Giáo dục

Cho học sinh vay vốn học đại học

Đọc những dòng tin trên báo về em Cao Duy Thông, nam sinh trường làng ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, đạt IELTS 8.0 và giành ngôi thủ khoa thi tốt nghiệp của tỉnh, dù gia đình nghèo, khó khăn, chúng tôi thực sự cảm phục.

Tuy nhiên, đọc thêm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì nam sinh này từng có hai người chị thi đậu vào Đại học Y khoa Huế nhưng đành bỏ lại giấc mơ dở dang làm bác sĩ, ở nhà làm thuê vì không có tiền học.

Chúng tôi cũng chưa rõ, với gia cảnh hiện tại không có nhiều thay đổi, vẫn khó khăn, Thông có điều kiện về tiền bạc để đi học đại học hay không. Người giàu tiềm năng để trở thành nhân tài như Thông mà phải bỏ dở chuyện học thật là đáng tiếc.

Hiện chúng tôi không có con số con thống kê về học sinh học giỏi nhưng khó khăn trong cả nước. Nhưng chúng tôi tin rằng, nhiều địa phương, không chỉ Nghệ An, số học sinh giỏi nhưng nghèo là rất nhiều.

Số học sinh giỏi nhưng nghèo tìm cách học đại học bằng cách thi các trường được miễn học phí, như các trường quân đội, sư phạm…; số khác chọn đi làm thêm: gia sư, chạy bàn quán ăn, quán cà phê…

Tuy nhiên, cũng theo báo chí, nhiều em đã sa vào bẫy tín dụng đen, rồi không thể trả nợ và phải bỏ dở chuyện học hành.

Chúng tôi cũng được biết, nhiều nhà hảo tâm đã có quỹ học bổng cho sinh viên khó khăn. Một số trường liên kết với những ngân hàng cho học sinh vay vốn. Tuy nhiên, số tiền giúp đỡ của các nhà hảo tâm chỉ đến với không nhiều em. Các ngân hàng cho vay vốn theo kiểu liên kết với trường thường có thời hạn ngắn và số tiền không nhiều.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có quyết định (năm 2022) về việc cho học sinh vay vốn học đại học.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, với mức vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng (không rõ được vay bao nhiêu tháng), học sinh chỉ đủ để nộp học phí ở một số trường; còn một số trường như trường Y thì e là không đủ; chưa nói nhiều khoản tiền mà học sinh phải chi khác. Với lãi suất cho học sinh vay là 0,5%/tháng cũng là khá cao.

Chúng tôi mạnh dạn đề nghị, ngoài những quỹ học bổng (của các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm), nhà nước nên mạnh dạn cho các sinh viên vay với thời hạn trả dài hơn, cho đến khi các em đi làm có lương để trả, như một số nước phát triển hiện đang áp dụng. Cũng với cách cho vay như vậy, trong hoàn cảnh nhất định, Nhà nước có thể xóa nợ cho một số đối tượng.

Học sinh khi được Nhà nước cho vay tiền, một mặt có đủ điều kiện tài chính đi học.

Nhưng mặt khác quan trọng không kém là các em khi đến tuổi bước vào đại học, lúc đó cần có ý thức rõ về tiền bạc. tầm quan trọng của nó, cần cố gắng làm việc để trả nợ cho chi phí học hành và cuộc sống bản thân. Đây là điều không chỉ cần có ở học sinh khó khăn mà cả ở những em con nhà khá giả.

Chúng tôi được biết, từng có những em sau khi học xong trung học phổ thông đã nói với bố mẹ rằng con đã đủ 18 tuổi và sẽ tự lo liệu về tiền bạc để có thể học lên. Em đó với vốn ngoại ngữ tốt xin đi làm tập sự ở một công ty nước ngoài, để vừa có tiền vừa có hồ sơ đẹp xin học bổng học tiếp.

Do đó, cho học sinh vay tiền học đại học không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mở ra một tư duy mới về cách sống, cách suy nghĩ tự lập cho các em.

Tác giả: Thành Thực

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP