Người lo, người sẵn sàng đón nhận
Để duy trì việc dạy trực tiếp song song với việc học trực tuyến, nhiều trường ngoài việc bố trí thiết bị kết nối bài giảng trực tuyến ngay tại lớp học còn tổ chức cả những lớp học dành riêng cho học sinh không đến trường. Cùng với đó, giáo viên cũng thay nhau dạy bù cho những thầy, cô là F0, F1.
Một số trường bố trí thiết bị trực tuyến cho giáo viên ngay tại lớp học trực tiếp để dạy cho những học sinh là F0, F1 không thể đến trường |
Cô Lê Thanh Hoà, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) kể, mấy tuần trở lại đây, nhiều giáo viên nằm trong diện F0, F1 nên cô cùng một số giáo viên luôn trong trạng thái hoạt động liên tục. Kết thúc tiết dạy trên lớp, các cô sẽ chuyển sang dạy trực tuyến cho những học sinh đang ở nhà.
Những tiết học online-offline liên tục như vậy khiến nhiều thầy cô gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Để giảm áp lực cho giáo viên, hiện trường đành chỉ tổ chức dạy 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh cho những học sinh học trực tuyến, những môn khác khi học sinh quay trở lại sẽ được bổ sung sau.
Cô Hoà cho rằng, dù đi dạy trong thời gian này học sinh có cơ hội được tương tác trực tiếp, làm bài kiểm tra thuận tiện hơn nhưng giáo viên thì lo lắng vì không biết mình sẽ nhiễm bệnh lúc nào.
“Mình cũng lo lắng cho con ở nhà, 1 ngày dạy khoảng 8 tiết, vào khoảng 8 lớp thì không có biết trong đó có ai F0 đâu nên đi làm về không dám ôm con, sợ lây nhiễm. Thầy cô cũng nhiễm nhiều quá", cô Hòa cho biết.
Cô Thu Trang, giáo viên một trường tiểu học tại Quận 8 cho biết, công việc của cô những ngày này ngoài giờ dạy trên lớp thì còn nhiều việc không tên khác. Buổi sáng đến lớp, việc đầu tiên là điểm danh, quan sát tình trạng của học sinh bởi vì có những em buổi sáng vẫn học bình thường nhưng buổi chiều cảm thấy mệt và test nhanh thì mắc COVID-19.
Số lượng học sinh mắc COVID-19 tăng nhiều trong những tuần trở lại đây |
Cô Trang còn chuẩn bị cho mình một cuốn sổ “F0”, ghi lại những học sinh mới mắc COVID, vẽ sơ đồ để tiện liên lạc tới phụ huynh có con tiếp xúc gần. Với những em nghỉ học, hiện tại giờ dạy học trên lớp đã chiếm toàn bộ thời gian nên cô giáo chỉ có thể giao bài tập. Cuối tuần cô giáo sẽ tự nguyện mở lớp học online để bổ sung kiến thức cho các em sau.
Đi dạy trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp, bản thân cô Trang luôn trong tâm thế đón nhận bất kỳ tình huống nào, bởi đó là vì công việc.
“Mình dạy học trò, nhất là tiểu học, các con ăn trưa, ngủ trưa, sinh hoạt, viết bài, làm sao mình không đi xuống tiếp xúc với các con được. Mình chỉ cổ gắng hết sức có thể, bây giờ tới đâu xử lý tới đó, làm sao cho nhẹ nhàng hơn chứ không nói trước được", cô Trang nói.
Choàng gánh, tăng việc
Thời gian này, công việc của giáo viên khi học sinh đi học trực tiếp nhiều hơn gấp đôi so với trước đây. Giáo viên vừa choàng gánh cho những thầy cô là F0, F1, vừa tăng thêm rất nhiều đầu việc và thời gian cho lớp học, môn học của mình.
Giáo viên, nhân viên nhà trường kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khi dạy học trực tiếp |
Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) cho biết, hằng ngày, giáo viên ngoài dạy học còn phải phối hợp với nhà trường để báo cáo, bóc tách các trường hợp F0, F1. Đồng thời để đảm bảo kiến thức khi học sinh không thể đến trường, giáo viên cũng tăng cường dạy thêm ngoài giờ, giao bài tập, giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh.
Sắp tới đây, trường dự kiến sẽ tăng một số tiết để phụ đạo cho những học sinh F0, F1 nghỉ học. Trong thời gian này, thầy cô cũng chủ yếu làm việc trên tinh thần tự nguyện, đồng hành cùng nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Ông Lực cho hay, trung bình mỗi tuần ngoài học sinh ra, trường đều có các trường hợp mắc COVID-19 mới là giáo viên, có tuần cao điểm khoảng 5-6 giáo viên mắc cùng lúc. Giờ dạy học cũng phải bố trí, sắp xếp lại để đảm bảo nhân sự. Cũng có lúc giáo viên là F0 nghỉ ở nhà mà khoẻ thì cũng tham gia dạy online.
“Hiện nay cường độ làm việc của giáo viên cao hơn rất nhiều. Giáo viên dạy trên lớp, còn những em phải nghỉ ở nhà sẽ sử dụng hình thức online, những giáo viên còn lại trong tổ sẽ dạy bù cho những giáo viên phải nghỉ do F0, F1. Còn những tổ nào không gánh được, thì giáo viên đó sẽ dạy online hoặc day bù sau", ông Lực cho hay.
Dù dạy học khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tại các trường ở TP.HCM tăng cao mỗi tuần, cả trường học và giáo viên đều đang rất nỗ lực để thích ứng với bối cảnh hiện nay./.
Tác giả: Vũ Hường
Nguồn tin: vov.vn