Trong nước

Chống bệnh phong trào "kêu như chuông", thực hiện... hô hào "suông"

Dư luận từng lên tiếng, có cơ sở trong một năm tổ chức 8 phong trào thi đua; hay một địa phương có tới nghìn người được khen thưởng, song cứ 10 người được khen thưởng thì 7 người là cán bộ.

Thi đua để hiện thực hóa ba mục tiêu “Được người, được việc, được tổ chức”

Cách nay 70 năm về trước, ngày 11/6/1948, lời hiệu triệu có sức lay động tâm thức, tình cảm, niềm tin và lôi cuốn hàng triệu người dân Việt Nam vững chí bền gan trước mọi khó khăn gian khổ để hăng hái tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nước nhà. Đó là Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với mong muốn đưa cuộc kháng chiến kiến quốc giành thắng lợi, Bác Hồ đã kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.

Từ quá trình thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ trong suốt 70 năm qua cho thấy, tham gia vào các hoạt động phong trào thi đua, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đồng bào, chiến sĩ cả nước không chỉ có thêm “men say” học tập, lao động, công tác, dám nghĩ, dám làm, tích cực tìm tòi, sáng tạo để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc tốt nhất; mà còn tạo cơ hội cho mọi người được “tắm mình” vào thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú, sôi động để tôi luyện và không ngừng làm giàu ý chí, bản lĩnh và phẩm chất nhân cách của mình. Sứ mệnh cao cả của các hoạt động thi đua là làm cho con người ngày càng tiến bộ, trưởng thành và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển giàu mạnh, văn minh.

Tuy vậy, hoạt động thi đua chỉ mang lại giá trị thiết thực khi mỗi cá nhân, tập thể có hiểu biết đúng đắn, thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa, vai trò đích thực của phong trào thi đua, từ đó xây dựng động cơ phấn đấu trung thực, thái độ ứng xử chuẩn mực và thể hiện hành động, việc làm tích cực trong thi đua. Vậy điểm mấu chốt nào làm nên giá trị thi đua? Đó là thi đua lành mạnh và thực chất. Thi đua lành mạnh là thi đua với động cơ trong sáng, ý thức vượt khó vươn lên, tinh thần phấn đấu tích cực để không bị tụt lại phía sau. Còn thi đua thực chất, là hướng tới hiện thực hóa ba mục tiêu "được người, được việc, được tổ chức”, tức là con người trưởng thành, tiến bộ; công việc trôi chảy, tốt đẹp; tổ chức vững mạnh, phát triển.

Chống bệnh thi đua “suông”, “đầu voi đuôi chuột”

Thời gian qua, trong khi nhiều tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành đã thể hiện tính lành mạnh, thực chất trong các hoạt động thi đua, thì vẫn còn không ít nơi, không ít người có nhận thức chưa đúng, thái độ chưa chuẩn, hành xử chưa thấu đáo đối với phong trào thi đua.

Đáng quan ngại là nhiều phong trào thi đua đã đi theo lối mòn như: Khi phát động thì rầm rộ, ra quân rình rang, đăng ký giao ước thi đua sôi nổi, nhưng càng về sau phong trào càng trở nên nhạt nhẽo, đuối dần, thậm chí không ít phong trào rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, có “phát” mà không “động”, không mang lại kết quả, mục tiêu như ý định đề ra. Trong khi đó, một số nơi lại tổ chức tràn lan phong trào thi đua.

Dư luận từng lên tiếng có một cơ sở, trong một năm tổ chức tới 8 phong trào thi đua (thi đua thường xuyên, thi đua đột kích). Việc tổ chức thi đua như vậy không chỉ khiến cả người tổ chức và người thực hiện có cảm giác bị “bội thực” vì quá tải, quá sức, mà còn gây ra sự nhàm chán, đấy là chưa kể gây tốn kém về công sức, kinh phí cho việc chuẩn bị “cờ, đèn, kèn, trống” cho những buổi phát động thi đua.

Mặt khác, một số phong trào thi đua nặng về hình thức, đưa ra những tên phong trào “kêu như chuông”, những khẩu hiệu to tát, mỹ miều nhưng lại chưa sát thực tế, khó đi vào cuộc sống. Đáng phê phán hơn là những trường hợp thi đua “suông”. Thi đua “suông” nghĩa là nói hay làm dở, nói không đi đôi với làm, đưa ra những mục tiêu lớn lao nhưng không có hành động cụ thể, quyết liệt để làm chuyển biến, thay đổi tình hình để mang lại hiệu quả tích cực, thậm chí chỉ nói mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo. Những biểu hiện này không chỉ là hành vi lệch chuẩn văn hóa, mà còn làm méo mó bản chất tốt đẹp của hoạt động thi đua.

Tránh tình trạng khen thưởng theo “hình tháp ngược”

Thi đua luôn gắn liền với khen thưởng. Nếu ví thi đua là quá trình bền bỉ “vun trồng, chăm sóc”, thì khen thưởng chính là thu hái “hoa thơm quả ngọt”.

Lẽ thường những thành phần chính, những người tham gia thi đua tích cực, giành được những kết quả, thành tích tốt thì xứng đáng được khen thưởng, tôn vinh kịp thời. Nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng khen thưởng theo “hình tháp ngược”. Nghĩa là lực lượng quần chúng (nhân viên, công nhân, người lao động) là thành phần đông đảo nhất, hùng hậu nhất, hăng hái nhất trong phong trào thi đua đáng ra phải được tỉ lệ khen thưởng lớn hơn, song ngược lại cán bộ lãnh đạo lại được “ưu tiên” nhiều hơn khi bình xét khen thưởng!

Cách đây mấy năm, dư luận từng xôn xao về một địa phương có cả nghìn người được khen thưởng cuối năm, song tỉ lệ người nhận bằng khen, giấy khen là cán bộ các cấp chiếm tới 70%. Nói dễ hiểu hơn, cứ 10 người được khen thưởng thì 7 người là cán bộ! Tỉ lệ khen thưởng chênh lệch này không chỉ phản ánh căn bệnh háo danh, tham nhận thành tích về mình còn tồn tại khá nặng nề, dai dẳng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà vô hình trung còn làm thui chột động lực thi đua của những người lao động chân chính.

Thi đua- khen thưởng không đơn thuần chỉ là một hoạt động mang chất chính trị- xã hội, mà nó còn hàm chứa giá trị văn hóa cao cả của con người. Bởi vậy, ứng xử lành mạnh, đúng mực với phong trào thi đua và công tác khen thưởng là thể hiện tầm cao văn hóa của mỗi cá nhân, tập thể đối với hoạt động giàu ý nghĩa này. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ đã khởi xướng, phát động.

Tác giả: Thiện Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: chong tham nhung ,phong trào

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP