Theo báo Guardian, ban đầu, có những lúc bà Benah, mẹ của nghi phạm Siti đã giả vờ như không biết con gái mình. Bà không thể đối mặt với các câu hỏi.
Một ngày, trong lúc bà Benah đi khám bác sĩ trong thị trấn, một nhân viên lễ tân đã nhận ra cái tên ngôi làng của bà - Rancasumur, vốn được biết đến rộng rãi nhờ thông tin về vụ sát hại "Kim Jong Nam".
Bà Benah trước ngôi nhà của mình ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: Guardian |
"Nhà bác cách nhà Siti bao xa?", nữ lễ tân hỏi giọng đầy tò mò. "Ồ, xa lắm, tôi thậm chí còn chẳng biết cô ta cơ", bà Benah đáp.
Tuy nhiên, khi ở nhà, tránh xa khỏi những người lạ mặt soi mói và những người hàng xóm buôn chuyện, người mẹ không thể chợp mặt được. Lời cáo buộc con gái bà ám sát "Kim Jong Nam" quá đáng sợ và kỳ quái.
Năm 2017, con gái bà - Siti, 26 tuổi và một phụ nữ Việt Nam tên Đoàn Thị Hương, 30 tuổi bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ và truy tố vì tội giết người. Cả hai bị buộc tội bôi chất độc thần kinh VX lên mặt của "Kim Jong Nam", người có tên trên hộ chiếu là Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2/2017.
Cái chết của người được tin là anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên từng làm dấy lên những nghi ngờ về một vụ mưu sát đã được lên kế hoạch kĩ lưỡng. Malaysia hiện vẫn truy nã 4 người Triều Tiên tình nghi liên quan đến vụ việc đã cao chạy xa bay, trong khi Bình Nhưỡng nhất quyết phủ nhận có dính líu đến sự cố.
Các cuộc gọi từ nhà tù
18 tháng sau khi sự cố xảy ra, bà Benah cầu mong cho vụ án nhanh chóng khép lại. Trong các cuộc trò chuyện thường xuyên qua điện thoại từ nơi giam giữ, Siti kể với mẹ rằng, cô và Đoàn Thị Hương đã bị lừa phỉnh là đang tham gia một chương trình chơi khăm trên truyền hình.
"Con bé nói với tôi rằng: Mẹ ơi, mọi chuyện đều được sắp đặt. Con bị lừa rồi", bà Benah cho hay. Theo các luật sư biện hộ cho hai nghi phạm, họ đã được trả tiền để tham gia các trò chơi khăm tương tự tại các sân bay, khách sạn và trung tâm mua sắm vài ngày trước vụ mưu sát "Kim Jong Nam".
Siti là một trong hai nghi phạm phải ra hầu tòa ở Malaysia vì vụ án giết hại "Kim Jong Nam". Ảnh: THX |
Gooi Soon Seng, luật sư của Siti, lạc quan rằng thân chủ sẽ được phóng thích do các bằng chứng có lợi cho cô. Cụ thể, không có nhân chứng nào nhìn thấy Siti tấn công nạn nhân Kim. Đoạn video do camera an ninh ghi lại không chỉ rõ cô đã làm việc đó. Ngoài ra, các nhà điều tra không tìm thấy các dấu vết của chất độc VX trên người Siti. Sau sự cố, Siti không hề tới phòng vệ sinh và rửa tay, hay cố tình trốn chạy khỏi Malaysia. Thay vào đó, cô tiếp tục đi mua sắm, rồi đi làm.
Trong trại giam, cứ vài ngày, Siti lại gọi điện cho mẹ một lần và dường như đang phải chống chịu với stress, dù thỉnh thoảng vẫn gượng cười. Tuy nhiên, cô cảm thấy thương cảm cho Đoàn Thị Hương vì chẳng có mấy người tới thăm ở trại giam.
Tòa án tối cao Malaysia ngày 16/8 dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về việc các nghi phạm được tuyên trắng án hay được lên tiếng tự bảo vệ mình. Nếu bị kết tội, cả Siti và Đoàn Thị Hương có thể phải lĩnh án tử hình.
Các cuộc gọi của Siti chỉ tối đa 5 phút nên người mẹ hầu như không có đủ thời gian để nghe con gái kể toàn bộ sự việc, về cách cô lôi kéo vào vụ sát hại ông Kim như thế nào.
Một trong những bức ảnh cuối cùng Siti chụp cùng cha mẹ trước khi bị bắt ở Malaysia, khi cả gia đình đi chơi công viên Banten tháng 7/2016. Ảnh: Guardian |
Lần cuối cùng bà Benah gặp cô con gái duy nhất của mình là khi cô ghé thăm nhà hồi tháng 1 năm ngoái và thông báo sắp trở thành một ngôi sao truyền hình. Theo Siti, cô nhận được một lời đề nghị làm diễn viên với nhiệm vụ thực hiện các trò chơi khăm.
"Tôi hỏi con có chắc điều đó được phép không, thì nó quả quyết là được. Cuối cùng, nó cũng xuất hiện trên truyền hình, nhưng không phải theo cách mà tôi kỳ vọng", bà Benah ngậm ngùi chia sẻ.
Nỗi niềm trăn trở
Bà Benah và chồng - ông Asria, sống trong căn nhà giản dị, màu vàng ở một làng nông nghiệp thuộc Tây Java. Mỗi ngày, ông Asria đi bộ tới chợ để bán gia vị nghiền, nghệ và gừng trong khi bà Benah trông coi nhà cửa.
Cha mẹ Siti đang sinh sống ở một làng nông nghiệp thuộc Tây Java, Indonesia. Ảnh: Guardian |
Cả hai chưa từng rời đất nước trước đây. Sau khi Siti bị bắt, Bộ Ngoại giao Indonesia đã thu xếp cấp một hộ chiếu cho gia đình Benah, nhưng bà coi việc tới Kuala Lumpur không phải là ý tưởng hay.
"Tôi không nghĩ mình có thể tới đó một mình. Tôi không biết gì về các đường phố hay nơi nào để đi cả. Tôi sẽ ngủ và ăn ở đâu? Tôi đến từ nông thôn nên thành phố là cú sốc văn hóa đối với tôi", bà Benah bộc bạch.
Về con gái, người mẹ này kể thêm, sau khi học xong tiểu học, với kết quả xuất sắc về toán và các môn tôn giáo, Siti chuyển đến Jakarta lúc niên thiếu để làm việc trong một nhà máy may. Vài năm sau, Siti kết hôn với con trai ông chủ và sinh bé Rio khi cô 18 tuổi.
Khi hôn nhân đổ vỡ năm 2012, Siti chuyển tới thành phố Batam của Indonesia, cách Singapore một chuyến đi phà. Tại đây, cô làm việc trong một cửa hàng bán quần áp và mơ ước sẽ trờ thành chuyên gia trang điểm.
Con trai Siti hiện vẫn sống với cha, nhưng giữ liên lạc với ông bà ngoại và biết mẹ đang ở trong tù.
Càng gần tới thời điểm tòa án Malaysia ra phán quyết cuối cùng về vụ sát hại "Kim Jong Nam", bà Benah càng cố không quá lo lắng và cầu nguyện cho con gái sớm được trả tự do.
Người mẹ tiết lộ, khi con gái trở về nhà, họ sẽ cùng nấu ăn và đọc kinh Qur’an, rồi ngủ cùng một phòng cho gần gũi.
"Tôi tin, con bé rồi sẽ được thả vì nó vô tội. Nó chưa bao giờ có ý định giết hại bất kỳ ai. Nó là con gái tôi và tôi tin tưởng nó", bà Benah nhấn mạnh.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet