, cách huy động tiền cũng như phương thức trả lãi của bà Oanh đang được công an huyện xác minh, làm rõ. Bước đầu có thể thấy, bà Oanh lấy tiền của người chơi để trả lãi cho chính họ nên khi tuyên bố vỡ hụi người dân mới biết mình mất số tiền lớn.
Chiếc két sắt của bà Oanh vứt ngoài sân. Ảnh: N.H |
“Hiện công an huyện đang tập trung xác minh, làm rõ, nếu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh điều tra, xử lý theo thẩm quyền”, lãnh đạo Công an huyện Thanh Chương cho biết.
Trước đó như Báo Nghệ An đã phản ánh, trong thời gian qua hàng trăm người dân trên địa bàn bàn xã Thanh Mỹ và các xã lân cận đang hoang mang trước thông tin phường hụi do bà Trần Thị Oanh làm chủ bị vỡ. Khi bà Oanh tuyên bố vỡ nợ, hàng trăm người dân đã đến nhà để gây áp lực buộc bà này hoàn trả tiền.
Theo các người dân, bà Oanh thường trả lãi cao, tỏ ra khá sòng phẳng. Nhiều người dân sau khi đến lượt bốc phường không nhận về mà tiếp tục để lại cho chủ phường, chỉ nhận về tiền lãi. Để có tiền tham gia phường và lấy về số tiền lãi cao, nhiều người dân không ngần ngại mang hết tiền tích lũy, thậm chí cắm sổ đỏ lấy tiền đóng phường./.
Tác giả: Nguyên Hưng
Nguồn tin: Báo Nghệ An