Dù đủ điều kiện để về công tác tại trường chính hoặc điểm bản thuận lợi hơn nhưng cô vẫn chọn ở lại với những đứa trẻ bản Mông. |
Một ngày đến trường của cô bắt đầu từ lúc trời tờ mờ. Sửa soạn xong xuôi, 5 giờ cô bắt đầu vượt rừng đến với những đứa trẻ người Mông…
Vượt hủ tục theo sự học
Cô Lầu Y Pay (SN 1986) là một trong số ít giáo viên người Mông ở Trường Mầm non Tri Lễ. Cô có hơn 15 năm công tác ở Quế Phong và 10 năm cắm bản Huồi Mới. “Tôi đã đi hỏng 2 chiếc xe máy, nhưng đổi lại, từ một người nhút nhát, mình trở thành tay lái lụa trên mọi cung đường vùng rẻo cao này. Ước mơ của tôi là được đi dạy và đến giờ tôi đã được làm công việc đam mê của mình, thì khó khăn vất vả cũng quen. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua”, cô Lầu Y Pay kể.
Cô Lầu Y Pay không phải người bản địa, mà sinh ra và lớn lên ở xã Đọoc Mạy - một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi có 100% bà con là người Mông. Ở cái vùng rẻo cao xa xôi biệt lập ấy, bố mẹ của Lầu Y Pay cần mẫn làm nương để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Dù nghèo nhưng ông bà có tư tưởng tiến bộ, cả 8 người con sau này đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong đó có 4 người là cán bộ, viên chức cơ quan Nhà nước.
Thuở còn đi học, bạn bè xung quanh cứ đến 14, 15 tuổi là bỏ trường lớp, lấy vợ, lấy chồng. Nếu có ai muộn hơn, thì cũng học hết THCS là nghỉ, số người tiếp tục ra thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) để học THPT hiếm lắm. Lầu Y Pay nhớ lại, lớn lên trong bản, khi nhìn bạn bè lấy vợ lấy chồng sớm, cô tự cảm thấy cũng… thiệt thòi lắm. Vì bản thân sẽ muộn chồng, muộn con, sợ quá lứa.
Cô Pay đã có hơn 10 năm cắm bản Huồi Mới - bản 100% người Mông với điều kiện dạy học đặc biệt khó khăn. |
“Nhưng mình cũng thấy các bạn lập gia đình sớm thì vất vả, chỉ đi làm rẫy thôi, không có nghề nghiệp gì. Nhà mình đã khổ rồi, nếu không học mà ở nhà làm rẫy như bố mẹ thì không biết đến khi nào mới thay đổi được cuộc đời. Nếu chờ đến khi có con mới cho con cái đi học thì muộn mất. Nên phải cố gắng mà học, sau này lập gia đình, con cái nhỏ hơn các bạn nhưng có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa thì cuộc sống mới tốt hơn”, cô Pay chia sẻ.
Vậy là cô học trò người Mông vượt núi xuống thị trấn theo học cái chữ. Tốt nghiệp THPT, cô Pay đăng ký vào Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non bởi thích hát, múa và trẻ con.
Tốt nghiệp, cô gái trẻ nộp đơn xin việc ở các huyện vùng cao rồi được nhận dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong, Nghệ An). Sau thời gian nỗ lực thì cô được tuyển dụng chính thức vào biên chế, và phân công dạy học ở Trường Mầm non Tri Lễ, thuộc xã biên giới Tri Lễ - nơi khó khăn bậc nhất của huyện miền núi cao này.
Cô Lầu Y Pay trao đổi công việc với đồng nghiệp. |
Điểm trường thấp hơn chiều cao cô giáo
Ngày ấy, nếu tính đường chim bay, nhà của Y Pay ở xã Đọoc Mạy (huyện Kỳ Sơn) và Trường Mầm non Tri Lễ (huyện Quế Phong) chỉ cách nhau bên này và bên kia ngọn núi. Nhưng đường nối 2 xã nơi sơn cùng thủy tận vùng Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An chưa có.
Để từ nhà đến trường, cô phải mất 1 ngày đường vượt núi, vượt sông, đi 300km từ huyện Kỳ Sơn xuống TP Vinh. Chưa hết, Y Pay phải tiếp tục bắt xe khách ngược lên Tri Lễ thêm hơn 200km nữa để vào được trường mầm non. Nhưng chặng đường gian nan hơn vẫn là từ trường chính vào điểm lẻ, có nơi vẫn đi được xe máy, nhưng có những bản người Mông chỉ có lối mòn.
Lần đầu tiên vào Huồi Mới, cô cứ nhớ mãi hình ảnh “điểm trường mầm non chỉ là gian nhà gỗ cũ kỹ, thấp lè tè, thấp hơn cả chiều cao của mình. Cả bản chỉ có 15 cháu đến trường mầm non”. Khi cô mới vào, bà con dân bản vẫn chưa cho con em đến trường tiểu học đúng độ tuổi, việc huy động trẻ mầm non lại càng khó khăn hơn.
Sau những năm kiên trì vận động, điểm trường Huồi Mới hiện đã ổn định được sĩ số và tổ chức bán trú cho trẻ. |
“Người Mông quan niệm trẻ con sinh ra cứ để tự nhiên như cái cây hòn đá trên rừng. Bố mẹ đi rẫy sẽ mang theo con trên lưng, rồi tự chơi, tự ngủ trên nương. Đứa lớn hơn sẽ trông đứa nhỏ mà không cần phải đi học mầm non. Bản thân mình cũng là một người con bản Mông, lớn lên từ nương rẫy nên biết rõ suy nghĩ, quan niệm này…”, cô Lầu Y Pay kể.
Vận động trẻ ra lớp, là câu chuyện dài để thay đổi suy nghĩ, quan niệm đã ăn sâu vào nhiều thế hệ của bà con người Mông. Chỉ có cách đến từng nhà, lên từng rẫy nói chuyện, thuyết phục phụ huynh. Một ngày chưa thay đổi thì nhiều ngày, nhiều lần, nhiều tháng, kiên trì như thế.
Đến năm thứ 2 cắm bản, thì điểm trường của cô Lầu Y Pay đã tăng lên gấp đôi với khoảng 30 trẻ. Những năm sau đó sĩ số được duy trì và bổ sung thêm, có năm lên đến 50 trẻ. Năm học này, Huồi Mới có 68 trẻ học mầm non, chia thành 2 nhóm lớp với 4 cô giáo, trong đó cô Lầu Y Pay phụ trách điểm trường.
Cách đây 3 năm, điểm trường Huồi Mới được xây dựng lại, phòng học khang trang, có chỗ ngủ cho các con buổi trưa nên phụ huynh ủng hộ hơn. Bữa cơm cho trẻ theo hình thức bán trú dân nuôi cũng được phụ huynh chuẩn bị chu đáo, chăm chút hơn cho con đưa đến trường.
Cô Pay và các em nhỏ ở Huồi Mới. |
Bén rễ nơi quê hương mới
Sau thời gian công tác, cô Lầu Y Pay nên duyên với chồng cũng là giáo viên đang dạy tiểu học ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Cùng nghề, cùng tâm huyết và tình cảm yêu thương những đứa trẻ vùng cao, hai vợ chồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cả trong cuộc sống, công việc.
Tri Lễ là xã biên giới có diện tích rộng lớn, trong đó có 6 bản Mông ở khu vực xa xôi, biệt lập, nổi tiếng nhiều không: Không điện, không đường giao thông thuận lợi, không chợ, không trạm y tế, không sóng liên lạc… Chính vì vậy, cụm 6 bản này được hình thành riêng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 để thuận lợi cho học sinh đến trường. Từ khi thêm trường mới cụm 6 lại cộng thêm “không” - không giáo viên.
Do điều kiện quá khó khăn nên ngành Giáo dục huyện Quế Phong chỉ phân công các thầy giáo lên đây công tác, cắm bản. Đến giờ, cô Lầu Y Pay trải qua thời gian “nghĩa vụ”, thử thách đối với giáo viên trẻ từ lâu, và có đủ điều kiện, cơ hội để chuyển về điểm trường trung tâm. Tuy nhiên, cô vẫn chọn ở lại Huồi Mới - bản làng người Mông xa xôi đã trở nên gần gũi, quen thuộc và là quê hương gắn bó mới.
“Nhà trường cũng cho mình xuống điểm trung tâm, nhưng nếu vậy thì phải có giáo viên khác lên thay. Họ không biết tiếng Mông, đi mò từng câu nói, từng nhà dân, thì vất vả cho đồng nghiệp quá. Trong khi bà con, các cháu ở Huồi Mới đã thân quen với mình rồi. Là người Mông, sinh ra ở vùng cao nên phục vụ cho dân tộc mình, chăm lo các cháu nhỏ nơi đây”, cô Lầu Y Pay trải lòng.
Ghi nhận tấm lòng, tâm huyết, trách nhiệm của cô giáo người Mông, Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đề xuất và Bộ GD&ĐT tôn vinh cô Lầu Y Pay là nữ giáo viên tiêu biểu toàn quốc. “Mình không nghĩ rằng cuộc đời lại có một lần được vinh dự như vậy! Được tôn vinh là giáo viên tiêu biểu, được ra Thủ đô Hà Nội, gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD&ĐT là trải nghiệm vô cùng đặc biệt trong nghề, nhất là đối với một giáo viên cắm bản ở một xã biên giới xa xôi. Mình coi đó là sự quan tâm, ưu ái của ngành Giáo dục và tạo động lực để bản thân gắn bó hơn với công việc, quê hương, với các cháu nhỏ”, cô Lầu Y Pay bộc bạch. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn