Trong nước

Chuyện ly kỳ về “Con ma nhà họ Hứa”

Tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, Quận 1, TP.HCM, tòa biệt thự nguy nga, cổ kính của ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ hơn 100 năm qua xuất hiện lời đồn thổi có ma – cô con gái duy nhất của đại phú hào họ Hứa. Đâu là sự thật?.

Không chỉ là lời đồn thổi, trước năm 1975, đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng còn dựng phim “Con ma nhà họ Hứa” (hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất), chiếu các rạp tại TP.HCM, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người, suốt nhiều năm. Cho đến nay, câu chuyện này vẫn còn là một điều bí ẩn.

Cận cảnh căn biệt thự

Ngôi nhà 99 cửa và huyền thoại chú Hỏa

Ông Hứa Bổn Hòa (tên thật là Huỳnh Văn Hoa - Huáng Wéng Húa; thường gọi “chú Hỏa”) gốc người Hoa, quê ở tỉnh Phúc Kiến. Khoảng năm 1863, cha mẹ ông rời Trung Quốc, di tản xuống phương nam, sau định cư ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú Hỏa đã tạo nên sự nghiệp lừng lẫy, là một trong tứ đại hào phú Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt, Tổng đốc Phương – Đỗ Hữu Phương, Bá hộ Xường – Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa).

Huyện Sĩ có cháu ngoại là Nguyễn Hữu Thị Lan – vợ vua Bảo Đại, tức Nam Phương hoàng hậu. Tuy xếp thứ 4, nhưng chú Hỏa là người để lại nhiều dấu ấn nhất. Ông được coi là một thương gia có công rất lớn trong sự hình thành bộ mặt Sài Gòn - Chợ Lớn vào thời sơ khai và cả cộng đồng – cho đến nay.

Sự giàu có của ông gắn với nhiều giai thoại bí ẩn, tên ông gắn với nhiều công trình nổi tiếng đồ sộ, như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khách sạn Majestic, Trường THCS Minh Đức, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Bệnh viện Từ Dũ, chợ Bình Tây, chùa Kỳ Viên, nhiều trụ sở ngân hàng, khu nhà khách chính phủ, khách sạn Palace Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)... do Công ty xây dựng “Hui Bon Hoa và các con” thi công, sở hữu cùng khoảng 20.000 căn nhà mặt tiền khác giữa đất Sài Gòn. Danh tiếng gia tộc Hứa Bổn Hòa lừng lẫy cả Đông Dương vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Một góc căn biệt thự

Có vô số lời đồn về việc chú Hỏa bỗng phất lên giàu có. Lời đồn nào cũng trân trọng, tôn vinh chú Hỏa và gia tộc vốn cần cù, chịu khó, biết nhìn xa trông rộng, nhạy bén thương trường, biết nắm bắt thời cơ. Sự thật đúng là dòng tộc chú Hỏa khởi nghiệp bằng gánh ve chai. Nhiều tài liệu đáng tin cậy cả trong, ngoài nước đều ghi chép lại việc này. Năm 1901, chú Hỏa cùng vợ trở về thăm quê hương tại huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến và ông mất ở đây, hưởng dương 56 tuổi. Ba người con trai của ông đều đi du học ở Pháp, lần lượt trở về Sài Gòn – Chợ Lớn nối nghiệp cha và sinh sống tại đây cho đến cuối đời.

Trong số bất động sản chú Hỏa để lại, có dãy dinh thự 3 căn, trải dài, liền mạch, trên diện tích hàng ngàn m2, mặt tiền số 97 đường Phó Đức Chính, Quận 1 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM). Tương truyền, ông dành chia cho 3 con trai, các con ông sau đó đã sửa sang, xây dựng lại.

Một trong ba căn là nơi chú Hỏa và gia đình từng sinh sống. Tòa nhà lộng lẫy, tráng lệ này có điểm đặc biệt là có tới 99 cánh cửa, được thiết kế, lắp đặt đối xứng khắp 4 tầng lầu. Trải qua trên 100 năm, ngôi biệt thự này vẫn đẹp lộng lẫy theo vẻ cổ kính hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Âu - Á rất kiên cố, không suy suyển theo thời gian. Chính nơi đây xuất hiện lời đồn đầy huyễn hoặc, liêu trai về hồn ma con gái chú Hỏa.

“Hứa Tiểu Lan” - Huyền thoại hay sự thật?

Lời đồn rằng, chú Hỏa - ngoài ba người con trai đều có tài kinh doanh và tính tình giống cha, ông còn một cô con gái rất xinh đẹp, được ông rất mực cưng chiều. Vào năm con gái chú Hỏa độ tuổi trăng tròn, gia nhân trong nhà phát hiện cô chủ vẻ mặt u buồn, không còn vui vẻ, nhõng nhẽo như xưa. Rồi một ngày họ không thấy cô xuất hiện trong căn nhà này nữa.

Bảo tàng từng là nơi chú Hỏa và gia đình sinh sống

Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, trong căn nhà vẳng ra những tiếng kêu khóc, nỉ non. Kẻ ăn, người ở thắc mắc nhưng không dám hỏi chủ. Bạn bè và đối tác làm ăn với gia đình chú Hỏa hỏi thăm cô gái thì chỉ nhận được những cái xua tay, lắc đầu. Ai cũng mang nỗi hoài nghi trong lòng. Rồi một ngày, chú Hỏa đăng cáo phó tin con gái mất, do mắc bệnh hiểm nghèo, ra đi bất đắc kỳ tử. Cả đất Sài Gòn bàng hoàng. Do con gái chết vào giờ trùng nên đám tang chỉ làm sơ sài, thi hài được an táng cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình ở Long Hải (Vũng Tàu).

Từ đó, những lời đồn thổi về hồn ma cô gái lan ra. Có lời đồn rằng, vì nghĩ chú Hỏa giàu có nên hai tên trộm ban đêm đã bí mật đào mộ chôn cô gái, nhưng khi bật nắp quan tài thì trống rỗng. Người ta bàn tán, có thể con gái chú Hỏa đã chết, nhưng vì thương con, ông không nỡ đem chôn, mà dùng phương pháp tẩm thi hài rồi để con gái trong căn phòng để được ở bên gia đình.

Hồn ma cô gái đêm đêm hiện về. Có người quả quyết thấy một cô gái trẻ đêm đêm đứng bên cửa sổ khóc than thảm thiết. Có người thấy bóng áo trắng thoắt ẩn, thoắt hiện trên các khung cửa sổ căn nhà. Đến một ngày, có thông tin, một anh thợ sửa điện vào nhà, phát hiện trên tầng cao nhất của căn nhà có căn phòng đóng kín cửa, chỉ để một khe hở. Bên trong, tiếng la hét dữ dội. Đến bữa, gia nhân chuyền khay thức ăn vào bên trong. Lời kể của anh thợ điện khiến nhiều người tin rằng, cô con gái chú Hỏa chưa chết, bị mắc bệnh tâm thần.

Nhiều năm sau đó, xuất hiện cuốn sách với nhan đề “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” trên văn đàn của các nhà văn Việt Nam tại hải ngoại, tác giả Phạm Phong Dinh. Sách có đoạn viết: “Cô con gái của chú Hỏa tên thật là Hứa Tiểu Lan, mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ ở Biên Hòa.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, ở đây xuất hiện một cô gái mặc áo trắng, dáng người thanh mảnh, ngồi bên mộ chải tóc, khóc lóc ai oán”. Từ đó, có người cho rằng, vào thời đó, căn bệnh phong cùi (còn gọi là hủi) là một bệnh nan y, đến y học Tây phương hay Đông y cũng bó tay. Bệnh lại lây lan rất nhanh. Vì thế, mặc dù có nhiều tiền, chú Hỏa cũng đành bất lực vì các bác sĩ, thầy thuốc đều từ chối vì sợ lây lan. Chú Hỏa đành nhốt con gái trong một căn phòng, chỉ có một khe hở để người hầu đưa cơm.

Từ một cô gái xinh đẹp, bị mắc bệnh nan y khiến bản thân cô gái và gia đình chú Hỏa rất sốc. Tiểu Lan ngày đêm khóc lóc, đập phá khiến chú Hỏa và người thân như đứt từng khúc ruột. Tệ hại hơn, bệnh ngày một nguy hiểm, cơ thể long chóc, lở lói ăn cụt các bàn tay, bàn chân khiến cô gái chịu muôn phần đau nhức, đắng cay.

Đến một ngày, cô gái ra đi. Chú Hỏa đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Có lẽ không đành chôn con, chú Hỏa khâm liệm con gái xong rồi cho đặt vào một cái hòm bằng đá, loại đá granite, trên để mặt kính trong suốt và đặt trong một căn phòng. Một hôm, người hầu chết ngất, hớt hải nói không thành tiếng, việc vào phòng dọn dẹp thấy cô gái đứng dựng lên, khóc, cười ngây dại. Chú Hỏa đành bí mật đem chôn cất.

Những lời đồn thổi, thêu dệt về hồn ma con gái chú Hỏa cứ trôi theo thời gian. Đến khi chú Hỏa mất, các con ông tiếp nối sự nghiệp lừng lẫy của ông ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, cho đến các năm 1934, 1951, ba người con của ông lần lượt qua đời. Thế hệ kế tiếp của Hứa Bổn Hòa sang Pháp định cư, tòa nhà bị bỏ hoang phế, trở nên lạnh lẽo, thâm u suốt mấy chục năm.

Năm 2014, trên trang blog của một tác giả viết với nhan đề tiếng Anh “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và chú Hỏa) dẫn rằng, tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp, hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời chú Hỏa, ba người con trai và các cháu của ông. Tuyệt nhiên không nhắc gì đến việc ông có một cô con gái.

Ngày 1-7-2016, chúng tôi trở lại tham quan căn biệt thự - Bảo tàng hòng tìm dấu tích “nàng Tiểu Lan”. Cả anh bảo vệ trực và hai cô hướng dân viên đều cho biết, họ làm việc ở đây trên, dưới 10 năm. Nhiều khách (trong và ngoài nước) hỏi họ về hồn ma cô gái, nhưng kỳ thực họ… không có tài liệu nào để trả lời chính xác về việc có hay không chuyện “ma” này. “Chúng tôi cũng chỉ nghe kể lại từ những lời đồn đại, ly kỳ lắm, nhưng tôi nghĩ không có thật. Cảm giác nơi đây rất ấm cúng, bình yên. Bao thế hệ từ sau năm 1975 làm việc ở đây, chưa ai kể rằng họ thấy có “ma” bao giờ” – chị Thảo Trang, một hướng dẫn viên tâm sự.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp ông Lê Thế Từ (86 tuổi), người cũng chừng đó năm sống gần tòa biệt thự của chú Hỏa. Ông Từ còn khá minh mẫn, nói rằng: “Tầm tuổi tôi sinh ra đã xuất hiện lời đồn rồi. Tôi không thể biết rõ thực, hư”.

Có thế nào thì dòng họ Hứa Bổn Hòa cũng đã để lại cho người đời sự ngưỡng mộ hiếm có.

Tác giả bài viết: Ngọc Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP