Kinh tế

Cho ý kiến vào Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023 – 2027”

Sáng 19/7, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023 – 2027”. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Thời gian qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” của tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, qua đó tạo ra sự lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất của địa phương nói chung và trong nội tại hội viên phụ nữ nói riêng. Ngày càng có nhiều hơn các sản phẩm được công nhận OCOP do phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các sản phẩm được nâng cao hơn về chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc...

Cùng với sự vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ, các nữ chủ thể đã phần nào hiểu rõ hơn lợi ích của Chương trình OCOP, giúp các nữ chủ thể tự tin, chủ động hơn trong việc hoàn thiện sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như chủ động kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu

Đề án đưa ra mục tiêu, đến năm 2027, 100% cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, xã được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ hội viên tham gia xây dựng sản phẩm OCOP; 100% nữ lãnh đạo các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) do phụ nữ làm chủ và phụ nữ là chủ hộ đăng ký tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn; vận động được 50% HTX và 30% THT do Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập có sản phẩm phù hợp tham gia chương trình OCOP.

Hỗ trợ 30 sản phẩm do/có phụ nữ tham gia chủ trì tham gia Chương trình OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; hỗ trợ hiện thực hóa 30 ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm OCOP do/có phụ nữ tham gia chủ trì; hỗ trợ xây dựng 04 cửa hàng trưng bày, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử cho 50 sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, HTX, THT có phụ nữ tham gia quản lý hoặc có đông lao động nữ, của hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ có đăng ký kinh doanh...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, cơ quan soạn thảo Đề án đã đưa ra các giải pháp: Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, doanh nghiệp, HTX, THT do/có phụ nữ tham gia quản lý/có đông lao động nữ tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội.

Đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền sâu rộng nội dung của đề án, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP do phụ nữ tham gia xây dựng trên các kênh truyền thông của Hội phụ nữ các cấp. Tổ chức các hoạt động tham quan mô hình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP. Kết nối chương trình xây dựng sản phẩm OCOP với đề án khởi nghiệp thông qua việc đề xuất tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do chính quyền, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các tổ chức khác tổ chức. Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh “Phụ nữ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP”...

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình OCOP và vai trò của các cấp Hội phụ nữ; các kiến thức, kỹ năng để tư vấn, hỗ trợ kết nối giúp hội viên phụ nữ tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ gắn với sản xuất các sản phẩm chủ lực của từng vùng, từng địa phương, sản phẩm OCOP theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cây, con đặc sản địa phương, tạo giá trị gia tăng. Tư vấn, hỗ trợ các sản phẩm do/có phụ nữ tham gia chủ trì tham gia Chương trình OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên…

Cũng tại cuộc họp, UBND tỉnh đã cho ý kiến vào dự thảo Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 -2027”. Đề án đặt ra mục tiêu, 10% hộ gia đình hội viên phụ nữ được tiếp cận những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường; được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. 20-30% hộ gia đình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. Đến năm 2027, có 2.000 mô hình “Biến rác thải thành việc có ích” thông qua việc phân loại rác thải tại nguồn…

Góp ý nội dung 2 đề án trên, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các đề án; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành 2 đề án này. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn hình thức xây dựng mô hình ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. Cần đa dạng hình thức tuyên truyền để tạo dấu ấn trong nhân dân, nhất là phụ nữ; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia vào thực hiện đề án; rà soát lại số liệu tại đề cương phê duyệt đề án và đề án để có sự thống nhất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, 2 đề án này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại số liệu trong đề cương phê duyệt đề án với số liệu trong đề án để đảm bảo trùng khớp. Đồng thời, phân cấp rõ các nội dung thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia vào thực hiện đề án. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức các cho hội viên Hội Phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP