Giáo dục

Học sinh mắc Covid-19 tăng, nhiều trường xoay sở dạy học

Do số ca F0, F1 cao, không ít trường cho toàn bộ học sinh hoặc một số lớp chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.

“Do tình hình học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19 tăng nhanh, ban giám hiệu nhà trường quyết định các khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 tiếp tục học trực tuyến đến hết ngày 26/2. Dự kiến thứ 2 (28/2), học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại học trực tiếp tại trường”, chiều 23/2, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) gửi thông báo đến phụ huynh.

Trước đó, vì thời tiết xấu và tình hình dịch bệnh, trường đã cho học sinh từ lớp 7 trở lên chuyển sang học trực tuyến trong 3 ngày 21, 22 và 23/2.

Đây không phải là trường duy nhất quyết định cho học sinh học online vì dịch Covid-19.

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trường THCS - THPT Lương Thế Vinh học trực tuyến đến hết ngày 26/2. Ảnh: THCS & THPT Lương Thế Vinh - Cơ sở Cầu Giấy.

Cho học sinh nghỉ vì dịch

Trao đổi với Zing, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cho hay trường quyết định tiếp tục cho học sinh học trực tuyến khi nhiều học sinh, giáo viên không thể đến trường do dịch.

Cụ thể, những ngày qua, số lượng ca F0, F1 trong đội ngũ giáo viên tăng lên nhiều, chỉ riêng ca mắc Covid-19 đã là 10 người. Việc này khiến trường khó bố trí người dạy trực tiếp do giáo viên thỉnh giảng chiếm tỷ lệ lớn. Họ còn dạy ở trường công lập khác, không thể đứng lớp thay cho những thầy cô nghỉ vì dịch.

Hơn nữa, tỷ lệ học sinh là F0, F1 ngày một tăng cao. Ở nhiều lớp, số lượng học sinh tạm thời không thể đến trường chiếm đến một nửa, 2/3, thậm chí gần hết lớp.

Trường TH và THCS Spring Hill (Quốc Oai, Hà Nội) cũng cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 27/2 vì thời tiết lạnh, tình hình dịch Covid-19 căng thẳng. Trường dự kiến đón học sinh trở lại vào ngày 28/2.

Trường Alpha (Hoài Đức) gửi thông báo về việc chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến từ ngày 21/2 đến 27/2 với lý do tương tự.

Cũng từ ngày 21/2, học sinh lớp 6 tại trường THCS Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) tạm dừng đến trường. Cô Đỗ Thị Sinh Nhân, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay các trong tuần học tập trung đầu tiên, khối 6 xuất hiện học sinh mắc Covid-19, một số lớp thậm chí có đến 2-3 ca F0. Các em chưa được tiêm vaccine nên phụ huynh rất lo lắng và gửi ý kiến lên trường.

Căn cứ tình hình thực tế, nguyện vọng của phụ huynh, trường THCS Tản Lĩnh đề xuất lên phòng GD&ĐT, UBND huyện, được phê duyệt chuyển sang dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 6 từ ngày 21/2.

“Thời điểm cho các con trở lại trường còn tùy thuộc tình hình thực tế. Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương còn phức tạp. Sau này, căn cứ tình hình dịch, ý kiến phụ huynh, trường sẽ đề xuất dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 6”, cô Sinh Nhân nói.

Cô cho biết thêm tính đến ngày 23/2, cả trường ghi nhận 49 học sinh, 3 giáo viên mắc Covid-19 (một người vừa khỏi bệnh). Ngoài ra, một số thầy cô cùng 171 học sinh thuộc diện F1. Số ca mắc rải đều ở các khối.

Trong đó, ở lớp 9, một lớp chuyển sang học trực tuyến. Lớp có số ít học sinh (ban đầu 2 em, đến nay tăng lên 5 em) không phải cách ly tại nhà nên được chuyển sang học trực tiếp với lớp khác. Các em ngồi khu vực riêng. Ngược lại, những học sinh diện F0, F1 của lớp khác ghép học online chung với lớp này.

Khối 7 cũng có một lớp với hình thức tương tự. Và từ ngày 24/2, trường mở thêm một lớp trực tuyến cho học sinh lớp 7 vì cả khối có hơn 80 em là F0, F1.

Ở TP.HCM, một số trường cũng cho học sinh lớp có ca mắc Covid-19 chuyển sang học online. Ngày 22/2, trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho toàn bộ trẻ lớp Lá 2 nghỉ học 14 ngày vì một giáo viên trong lớp là F0.

Cũng tại Thủ Đức, phụ huynh có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Bùi Văn Mới (phường Phước Long A) cho hay vừa nhận thông báo cho cả lớp học trực tuyến tại nhà từ ngày 24/2 đến hết ngày 1/3 do một học sinh mắc Covid-19.

Một trường ở Hà Nội chỉ 3/4 số học sinh tới lớp. Các em khác nghỉ học vì thuộc đối tượng F0, F1. Ảnh: H.T.

Trường “xoay như chong chóng” để tổ chức dạy học

Thực tế, thời gian qua, nhiều học sinh phải thay đổi hình thức học do mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với F0. Như tại trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, đến ngày 18/2, tức trước khi cả trường chuyển sang học online vì thời tiết xấu và dịch bệnh, toàn bộ học sinh 4 lớp đã học trực tuyến do tỷ lệ F0, F1 trong lớp lớn.

Trong nhiều trường hợp, sự điều chỉnh như vậy giúp phụ huynh đỡ lo lắng con có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 ở trường. Tuy nhiên, tình trạng này cũng khiến không ít gia đình gặp khó khăn.

“Tôi nghĩ nếu số lượng F0 ít, lớp không nên chuyển sang học trực tuyến vì không thể tránh có ca mắc Covid-19 được. Chưa kể, bố mẹ rất khó thu xếp công việc để ở nhà kèm con”, một phụ huynh trường Tiểu học Bùi Văn Mới chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo các trường cho hay tình hình dịch đang khiến trường “xoay như chong chóng” để tổ chức dạy học sao cho hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Cô Bùi Thị Sinh Nhân cho hay giáo viên rất vất vả trong việc sắp xếp, thay đổi thời khóa biểu học trực tiếp - trực tuyến, bố trí thầy cô dạy học.

Cô thừa nhận việc ghép học sinh vào lớp trực tuyến hay trực tiếp gây ra một số khó khăn khi các em phải học theo thời khóa biểu lớp khác. Tuy nhiên, thời gian này, trường và học sinh đành cố gắng khắc phục.

“Với lớp có quá ít học sinh được đến trường, nếu phụ huynh mong muốn, trường sẽ tạo điều kiện để các em ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, tôi cho rằng chấp nhận học ghép với lớp khác để được đến trường vẫn tốt hơn”, cô Sinh Nhân nói.

Cô cho biết thêm ngoài thời khóa biểu, giáo viên cũng gặp khó khăn khi ở một số lớp, thầy cô dạy song song trực tiếp - trực tuyến. Với hình thức này, giáo viên khó quản lý đồng thời học sinh tại lớp và qua màn hình. Sự tương tác với các em học trực tuyến cũng hạn chế.

“Phòng GD&ĐT Ba Vì chuẩn bị tổ chức cho tất cả giáo viên trong huyện tập huấn công nghệ thông tin để áp dụng cả 2 hình thức trực tiếp - trực tuyến. Lúc đó, giáo viên đỡ khó khăn”, cô hy vọng.

Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh dự kiến cho học sinh trở lại trường từ ngày 28/2 và xác định sẽ phải tổ chức học song song tại nhiều lớp, đồng thời cho một số lớp học online hoàn toàn.

Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho hay thời gian tới, số lượng F0, F1 có thể tăng. Trường đang nâng cấp đường truyền, lắp hệ thống camera trong các lớp. Trước đây, không lường đến ngờ con số học sinh nhiễm virus tăng nhanh và nhiều như vậy, trường mới bố trí một số phòng nên chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học kết hợp online và offline.

Theo thầy, việc cho cả trường học online là bất đắc dĩ. Khi chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đủ thầy cô đứng lớp, trường sẽ cho học sinh quay lại học tập trung.

Dù vậy, những lớp có số lượng F0, F1 quá cao hoặc nhiều giáo viên dạy lớp đó không thể đến trường vẫn duy trì dạy học online. Thầy Bình cho rằng cần xử lý linh hoạt, không thể thực hiện máy móc trong hình thức dạy học.

Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh nêu ví dụ nếu chỉ vài ba em không thuộc diện F0, F1 hoặc lớp 40 em mà chỉ 10 em đến lớp, việc để giáo viên dạy song song không hiệu quả bằng cho cả lớp học online.

Ngoài ra, hơn 10 thầy cô đến trường dạy một em, những em khác học trực tuyến không mang lại chất lượng, làm khổ cả học sinh đến lớp lẫn học sinh học qua màn hình. Do đó, ông khẳng định cần chọn hình thức dạy học phù hợp điều kiện thực tế.

“Như vậy, trường sẽ phải xoay như chong chóng trong việc bố trí lực lượng, sắp xếp hình thức dạy học phù hợp với từng lớp, tính toán đội ngũ, cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh đến trường. Nhưng trong dịch bệnh, chúng ta cần chọn phương pháp tốt nhất cho hầu hết học sinh”, thầy nói.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP