Do cuộc sống khó khăn, anh Nguyễn Viết Hậu (xã Sơn Thọ - Vũ Quang) quyết định rời bỏ quê hương sang Angola làm việc. Nhưng chưa được bao lâu thì anh Hậu bị tử nạn, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ. Chị Trần Thị Kim Dung (vợ anh Hậu) nghẹn ngào: Để đưa thi thể anh Hậu về quê nhà, chị và gia đình phải vay mượn 150 triệu đồng gửi sang Angola nhờ người quen làm thủ tục.
Không chỉ gia đình chị Dung, nhiều gia đình ở nông thôn cũng đang phải gánh chịu nỗi đau đớn này. Sinh ra trong gia đình nghèo, lại đông anh em, bố thường xuyên đau ốm, học hết THPT, Nguyễn Thị Lài (xã Xuân Lộc - Can Lộc) sang Thái Lan làm việc kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.
Trong ngôi nhà nhỏ xây chưa kịp trát, bà Phan Thị Hòa (mẹ Lài) buồn bã kể: Khi còn học THPT, Lài là học sinh giỏi, ước mơ được trở thành bác sỹ. Thế nhưng, do gia đình quá khó khăn, Lài không thi đại học mà theo người trong xã sang Thái Lan làm việc. Ngày 2/9/2016, Lài đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn giao thông. Trong vụ tai nạn đó còn có chị Đậu Thị Luận (người cùng xã) bị tử vong, anh Nguyễn Văn Bình - chồng chị Luận bị thương nặng. Gia đình nghèo, nay lại nợ nần chồng chất, để đưa thi thể Lài về quê, gia đình đã vay mượn và nhờ sự giúp đỡ của bà con, bạn bè với số tiền gần 100 triệu đồng.
Đầu tháng 1/2015, anh Trần Văn Vận (xã Xuân Liên - Nghi Xuân) vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để sang lao động tại nước Cộng hòa Suriname (quốc gia thuộc Nam Mỹ). Sau gần 2 năm làm ăn thua lỗ, anh Vận định về nước, nhưng đến ngày 9/10/2016, anh bị tai nạn dẫn đến tử vong. Nhà quá nghèo, bố ốm nặng từ lâu, gia đình phải vay mượn, cùng sự giúp đỡ của cộng đồng hàng trăm triệu đồng để đưa thi thể anh Vận về quê an táng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có hơn 51.000 người lao động đang làm việc tại nước ngoài. Thế nhưng, số lao động không có hợp đồng lao động là gần 26.500 người, chiếm gần 52% tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài. Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Vì số lượng lao động sang nước ngoài làm việc không có hợp đồng cao nên việc tổ chức theo dõi, quản lý gặp rất nhiều khó khăn và gần như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không nắm được tình hình. Theo quy định thì các DN phải báo cáo với cơ quan chức năng địa phương về số lượng người đi, làm việc ở nước nào, công việc và thu nhập ra sao. Nhưng thực tế thì chỉ khi nào cơ quan quản lý có công văn “xin” thông tin thì các DN đó mới báo cáo.
Liên quan đến việc lao động bị tử vong khi đang làm việc tại nước ngoài, gia đình phải vay mượn, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để đưa thi thể về nước, ông Đặng Văn Dũng cho rằng, những trường hợp đó chủ yếu thuộc đối tượng không theo hợp đồng lao động. Do đó, khi xảy ra tai nạn thì chi phí gần như gia đình phải tự chịu. Việc đưa thi thể về nước chi phí khoảng 100 triệu đến vài trăm triệu đồng. Trên thực tế, hàng năm, số lao động tử vong khi đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng trên dưới 10 trường hợp. Theo quy định, trong trường hợp này, mỗi lao động bị tử vong được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của DN theo thỏa thuận hợp đồng.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng: “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ 10 triệu đồng đối với mỗi lao động bị tử vong là quá ít so với thực tế chi phí phải chi trả. Trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có đến hơn 100 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH cần phải điều chỉnh mức hỗ trợ tương xứng với số tiền chi phí thực tế để đưa thi thể lao động về nước, nhằm giảm khó khăn cho gia đình”.
Do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, lại khát khao công việc có thu nhập cao ở nước ngoài đã khiến không ít người đi XKLĐ theo đường không chính ngạch để rồi phải gánh chịu những hệ lụy xót xa, vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ mất con, nợ chồng nợ.
Tác giả bài viết: Nam giang
Nguồn tin: