Trong tỉnh

Chuyện cô giáo cắm bản được dân đặt tên cầu

Bà con bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xin đặt tên cây cầu đi qua bản là cầu cô Oanh.

Cây cầu mang tên cô Oanh

Nhớ công ơn nhiều năm cõng học sinh qua suối đi tìm cái chữ, bà con bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xin đặt tên cây cầu đi qua bản là cầu cô Oanh.

Từ miền xuôi lên làm con của bản

9h sáng, trên các ngọn đồi ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn mù sương mây. Thi thoảng một vạt nắng len lỏi, xuyên qua làn mây chiếu xuống làm sáng bừng lên cả một vạt rừng tạo nên một bức tranh huyền mỹ miền biên cương.

Chiếc xe máy của chúng tôi luôn ở trong tình trạng cài số 2 rú lên, ì ạch lăn bánh. Xe cứ nhô lên rồi hụp xuống theo các con dốc như đi trên sóng ngày bão.

Mỗi lần lên đến đỉnh một con dốc, anh bạn tôi lại chỉ về phía xa xa, ẩn hiện giữa mây trời, là những căn nhà gỗ khang trang, phía trước treo lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió đại ngàn mà khoe: “Cuộc sống của đồng bào đã khá hơn trước rồi. Nhờ có giao thông đi trước mở đường nên giao thương thuận lợi; rồi các giáo viên cắm bản đem tri thức, khoa học cho đồng bào đó”.

Gần hai giờ đồng hồ chạy xe, vượt hàng trăm con dốc, khe suối, chúng tôi cũng đến được bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi. Bản nằm ngay sát đỉnh Pu Xai Lai Leng huyền thoại có độ cao lên tới hơn 2.700m - được ví là nóc nhà của tỉnh Nghệ An.

Ấn tượng của mọi người khi tới đây không phải là cảnh “mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều” hay những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu lấp lánh dưới những tia nắng đầu tiên trong ngày… mà là một cây cầu bê tông cốt thép mang tên một giáo viên - cầu cô Oanh.

Đã nhiều năm làm PV Báo Giao thông, đi hầu hết mọi cung đường ở xứ Nghệ, nhưng có lẽ đây là cây cầu đầu tiên, cũng là duy nhất đến thời điểm này chúng tôi gặp trên mảnh đất xứ Nghệ mang tên một giáo viên cắm bản.

Bất ngờ, tò mò, hỏi ra mới biết, cô Oanh tên đầy đủ là Đặng Thị Oanh (SN 1976, ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, cô xây dựng gia đình và cùng chồng tình nguyện lên công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn. Năm 2001, cô Oanh được phân công “cắm bản” tại điểm trường bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi và phụ trách lớp 2.

Nhớ lại những năm tháng đó, ông Xồng Gióng Sênh, nguyên Chủ tịch UBND xã Na Ngoi từ năm 1975 - 1999 nhớ lại, thời đó, con đường nhựa bê tông bây giờ (đường tỉnh 543D) chỉ là một lối mòn trơn trượt, đủ hai con ngựa tránh nhau.

Bà con dân bản sống biệt lập với bên ngoài và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Cán bộ xã muốn ra thị trấn đi họp cũng phải đùm cơm nếp, đi ngựa 2 ngày mới ra tới nơi.

Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, người cũng có thời gian cắm bản cho biết thêm: “Không tưởng tượng được thời kỳ đó, giáo viên cắm bản gian khổ như thế nào đâu.

Không điện, không ra-đi-ô, không liên lạc với bên ngoài, ngoài thầy cô ra chỉ một vài người bập bẹ tiếng Kinh. Ăn uống hết sức kham khổ, chủ yếu là rau dại, măng rừng, quanh năm suốt tháng thầy cô cứ cặm cụi, lầm lũi bên học trò, một năm mới về nhà 1 - 2 lần; thời tiết hết sức khắc nghiệt, mùa đông cũng như mùa hè “giữa trưa chưa nắng, nửa ngày còn sương”, nhiệt độ trung bình rất thấp, có thời điểm còn xuất hiện tuyết rơi; giáo viên cũng không có nhà riêng mà sinh hoạt ngay trong nhà dân giống như một người con của bản, của làng”.

Nhớ ơn, bản đặt tên cầu

Thế nhưng, đó chưa phải khó khăn nhất đối với thầy cô cắm bản nói chung và cô Oanh nói riêng. Vì điều kiện kinh tế, phong tục tập quán và vì nhận thức hạn chế nên việc vận động các em tới lớp, việc giữ các em không bỏ học dở chừng mới là thách thức lớn nhất.

Để làm được điều đó, ngày ngày cô giáo Oanh cặm cụi đến từng nhà vận động học trò đến lớp. Ngoài dạy con chữ, cô còn phải dạy học sinh các kiến thức xã hội, cuộc sống để phụ huynh thấy con mình tiến bộ, không bắt con ở nhà đi nương, đi rẫy.

Dù không phải là học sinh trực tiếp của cô Oanh, nhưng trong trí nhớ của cậu học trò Già Bá Phổng (24 tuổi, ở bản Buộc Mú 2) vẫn giữ rất nhiều ký ức đẹp.

Phổng kể: “Cô Oanh không dạy em, nhưng ở trong nhà bác em - Già Tông Thù. Cô hiền lành và yêu thương học sinh như con ruột. Bạn nào không đi học hoặc nghỉ học thì cô đến nhà vận động. Cô còn cõng học sinh qua suối, nấu cháo cho học sinh ăn. Nếu không có những giáo viên như cô Oanh thì thế hệ như nhà em làm sao biết được mặt con chữ, nói gì việc tính toán”.

Xác nhận những điều cháu mình nói, ông Già Tông Thù kể lại những câu chuyện mà ông cho là “ân nghĩa” về cô giáo Oanh: “Năm ấy, cô Oanh ở trong nhà tôi, ngay gần sát khe suối Cà Na, mùa mưa nước thượng nguồn chảy xiết lắm.

Thời ấy, đường qua khe suối Cà Na chưa có cầu nên dân bản bắc tạm một cây gỗ cho người đi qua. Thương học sinh nhỏ tuổi đi trên cây gỗ gập ghềnh, nhiều em không dám đi phải lội suối nước lạnh cắt da cắt thịt nên cô Oanh thường ra bế, cõng các em qua suối để đến trường. Tan học, cô Oanh lại đưa các em qua suối về nhà”.

Hai năm sau (2003), cô Oanh được điều chuyển về xuôi dạy học. Khi ấy, cây cầu được một công ty xây dựng của Bộ Quốc phòng triển khai thi công. Năm 2004, cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu dài 47m, rộng 4m bắc qua khe suối Cà Na hoàn thành.

Khi đặt tên cho cây cầu, công ty xây dựng xin ý kiến dân bản thì mọi người quyết định lấy tên là cầu Cô Oanh. “Cầu cô Oanh là tên cô giáo Oanh đó.

Ngày trước cô ở dưới xuôi nhưng đã lên đây sinh sống, ăn ở và dạy chữ cho bà con dân bản, thương học sinh, cô xắn quần cõng học sinh qua suối đi học, nấu cho học sinh ăn, bày cho học sinh nhiều kiến thức cuộc sống... Nhờ có cô giáo mà lớp trẻ có cái chữ trong đầu, biết vận dụng khoa học vào sản xuất, đời sống để dân bản đỡ nghèo, đỡ khổ hơn. Vậy nên bà con trong bản đều mong muốn lấy tên cô đặt tên cho cây cầu”, một người trong bản Buộc Mú 2 kể.

Chúng tôi tìm về Trường Tiểu học Phúc Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) - nơi cô Đặng Thị Oanh đang công tác. Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là cô Oanh có dáng người khá nhỏ bé, nụ cười duyên dáng. Nói về chuyện dân bản lấy tên cô đặt tên cầu, cô Oanh trải lòng: “Thật lòng việc mình cõng các em qua suối là việc làm hết sức tự nhiên. Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu học trò, các thầy cô giáo khác cũng đều cõng các em qua suối như vậy. Không hề nghĩ được dân bản nhớ và quý mến mình, lấy tên đặt cho cầu như thế...”.

Cô Hồ Thị Lục Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn, Anh Sơn cho hay, cô Oanh là người trầm tính, ít nói nhưng chuyên môn vững vàng, dạy được tất cả các lớp. Cô rất tích cực trong hoạt động chuyên môn, xã hội của nhà trường và đặc biệt rất yêu quý, chăm sóc học trò.

“Ở Phúc Sơn có 3 điểm lẻ, Trà Lân (cách điểm chính 5km), Bãi Lim (cách 10km) và Cao Vều (cách 20km) thì cô Oanh cũng đã từng đi dạy ở cả 3 điểm trường này. Trước đây, cô Oanh có nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhưng sau khi bị tai nạn ở cổ chân, cô chỉ tham gia và đạt giáo viên giỏi trường”, cô Hà chia sẻ.

“Toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 1.000 giáo viên cắm bản, so với trước thì điều kiện của giáo viên cắm bản hiện nay đã tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn rất khó khăn so với miền xuôi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tất cả vì học sinh thân yêu. Chúng tôi vẫn thường nhắc đến chuyện cô Oanh như một niềm tự hào, động lực để cùng nhau vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp trồng người nơi biên giới xa xôi.


Thầy Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP