Giáo dục

'Cổ vũ bạn đánh nhau là hành vi đáng lên án'

TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thuý đưa ra gợi ý cách xử lý các trường hợp học sinh đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân.

TS Phạm Thị Thúy nhận thấy tình trạng đánh nhau ở học sinh trong thời gian gần đây đang gia tăng trở lại, đặc biệt là sau đợt nghỉ học do Covid-19.

Ngày 12/3, video hai nữ sinh lớp 10 trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đánh nhau bị tung lên mạng, trong khi cả lớp ngồi nhìn.

TS Phạm Thị Thúy thông tin việc nghỉ học trong thời gian dài, ở nhà học online, lướt mạng, chơi game, chịu áp lực từ các vấn đề học tập, gia đình có khó khăn về việc làm, kinh tế sa sút... cũng có thể là một số nguyên nhân khiến một bộ phận nhóm trẻ có những căng thẳng, bức xúc, "giận cá chém thớt", dễ dẫn đến các tình huống bạo lực.

Đánh nhau vì "nhìn đểu", "nói đểu"

Trong 10 năm tham gia chia sẻ về văn hóa ứng xử, phòng tránh bạo lực học đường, TS Phạm Thị Thúy nhận được nhiều tâm sự từ học sinh, giáo viên về nguyên nhân khiến học sinh gây gổ, đánh nhau.

Trong đó, sự khác biệt của học sinh trong lớp, trong trường như học giỏi, xinh đẹp, ngoại hình nổi bật... hoặc những học sinh quá khép kín (trầm tính, ít nói, không có nhiều bạn bè...) có thể là nguyên nhân khiến các em dễ bị bắt nạt, bị đánh.

Hai nữ sinh lớp 10 trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đánh nhau. Ảnh: Cắt từ video.

Một lý do khác thường thấy bắt nguồn từ những hiểu lầm đơn giản như "nhìn đểu", "nói đểu". TS Thúy nhận định học sinh đang ở thời điểm nhạy cảm, hình thành cái tôi của bản thân, nên các em dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài.

Đôi khi người khác chỉ vô tình đi ngang qua, nhưng các em lại cho rằng đối phương đang "nhìn đểu" mình. Từ đó, nó trở thành cái cớ để đánh nhau, bắt nạt bạn bè.

Yêu đương cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều học sinh đánh nhau. Việc đăng đàn, bình luận những lời lẽ khiếm nhã, khiêu khích lên mạng khiến các em nổi nóng, muốn đánh nhau để dằn mặt.

TS Phạm Thị Thúy phân tích thêm khía cạnh tâm lý để làm rõ các nguyên nhân nêu trên. Ở độ tuổi này, não bộ của trẻ chưa phát triển toàn diện. Vì thế, khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi của các em chưa tốt.

Hơn nữa, nhưng tác động bên ngoài như vấn đề gia đình, áp lực bài vở, thiếu ngủ, cũng khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái bất ổn, dễ kích động, muốn giải tỏa cảm xúc.

Các em cũng muốn thể hiện bản thân và khẳng định cái tôi với người khác. Đặc biệt, khi chơi theo nhóm, trẻ có xu hướng bắt chước mọi suy nghĩ, hành vi của bạn bè. Từ đó nảy sinh các hành vi bắt nạt theo nhóm hoặc đánh hội đồng.

"Những học sinh cô đơn, ít bạn bè sẽ dễ trở thành đối tượng bị cô lập, bắt nạt", TS Thúy nói.

Cần lên án và xử phạt nghiêm

Đối với trường hợp những học sinh hò reo, cổ vũ bạn đánh nhau, ngăn cản bạn bè can ngăn, quay phim đăng mạng… TS Phạm Thị Thúy đề nghị phải lên án và xử lý nghiêm để làm gương.

Bà cho rằng việc cổ vũ đánh nhau đang thể hiện học sinh đó thiếu tình cảm, thiếu ý thức trách nhiệm với bạn bè. Thay vì can ngăn hoặc nhờ người lớn giải quyết, các em lại thờ ơ với sự an toàn của người khác. Đó là điều không thể chấp nhận được.

"Bên cạnh việc phạt những học sinh đánh nhau, tôi đề nghị nhà trường nên xử lý các đối tượng cổ vũ bạo lực và đăng lên mạng", TS Thúy nhấn mạnh.

Để xử lý triệt để và đảm bảo an toàn cho học sinh sau sự cố, cha mẹ, nhà trường cần theo dõi, giám sát các em thường xuyên, tránh để các em gây gổ, tiếp tục đánh nhau. Đồng thời, người lớn phải tìm hiểu nguyên nhân xích mích, lắng nghe ý kiến từ hai phía và những người liên quan, từ đó tìm cách hóa giải.

Nếu mâu thuẫn của trẻ không được giải quyết triệt để, "lửa giận" trong lòng các em sẽ tích tụ dần và bùng phát như một ngọn núi lửa. Khi đó, người lớn rất khó để can thiệp, cứu vãn.

Nhà trường cũng cần đưa ra hình thức xử phạt nghiêm minh, giúp trẻ hiểu ra lỗi lầm, hậu quả của vấn đề đang gây ra. TS Thúy đề xuất các nhà trường có thể phạt học sinh lao động công ích, dọn vệ sinh, thay vì nêu tên trước toàn trường hoặc đuổi học.

Nêu tên trước toàn trường là cách xử lý phản giáo dục. Sau khi đánh nhau, gây gổ, tâm lý trẻ chưa hoàn toàn ổn định. Xử phạt công khai sẽ khiến các em bị tổn thương lòng tự trọng, khó có thể nhận ra lỗi lầm và thay đổi bản thân.

"Nhà trường cần có hình thức xử phạt mang tính răn đe, nhưng bảo vệ lòng tự trọng của trẻ để trẻ có cơ hội nhận lỗi, sửa lỗi", chuyên gia nêu.

Cha mẹ, nhà trường cần kịp thời quan tâm tình trạng tâm, sinh lý của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện khác lạ, người lớn cần hỏi han, động viên, giúp các em vượt qua những khó khăn ở tuổi dậy thì.

Ngoài ra, các nhà trường cần đề cao giáo dục đạo đức và nâng cao tinh thần học tập cho học sinh. Giáo dục đạo đức không chỉ gói gọn trong bài giảng môn Giáo dục công dân, mà còn cần sự quan tâm của tất cả mọi giáo viên các môn học khác, tất cả những người lớn xung quanh trẻ. Người lớn cần giáo dục đạo đức qua sự làm gương trong hành vi ứng xử trong đời sống hàng ngày.

Theo TS Thúy, trong lớp học nếu giáo viên áp dụng phương pháp sư phạm tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, giúp trẻ được nghĩ, nói, bày tỏ, hợp tác, được thực hành lớp học sẽ có sự hấp dẫn, hữu ích, từ đó tạo đoàn kết giữa các học sinh và qua đó các em nhận sự quan tâm ấm áp từ thầy cô, bạn bè, các em sẽ được hướng tới những suy nghĩ, cảm xúc hành vi đẹp và hạn chế những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, hành vi bạo lực.

Học cách giải quyết mâu thuẫn và bảo vệ bản thân

Mâu thuẫn của trẻ có thể bộc phát trong mọi thời điểm, nhưng phần lớn đều hình thành trong một thời gian dài. Khi nhận thấy bản thân và bạn bè đang có mâu thuẫn, trẻ cần học cách giải quyết và xoa dịu. Nếu không thể tự giải quyết, học sinh có thể nhờ đến bên thứ ba là bạn bè, cha mẹ, thầy cô... cùng đồng hành giải quyết.

"Khi các em xử lý xung đột sớm, bạo lực sẽ không thể xảy ra", TS Thúy chia sẻ.

Khi bị người khác dọa đánh, các em không nên im lặng. Việc đầu tiên cần làm là báo với cha mẹ, thầy cô hoặc người lớn để nhờ giải quyết. Nếu người khác vô cớ kiếm chuyện, hãy giữ khoảng cách an toàn. Điều trẻ cần lưu ý là không được hoảng loạn, trong những tình huống bị chặn đánh, bao vây, các em cần lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất là nhận diện đối phương có bao nhiêu người, có sử dụng hung khí hay không. Đồng thời quan sát và tìm lối thoát an toàn nhất cho mình.

Thứ hai là tìm cách né đòn và nhanh chóng thoát khỏi vùng nguy hiểm. Nếu đang ở khu vực đông người, các em có thể vừa chạy vừa la to để cầu cứu, nếu ở nơi vắng vẻ, không có nhà dân, hãy chọn hướng sau lưng đối phương để bỏ chạy. TS Phạm Thị Thúy khuyên trẻ nên chạy quanh co để đánh lạc hướng và khiến đối phương kiệt sức.

"Phòng" vẫn là biện pháp an toàn hơn "chống". Vì thế, trẻ hãy bảo vệ bản thân bằng cách đi theo từng nhóm, hạn chế đi một mình ở nơi vắng vẻ. Nếu có cơ hội, các em nên học võ để biết cách tự vệ trong một số tình huống cần thiết.

Ngoài ra, trẻ cần lưu ý lời nói, hành động thường ngày, tránh gây hấn, sử dụng ngôn ngữ thù địch với người khác, đặc biệt là khi giao tiếp trên mạng.

Nếu bắt gặp người khác bị đánh, bị bắt nạt nhưng không thể can ngăn, xử lý, các em nên tìm đến sự hỗ trợ của người lớn, không nên tiếp tay, cổ vũ hành vi bạo lực. Biết cách xử lý khéo léo, kịp thời, các em sẽ giúp bản thân và người khác tránh khỏi nạn bạo lực học đường và những xích mích không đáng có.

Gần đây, các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước. Trong 15 ngày, tỉnh Đắk Lắk xảy ra 4 vụ học sinh tụ tập đánh nhau, trong đó có một vụ dùng dao, gạch đá để tấn công, khiến một học sinh nhập viện vào ngày 9/3.

Trước đó, vào ngày 24/2, một nhóm học sinh trường THPT Xuân Trường (Nam Định) xích mích và đánh nhau trong nhà vệ sinh. Đến ngày 8/3, đoạn video bị phát tán trên mạng xã hội.

Tác giả: Minh Thúy

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: cổ vũ ,đánh nhau ,lên án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP