Khi có người yêu mới, chị vẫn phải giấu kín quá khứ từng qua một “lần đò”. Nhưng càng gần đến ngày cưới, chị càng lo lắng... Liệu chị có phải về quê cũ xin xác nhận tình trạng hôn nhân hay không? Và liệu chị có phải khai ra “quá khứ” của mình khi đăng ký kết hôn cùng người mới?
Chưa từng lên xe hoa nhưng đã qua “tập 1”
Suốt đời, chị Nguyễn Ngọc Diễm (28 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội, hiện trú tại tỉnh Bình Dương) không bao giờ quên được cảm giác chới với, bẽ bàng của cái ngày định mệnh bảy năm về trước.
Hồi đó, chị tưởng như chết đi sống lại khi mà đăng ký kết hôn đã trao, ngày cưới đã định, thiệp mời đã gửi đi mà vị hôn phu lại bị bắt khẩn cấp.
Đám cưới ấy vĩnh viễn bị “treo” không bao giờ thực hiện vì người chồng “trên giấy tờ” của Diễm là đồng phạm giết người trong một vụ ẩu đả, gây lộn giữa hai nhóm thanh niên trong làng.
Cùng làng Diễm hồi đó, cũng có một cô bạn cùng cảnh ngộ như Diễm có chồng sắp cưới bị bắt trong vụ giết người, nhưng vì cô ấy đã trót mang bầu nên đám cưới vẫn phải cử hành. Ngày cưới, cô bạn ấy bụng chửa vượt mặt một mình ôm hoa, nước mắt như mưa, lê bước về nhà chồng.
Diễm cũng khóc ròng khi đi dự đám cưới ấy, khóc cho người và khóc cho số phận éo le, ngang trái của chính mình. Ấn tượng buồn thê thảm đó trở thành nỗi ám ảnh khiến Diễm bị trầm cảm một thời gian dài.
Hồi đó, dù Diễm và người yêu chưa cưới xin, chưa chung sống với nhau nhưng vì đã đăng ký kết hôn nên sau đó chị vẫn phải gửi đơn ly hôn ra TAND huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ) xin ly hôn. Do hai người đều thuận tình ly hôn, một người đang ở trong tù, chưa có tài sản chung và con chung nên việc ly hôn giải quyết rất chóng vánh. Vậy là trên giấy tờ Diễm thành lỡ dở, coi như đã qua một đời chồng.
Để quên đi nỗi đớn đau duyên đầu, sau đó gia đình Diễm đã bán ngôi nhà ở quê, chuyển vào Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sinh sống. Trong vòng 5 năm gia đình chị sống ở thị xã Gia Nghĩa, mặc dù được người quen, gia đình mai mối nhiều đám, bản thân Diễm hiền dịu, dễ thương cũng có nhiều anh chàng “trồng cây si” nhưng chị không hề mở lòng với một ai.
Liệu có phải khai ra “tì vết” trong quá khứ?
Hơn một năm sau ngày đến miền đất mới, Diễm đã quen và yêu anh Huỳnh Ngọc Nhã (SN 1982, nhà ở thị xã Dĩ An, Bình Dương), một thanh niên tính tình đôn hậu, nghề nghiệp ổn định. Diễm nhận thấy anh Nhã chính là tình yêu đích thực của đời mình, chính vì thế chị càng phải giấu kín quá khứ đã qua một “lần đò”, sợ tình yêu sẽ vụt bay.
Cũng may, anh Nhã không chút nghi ngờ về điều ấy, ở nơi đây cũng không ai biết về quá khứ của chị nên Diễm có thể yên tâm. Hai người tính chuyện sẽ làm đám cưới vào cuối năm nay.
Nhưng càng gần ngày cưới, Diễm càng hoảng hốt lo âu, không biết sẽ mở lòng tâm sự với anh Nhã về quá khứ của đời mình như thế nào. Hoàn cảnh của chị rõ ràng “tình ngay, lý gian” vì trên giấy tờ thì đã qua một đời chồng nhưng thực tế chị chưa từng kết hôn, cũng chưa từng sống thử cùng người yêu cũ.
Chị tin tưởng anh Nhã rộng lượng và vị tha để chấp nhận chị, nên nghĩ sẽ có lúc tâm sự tất cả những ẩn ức nhân duyên đó với anh. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp.
“Tôi nghĩ trước sau gì tôi cũng sẽ nói ra sự thật. Nhưng vì chúng tôi yêu nhau chưa lâu nên tôi lo sợ nếu mình nói ra chuyện đó bây giờ, tình yêu thương của anh ấy dành cho tôi chưa đủ sâu sắc, cũng như anh ấy chưa có đủ sự cảm thông để tha thứ, chấp nhận quá khứ của tôi. Tôi sợ lại bẽ bàng vì lỡ hẹn với xe hoa lần nữa” - chị Diễm nghẹn ngào tâm sự.
Qua tìm hiểu, chị Diễm được biết khi tiến hành đăng ký kết hôn, chị phải xin cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân của mình. Chị băn khoăn, gia đình chị mới chuyển đến sống tại Bình Dương được gần 2 năm nay, còn lại toàn bộ thời gian trước chị sống ở Đắk Nông, trước nữa là Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội.
Liệu chị có phải quay về quê cũ để xin xác nhận tình trạng hôn nhân hay không? Liệu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiện chị từng có chồng và đã ly hôn không? Và rồi liệu anh Nhã và gia đình anh ấy có chấp nhận một người vợ từng có “tì vết” hôn nhân trong quá khứ? Chị phải làm thế nào để vừa thực hiện đúng quy định về đăng ký kết hôn, vừa không để lỡ hẹn với xe hoa lần nữa?
Lắng nghe tâm tư của đương sự, luật sư đã thẳng thắn nói cho chị biết, theo quy định của pháp luật, khi tiến hành đăng ký kết hôn bắt buộc chị phải khai rõ việc đã từng kết hôn hoặc ly hôn trong quá khứ, không thể giấu giếm được.
Vậy nên việc cần làm ngay bây giờ là chị nên lựa một thời điểm phù hợp để khéo léo tâm sự với người yêu về chuyện buồn trong quá khứ của mình. Nếu người yêu của chị thực sự yêu và hiểu chị thì sẽ có đủ lòng bao dung, tin tưởng để chấp nhận tất cả quá khứ của bạn đời. Trường hợp không mong muốn, thì chí ít chị cũng có được hướng giải quyết rõ ràng cho tương lai. Chúc chị may mắn và hạnh phúc!
*Công dân phải tự mình chứng minh tình trạng hôn nhân Theo quy định tại Nghị định 123/CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Hộ tịch 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2016), trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm tự chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không tự chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các thao tác trên mà vẫn không có kết quả, công dân có thể viết giấy cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan đó. *Không thể giấu “tì vết” hôn nhân quá khứ Khi tiến hành đăng ký kết hôn, bắt buộc công dân phải tiến hành khai báo vào tờ khai đăng ký kết hôn hoặc vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân về tình trạng hôn nhân của mình. Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải được ghi rõ: đương sự hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai. Chẳng hạn: chị Nguyễn Ngọc Diễm, đang cư trú tại..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai. Riêng đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì cũng phải ghi rõ điều đó, ví dụ: chị Nguyễn Ngọc Diễm, đang cư trú tại... đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số ... ngày... tháng ... năm.... của Tòa án nhân dân ..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai). Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự phải tự chứng minh tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương. Như vậy, dù không muốn, chị Diễm cũng vẫn phải khai rõ về quá khứ đã từng đăng ký kết hôn (và đã ly hôn). Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. |
Tác giả bài viết: Bảo Khánh