SVĐ Quốc gia Mỹ Đình hiện nay tồn tại rất nhiều sự xuống cấp, từ mặt đường piste sụt lún, bong tróc, những vết nứt loang lổ và các trang thiết bị hỏng hóc.
Một trong những hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nhất là đường piste. Theo lãnh đạo Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình, 50 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước đã được duyệt chi cho việc cải tạo, nâng cấp đường chạy và dự án này đã được khởi công hồi tháng 10/2015.
Thời điểm đó, con số được nêu ra là 40 tỷ đồng phục vụ việc tân trang lại đường piste. Đầu năm 2015 việc sửa chữa này đã từng được cân nhắc và BQL sân Mỹ Đình được cấp 8 tỷ đồng phục vụ việc trải lại thảm đường piste. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên dự án không thể triển khai và số tiền trên đã được trả lại Bộ VH-TT&DL.
Sân Mỹ Đình loang lổ vết sửa chữa bên cạnh những đoạn đường piste bong tróc.
Sau hơn 1 năm, những hạng mục của dự án này vẫn còn ngổn ngang, thi công theo kiểu chắp vá thay vì đồng bộ toàn bộ đường chạy quanh mặt cỏ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Linh phó giám đốc Khu Liên hợp thể thao QG, dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường piste bao gồm cải tạo bề mặt nhựa đường piste 20 tỷ đồng và chống sụt lun đường piste 30 tỷ đồng. Thêm vào đó là 6 tỷ đồng sửa chữa sân tập phụ. Tổng mức đầu tư hiện tại lên tới 56 tỷ đồng, trong đó Bộ VH-TT&DL chiếm 50 tỷ đồng.
Tốn kém là thế, nhưng bộ mặt sân Mỹ Đình không được cải thiện là bao khi vẫn còn đó những dấu viết xuống cấp nghiêm trọng: Những vết nứt loang lổ trên khán đài, WC bẩn, đèn trần bong tróc, rác thải ứ đọng và thậm chí khu vực khán đài còn được tận dụng để... nuôi chó và chơi chim.
"Phố ẩm thực Mỹ Đình" án ngữ ngay tại cổng vào SVĐ QG.
Một vấn đề nữa dư luận quan tâm và báo giới cũng đã nhắc tới trong khá nhiều lần là việc Khu Liên hợp thể thao quốc gia và cụ thể là sân Mỹ Đình đang bủa vây bởi những dịch vụ, hàng quán kinh doanh.
Kể từ năm 2012, đơn vị này được bật đèn xanh để xã hội hóa và tự chủ kinh phí thay vì trông chờ vào ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động.
Và như thế, phía bên trái cổng vào từ khán đài B là khu ẩm thực kéo dài cả trăm mét từ ngoài cổng vào tới khuôn viên sân, thực chất là những quán nhậu cao cấp luôn tấp nập người ra kẻ vào.
Dịch vụ Massage với biển hiệu đèn nháy để giữa lối vào.
Khu vực khán đài A được tận dụng mặt bằng cho thuê làm địa điểm tổ chức tiệc cưới. Còn ở khán đài B (mặt hướng ra đường Lê Quang Đạo), những tấm biển rạp chiếu phim, dịch massage, quán cà phê với hệ thống đèn nháy xanh đỏ có thể hấp dẫn bất cứ ánh nhìn nào.
Phía dưới, khu vực sảnh lớn trước lối vào khán đài là “Khu tập luyện và dịch vụ thể thao” với những “lô cốt” của các lớp học võ và khiêu vũ. Chưa hết, khu vưc tầng 5 của 2 khán đài A và B còn được tận dụng để... mở sân tennis.
Biển quảng cáo lớp khiêu vũ được dán ngay tại sảnh lớn, gần lối vào khán đài.
Trước việc ngang nhiên xây dựng những công trình không đảm bảo và sai mục đích, chính quyền sở tại đã liên tục yêu cầu BQL sân Mỹ Đình chấn chỉnh lại hoạt động.
Ngày 8/6/2015, UBND phường Mỹ Đình 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Khu liên hợp TTQG vì xây dựng nhà xưởng, khung sắt, cột sắt, xà gồ sắt, mái tôn với diện tích 2185,8m2.
Tuy nhiên, không những không chấp hành quyết định mà BQL sân cũng như BGĐ Khu Liên hợp thể thao QG vẫn ngang nhiên thực hiện việc xây dựng không phép.
Thu tới 40 tỷ mỗi năm nhưng sân Mỹ Đình không thiếu hình ảnh nhêch nhác, bẩn thỉu như thế này.
Cũng chính từ việc được bật đèn xanh để tự chủ tài chính, nhiều trận đấu "hot" của ĐTVN được tổ chức tại đây đã khiến "người anh em" VFF phải khốn đốn khi bị hét giá "trên trời" cùng những "điều khoản" kèm theo như hàng trăm vé mời...
Còn nhớ, trận giao hữu giữa ĐTVN và CLB Arsenal hồi năm 2013 từng bị hét giá lên tới 800 triệu khiến lãnh đạo VFF phải chạy tới cầu cứu Bộ VH-TT&DL.
Trong những lần chất vấn trước đây, giám đốc khu Liên hợp thể thao QG Cấn Văn Nghĩa khẳng định việc "xẻ" sân Mỹ Đình cho việc kinh doanh vì mang tính chất xã hội hóa nhằm tự chủ thu-chi.
Về số tiền thu về qua hoạt động kinh doanh, mới đây, phó giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Nguyễn Tuấn Linh cho hay: "Trước năm 2013 thì trung tâm tự chủ một phần kinh tế, tới sau năm 2013 thì trung tâm hoàn tự chủ kinh phí.
Tức là tất cả những gì ngoài ngân sách từ nhà nước rót xuống thì chúng tôi phải bỏ tiền chi trả. Mỗi năm trung tâm thu về khoảng hơn 40 tỷ đồng".
Những vết lem nhem trên công trình từng được coi là biểu tượng của thể thao Việt Nam.
Khởi công xây dựng từ năm 2000 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/9/2003 với số tiền 53 triệu USD sau 13 năm hoạt động, công trình từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam đang trở nên lem nhem, lộn xộn từ công tác tổ chức, cho tới vận hành.
Với sự xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua, lần cuối sân Mỹ Đình tổ chức một giải điền kinh là năm 2013 trong thế vạn bất đắc dĩ của Liên đoàn điền kinh Việt Nam, khi có nhiều đoạn đường chạy bị sụt lún tới 20-25 cm khiến cho chất lượng cuộc thi cấp quốc gia bị ảnh hưởng không nhỏ.
Năm 2010, Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) từng tuyên bố sẽ không cho phép tổ chức bất kỳ giải đấu nào tại đây nếu mặt đường piste không được sửa chữa.
Video sân Mỹ Đình lộn xộn, ngổn ngang trước trận Việt Nam - Indonesia:
Tác giả bài viết: Ngọc Anh
Nguồn tin: