Tìm về xã Thanh Mỹ huyện Thanh Chương giữa cái nắng gay gắt của mùa khô xứ Nghệ, thế nhưng khi nhắc đến chuyện vỡ hụi, hàng chục người dân nơi đây đã ùa đến kể về những gia đình vỡ hụi, những hoàn cảnh khó khăn chắt góp từng đồng đóng vào hụi, mà không thể xót xa hơn.
Ngôi nhà của chủ hụi Trần Thị Oanh khóa trái cửa trong nhiều ngày. Ảnh: Ngô Quyền |
Ông Võ Văn Ất, 55 tuổi, ở xóm 5, xã Thanh Mỹ huyện Thanh Chương là thương binh ¼, đôi mắt bị mù gần chục năm nay, cuộc sống trông chờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước để sinh hoạt.
Ông nói: "Tôi cũng nhịn ăn, nhịn uống trích ra 5 triệu đồng từ tiền lương để tích góp đóng vào hụi. Mấy năm về trước vợ tôi không may đột ngột qua đời, nhận được số tiền hơn 100 triệu đồng từ bảo hiểm xã hội, số tiền đó giờ cũng theo hụi bay đi mất. Tôi còn mẹ già đã hơn 80 tuổi, cuộc sống của gia đình càng vất vả hơn bao giờ hết".
Bà Nguyễn Thị Lai, xóm 7 xã Thanh Mỹ vừa đi viện về vì hay tin chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, gặp chúng tôi bà nói trong nước mắt: Gia đình vốn đã thuộc diện hộ nghèo, hàng tháng tôi phải đi làm osin cho nhà xã bên. Tiền lương mỗi tháng hơn 1 triệu đồng gửi vào hụi, đến nay cũng được gần 20 triệu đồng. Mỗi tháng tôi nhận được hơn 100 nghìn đồng tiền lãi. Với số tiền đó, tôi dự định tích góp để sửa sang lại ngôi nhà nay đã xuống cấp. Thế nhưng, khi nghe tin bà Oanh vỡ hụi, tôi ngất lên ngất xuống, người thân phải đưa đi cấp cứu hồi sức cả đêm.
Người dân xã Thanh Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ vỡ hụi. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Đi nhặt nhạnh những phế phẩm, ve chai để bán rồi "đầu tư" vào hụi, gia đình anh Trần Văn Chính, xóm 5, xã Thanh Mỹ cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn tương tự, anh cho biết: Gia đình chúng tôi, thuộc diện hộ nghèo, số tiền chắt góp từ người vợ đi nhặt ve chai, tôi đi làm phụ hồ được đồng nào cũng theo phường, theo hụi. Nghĩ đến cảnh mất trắng mấy chục triệu, mà đến bữa ăn không nuốt được cơm.
Tại khu vực chợ xã Thanh Mỹ, không còn không khí nhộn nhịp như trước. Nhiều tiểu thương trong chợ mấy ngày nay đã nghỉ bán vì bao nhiêu vốn liếng dồn về đưa hết cho bà Oanh. Nhiều chủ hàng thì chạy đôn chạy đáo vừa tìm con nợ, vừa tìm cách vay mượn vốn để buôn bán lại và trang trải những khoản nợ nần. Nhiều người bán hàng còn lại đứng khóc ròng, chẳng muốn buôn bán, bởi số tiền dành dụm cho con cái mua sách vở đầu năm học mới, hay tiền để dành sửa sang nhà cửa đều bị chủ hụi cuỗm đi mất.
Chị Hoa bán hàng tạp hóa, ở chợ âu sầu kể: “Người dân nơi đây thấy nó hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, nhà lại khá giả nên tin, gom góp đưa tiền cho nó cũng mong kiếm chút tiền lãi. Ai ngờ, đến ngày hôm nay chủ hụi lại tuyên bố vỡ hụi”.
Hoàn cảnh khó khăn của ông Nguyễn Văn Chính bên căn nhà xuống câp. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Được biết, bà Trần Thị Oanh, xóm 5 xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương trước đây vốn là nông dân chân lấm tay bùn, sau đó lại đi buôn rau, củ quả cho đến xay xát lúa gạo. Được một thời gian, với số vốn nho nhỏ, bà Oanh bắt đầu chuyển qua kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, rồi làm chủ hụi, tính đến nay cũng đã gần 10 năm. Bằng lời lẽ ngon ngọt, cùng với sự “ăn nên làm ra” của bà Oanh, rất nhiều người dân nghèo khó ở đây đã đưa tiền đóng vào hụi, mong có được phần lời lãi. Nào ngờ bà Oanh tuyên bố vỡ hụi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Tịnh, công an xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương cho biết: Sau khi chủ nợ tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người dân đã kéo đến lấy đồ đạc trong nhà bà Trần Thị Oanh. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền và ban công an xã, người dân đã đem trả toàn bộ số vật dụng ban đầu. Điều đáng tiếc hơn, 2 năm trước, trên địa bàn xã Thanh Mỹ cũng đã từng xảy ra tình trạng vỡ hụi.
|
Ông Phạm Xuân Lực - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, cho biết: xã Thanh Mỹ có tới 259 hộ nghèo, chiếm 13,2% số hộ toàn xã. Hiện đã có hơn 100 người đến trụ sở UBND xã Thanh Mỹ khai báo, với số tiền gần 8 tỷ đồng.
Riêng với bà Trần Thị Oanh đang bị quản thúc tại địa phương, cơ quan điều tra đang thu thập thông tin, sớm hoàn tất hồ sơ, chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của bà rần Thị Oanh./.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh - Trịnh Thắng
Nguồn tin: Báo Nghệ An