Kinh tế

Chính quyền địa phương hai cấp là cơ hội lớn, giúp nâng cao năng lực sản xuất toàn dân, năng động hóa nguồn lực tại chỗ để Đô Lương giàu mạnh

Đề án xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu phát triển Đô Lương trở thành thị xã, là một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa mới của tỉnh Nghệ An. Hướng tới mục tiêu này, toàn huyện đã nỗ lực khắc phục các điểm nghẽn về năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng… trên cơ sở năng động hóa các nguồn lực tại chỗ và tích cực tìm kiếm cơ hội bổ sung nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển. Tuy nhiên, đứng trước những đổi thay mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt là “cuộc cách mạng” về thể chế, về tổ chức bộ máy nhà nước, Đô Lương cần định hình lại tương lai để thích ứng với bối cảnh mới, phù hợp hơn với định hướng phát triển chung của cả nước trong kỷ nguyên mới.

1. Kinh tế hộ gia đình và đô thị hóa nông thôn trong tăng trưởng kinh tế

Trong Đề án xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá rất rõ: “Thực trạng mô hình tăng trưởng hiện nay của Đô Lương chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình và lĩnh vực xây dựng. Thành phần kinh tế công nghiệp và dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng lao động và giá trị cao tuy nhiên đa phần lại không diễn ra trên địa bàn của huyện. Tốc độ tăng trưởng theo mô hình tăng trưởng này của Đô Lương chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai và con người”.

Có thể thấy, Đô Lương chúng ta hiện nay sản xuất chủ yếu theo hình thức kinh tế hộ gia đình. Việc nâng cao tốc độ tăng trưởng ở nông thôn không chỉ góp phần cải thiện đời sống của người dân mà còn tạo ra tác động tích cực đến sự phát triển chung.

Đô thị hóa nông thôn ở huyện ta đóng vai trò quan trọng, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chúng ta đã xác định sự thay đổi này là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho huyện. Khi các khu vực nông thôn được trang bị cơ sở hạ tầng kinh tế và tích hợp vào các chuỗi giá trị sản xuất, nông thôn sẽ có động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế toàn diện.

Tuy nhiên, đến nay, sự phát triển của kinh tế hộ gia đình và quá trình đô thị hóa ở huyện ta vẫn chậm chạp, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của khu vực này. Hạn chế về năng suất lao động thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và các rào cản về thể chế đang cản trở khả năng phát huy hết sức mạnh của kinh tế hộ gia đình, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển chung của toàn huyện.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương ngày 24/2/2025 đã nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, cả trước mắt và trong dài hạn, yêu cầu trước tiên, xuyên suốt là phải huy động được mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội, cùng tích cực lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của đất nước. Mọi thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới và đạt được yêu cầu này.” Lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là chỉ đạo mà còn là lời kêu gọi toàn xã hội cần đồng lòng cải cách và nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn để khai thác triệt để tiềm năng của kinh tế hộ gia đình, từ đó tạo nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững và hiện đại.

2. Rào cản từ Mô hình địa phương ba cấp

Theo Hiến pháp 1946, nước ta được tổ chức thành hai cấp chính quyền địa phương: Tỉnh và Xã. Tuy nhiên, do những khó khăn trong công tác quản trị hành chính, thời bấy giờ đã cần bổ sung các cấp hành chính trung gian như cấp Bộ và cấp Huyện. Từ Hiến pháp 1959 trở đi, Việt Nam chuyển sang mô hình ba cấp gồm Tỉnh, Huyện và Xã – một hệ thống được xây dựng phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và viễn thông còn hạn chế. Huyện Đô Lương, kể từ khi tách ra từ Huyện Anh Sơn năm 1963, đã kế thừa toàn bộ mô hình địa phương 3 cấp. Sau 40 năm đổi mới của đất nước, với những bước tiến vượt bậc về hạ tầng cũng như năng lực quản trị, đây chính là thời điểm chín muồi để cải cách mạnh mẽ mô hình địa phương ba cấp.

Như chúng ta có thể thấy, một trong những hạn chế nổi bật của mô hình ba cấp là các thủ tục hành chính quan trọng liên quan đến sản xuất kinh doanh, như chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, hay vay vốn ưu đãi. Các thủ tục này thường phải được xác nhận tại cấp xã, sau đó trình qua cấp huyện rồi mới được phê duyệt tại cấp tỉnh. Quá trình kéo dài và phức tạp này đã khiến doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình mất đi nhiều cơ hội kinh doanh quý báu. Có thể nhắc đến các ví dụ về doanh nghiệp sản xuất gỗ, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng… rất mạnh của huyện ta nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa kể các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình yếu thế hơn nhiều.

Trong mô hình ba cấp, cấp xã – đơn vị gần dân nhất – mặc dù hiểu rõ nhu cầu thực tế của cộng đồng nhưng lại thiếu quyền tự chủ cần thiết. Ngược lại, cấp huyện đảm nhiệm vai trò xác định quy hoạch và lập kế hoạch phát triển, nhưng lại không nắm bắt được nhu cầu cụ thể của từng xã. Phải nhìn thẳng vào thực tế là huyện ta có nhiều dự án hạ tầng được triển khai không đồng bộ, làm cản trở quá trình phát triển và không khơi dậy được động lực phát triển tại chỗ.

Bên cạnh đó, quy trình lập quy hoạch và kế hoạch cũng gặp nhiều bất cập. Theo quy định, UBND huyện có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch và lấy ý kiến từ xã; nhưng như tôi đã nhiều lần đề cập về vấn đề này, huyện chỉ lấy ý kiến mang tính hình thức, và các xã chỉ cho ý kiến mang tính hình thức, và hầu như không có đề xuất cụ thể nào. Các quy hoạch và kế hoạch của huyện ta do đó vẫn còn mang tính hình thức, chưa bám sát với thực tiễn, nhưng lại có giá trị pháp lý cao nhất trong phát triển kinh tế – xã hội. Các bản quy hoạch thay vì là công cụ định hướng hỗ trợ phát triển lại trở thành điểm nghẽn ngăn cản phát triển kinh tế theo của thị trường. Như trường hợp nhà đầu tư đến làm việc tại huyện ta, nhưng rồi phải rời đi vì không có chỗ nào phù hợp với quy hoạch trong khi đất đai của huyện ta rộng lớn và bằng phẳng. Một số bản quy hoạch vừa được ban hành đã nhanh chóng trở nên lỗi thời mà không thể điều chỉnh được. “Vì vướng quy hoạch” là câu thường xuyên tôi được nghe để giải thích tại sao một dự án sản xuất kinh doanh không đi vào thực tế.

Sự không đồng bộ giữa các bản quy hoạch là lý do dẫn đến khó khăn trong việc đưa đất đai phi nông nghiệp vào phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Đó là nguyên nhân nhiệm vụ “kiện toàn công tác lập quy hoạch” trở thành ưu tiên cao nhất của huyện trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn chưa giải quyết được. Việc tiếp cận đất phi nông nghiệp khó khăn khiến các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm. Hệ quả là, nhiều người con huyện ta phải ly hương, xuất khẩu lao động hay làm việc đóng góp xây dựng cho quê hương khác, trong khi tiềm năng của huyện rất lớn mà không còn bỏ ngỏ.

Một vấn đề trầm kha khác nằm ở chỗ không có “lực lượng chiến đấu chính” trong mô hình ba cấp. Các cấp có vai trò riêng biệt: cấp huyện lập kế hoạch, cấp xã thực thi, còn người dân chỉ đóng vai trò thụ hưởng. Quá trình này diễn ra một cách rời rạc, chiếu lệ, không ai đảm nhận trách nhiệm cụ thể. Cấp xã thấy rằng công việc thuộc về huyện, cấp huyện lại cho rằng đây là nhiệm vụ của các xã, còn người dân thì đứng ngoài quá trình này, từ đó tạo ra sự chậm trễ và lãng phí trong việc thực hiện các chính sách phát triển.

Mặc dù Nhà nước và xã hội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình kinh doanh, nhưng thực tế phạm vi hỗ trợ của các chính sách này vẫn chưa bao quát hết các hộ kinh doanh cần giúp đỡ. Những thủ tục hành chính phức tạp cùng với quá trình giải ngân chậm trễ đã gây ra không ít khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận nguồn lực hỗ trợ.

Những rào cản nêu trên cho thấy mô hình địa phương ba cấp hiện nay đang gặp phải nhiều thách thức, cản trở sự phát triển đồng bộ và bền vững của kinh tế – xã hội. Cần có những cải cách sâu rộng nhằm đồng bộ hóa quy hoạch, tăng cường quyền tự chủ cho cấp xã, rút ngắn thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế quy mô rộng lớn từ các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.

3. Kỷ nguyên mới đòi hỏi mô hình địa phương hai cấp

Nỗ lực của chúng ta trong định hình phương án phát triển đã được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 15-NQ/TU về xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã phần nào tháo gỡ các nút thắt phát triển để giúp huyện Đô Lương có thể thành thị xã đến năm 2030.

Nhưng trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ và không ngừng hội nhập, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có những thay đổi căn cơ hơn, căn bản hơn trong cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương. Mô hình địa phương hai cấp – chỉ gồm cấp tỉnh và cấp xã –là giải pháp tối ưu nhằm tháo gỡ những rào cản đã tồn tại, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực Đô Lương – xứ Lường của chúng ta để khai phóng năng lực sản xuất, đặc biệt là tại nông thôn.

Một góc thị trấn Đô Lương


Việc áp dụng mô hình hai cấp ở Đô Lương sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa hơn nữa. Khi loại bỏ tầng trung gian, chuỗi quản lý được rút ngắn, thủ tục hành chính trở nên đơn giản và nhất quán từ cấp tỉnh đến xã. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng “cung” và tăng “cầu” trong môi trường kinh doanh của huyện, giúp thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của huyện một cách toàn diện và hiệu quả.

Mô hình địa phương hai cấp không chỉ tạo cơ hội cho việc cải cách hành chính mà còn giải phóng tối đa năng lực sản xuất ở huyện ta. Khi nguồn lực được điều tiết trực tiếp bởi cấp xã – đơn vị gần dân nhất – sự phối hợp mật thiết giữa chính quyền và người dân sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh của hộ gia đình ở huyện là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực sản xuất toàn huyện, qua đó giảm bớt gánh nặng cho các khu vực kinh tế khác.

Mô hình hai cấp khuyến khích sự “năng động hóa các nguồn lực tại chỗ”, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh. Khi mỗi cấp xã phụ trách lĩnh vực của mình mà không bị ràng buộc bởi tầng nấc trung gian, tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo được phát huy tối đa. Cấp xã – với vai trò như “pháo đài sản xuất” và là “lực lượng chiến đấu chính” – trở thành nơi khởi nguồn cho các chương trình phát triển, từ các dự án hạ tầng nhỏ đến các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề, đảm bảo các chính sách phát triển được triển khai sát thực tế và kịp thời.

Sự phát triển của kỷ nguyên mới không có chỗ cho những mô hình không còn phù hợp. Cần một mô hình chính quyền tinh gọn, trong đó mỗi cấp phụ trách lĩnh vực riêng của mình mà không bị trói buộc bởi tầng trung gian. “Bỏ cấp huyện” sẽ giúp rút ngắn chuỗi quản lý, giảm bớt các thủ tục phức tạp, từ đó đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả trong điều tiết nguồn lực. Chỉ khi đó, các nhu cầu về hạ tầng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở nông thôn và nâng cao năng suất lao động mới được giải quyết triệt để, tạo ra một hệ thống kinh tế thúc đẩy cả tăng “cầu” lẫn “cung”.

4. Sự tất yếu mô hình hai cấp trong nâng cao năng lực sản xuất toàn dân

Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn dân, mô hình hai cấp – gồm cấp tỉnh và cấp xã –là con đường tối ưu để tháo gỡ các rào cản hành chính và khai phóng tiềm năng sản xuất của địa phương. Chỉ khi hộ gia đình và doanh nghiệp có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, đề đặt trực tiếp các vấn đề và được giải quyết bởi một cấp xã đủ thẩm quyền, chúng ta mới tạo nên một cấu trúc trong đó cơ quan Nhà nước đảm nhận vai trò cung cấp hạ tầng nền tảng, còn người dân tự do phát huy tối đa khả năng sản xuất kinh doanh. Qua đó, các nguồn lực tại chỗ được năng động hóa và giải phóng hết tiềm năng.

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của mô hình này chính là vai trò trọng yếu của chính quyền xã trong các quyết định về đất đai. Khi chính quyền xã nắm quyền quyết định về việc sử dụng và chuyển đổi mục đích đất đai, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp. Qua đó, “nút thắt” phát triển phi nông nghiệp được gỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế.

Nếu mỗi xã được xây dựng và phát triển thành một cứ điểm cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, thì việc chuyển dịch cơ cấu đất đai, dân số và lao động sẽ tạo nên sự tất yếu trong tăng năng suất lao động. Quá trình chuyển dịch này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn là bước đệm quan trọng cho sự phát triển bền vững của các vùng nông thôn.

Việc phát huy dân chủ cơ sở và tính tự chủ của nhân dân là rất cần thiết để đảm bảo các quyết định được đưa ra minh bạch và hiệu quả. Người dân phải được tham gia và giám sát trực tiếp các quyết định của cấp xã, thì quá trình quản lý trở nên rõ ràng và phù hợp với thực tiễn, từ đó tăng cường hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế.

Để nền sản xuất toàn dân thực sự vận hành, cần có sự tham gia toàn diện của chính quyền trong hoạt động kinh tế. Trong mô hình này, Ủy ban Nhân dân xã đóng vai trò “điều hành”, còn Hội đồng Nhân dân xã đóng vai trò “chủ sở hữu toàn dân” của nền kinh tế. Sự phối hợp chặt chẽ này sẽ tạo nên một hệ thống sản xuất vận hành trơn tru, nơi mà mọi quyết định và hành động đều nhằm mục tiêu phát huy tối đa năng lực sản xuất của địa phương.


Mô hình hai cấp không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, nơi kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp phát huy hết khả năng sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế toàn dân. Đây chính là bước đệm then chốt để giải phóng và nâng cao năng lực sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.

5. Các nhiệm vụ cần làm ngay để mô hình hai cấp phát huy hiệu quả

Việc đầu tiên, và quan trọng nhất là tái sắp xếp đội ngũ cán bộ. Cần rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp. Việc cải cách mô hình sẽ dẫn đến thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, do đó mỗi cán bộ phải được bố trí đúng người, đúng việc. Chúng ta kiên quyết loại bỏ những vị trí trung gian không cần thiết, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ cấp xã có thể đảm đương tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có năng lực thực tiễn và tinh thần phục vụ Nhân dân sẽ bảo đảm cho bộ máy hai cấp vận hành trơn tru, hiệu quả.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không chỉ dựa vào quy mô đất đai hay dân số, mà quan trọng nhất là dựa vào cấu trúc phát triển của xã. Những xã sáp nhập với nhau cần tạo ra động lực phát triển tốt nhất dựa trên điều kiện địa lý, giao thông, truyền thống sản xuất kinh doanh, văn hóa. Việc sáp nhập xã cần xác định rõ cấu trúc động lực trong đó khu vực đô thị là đầu tàu để kéo khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần xác định các yếu tố về đảm bảo an sinh xã hội, như giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác. Hình thành các đơn vị hành chính có quy mô tối ưu, tập trung và hiệu quả hơn trong cung cấp dịch vụ công. Các cán bộ thuộc diện về hưu cũng cần được động viên trở về thôn xóm để đảm nhận vai trò trưởng thôn, tạo ra sự chuyển giao nhân lực hiệu quả giữa các cấp.

Bên cạnh đó, đề xuất Tỉnh và Trung ương cho phép cấp huyện hiện nay xây dựng phương án sáp nhập, bố trí cán bộ từ huyện vào xã trước các kỳ đại hội, nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao nhân sự được thực hiện trơn tru và phù hợp với lộ trình cải cách. Đồng thời, đề xuất cấp trên trao thẩm quyền tự chủ mạnh cho xã, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch, sử dụng đất đai và đầu tư hạ tầng. Ủy ban Nhân dân xã cần được trao quyền hành động, đóng vai trò “điều hành” của địa phương, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực điều hành. Chính quyền xã cần nắm vai trò trọng yếu trong quyết định về đất đai, đất đai trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, góp phần tháo gỡ “nút thắt” phát triển kinh tế ở huyện ta.

6. Kết luận

Mô hình địa phương hai cấp không chỉ là giải pháp tối ưu để tháo gỡ những rào cản hành chính mà còn là động lực thúc đẩy toàn diện sự phát triển của huyện ta. Việc nâng cao năng lực sản xuất toàn dân, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải đơn giản hóa cơ cấu chính quyền, loại bỏ tầng trung gian không cần thiết và trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho cấp xã – đơn vị gần dân nhất.

Chỉ khi hộ gia đình và doanh nghiệp phối hợp trực tiếp với chính quyền xã, các quyết định về quy hoạch, sử dụng đất và đầu tư hạ tầng được giao cho đơn vị cấp xã, nguồn lực tại chỗ mới được khai thác triệt để. Việc phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân sẽ tạo ra một môi trường quản lý minh bạch, hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Một yếu tố then chốt nữa là cơ cấu quản trị địa phương phải đảm bảo sự phân công rõ ràng là Tỉnh quản lý chiến lược, Xã bám dân là nền tảng gia tăng sức mạnh cho hệ thống Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Sự phối hợp chặt chẽ này sẽ tạo nên một hệ thống quản trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu hiện đại của quản trị địa phương.

Các nhiệm vụ cấp tốc như tái cấu trúc cán bộ, sáp nhập và tối ưu hóa quy mô xã, cũng như cụ thể hóa cơ chế dân chủ cơ sở là những yếu tố không thể thiếu để hiện thực hóa mô hình hai cấp. Thành công của mô hình này sẽ giúp kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách đô thị – nông thôn, từ đó đưa Việt Nam tới mục tiêu tăng trưởng hai con số bền vững.

Cuối cùng, “Bỏ cấp huyện” vừa là khó khăn, vừa là cơ hội, đây còn là cơ hội ngàn năm có một để cho xứ Lường chúng ta phát triển vượt bậc. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đô Lương đoàn kết một lòng, quyết tâm cao độ, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện thành công công cuộc cải cách mô hình chính quyền hai cấp. Mỗi cấp ủy, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần gương mẫu, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám “dĩ công vi thượng” – dám hy sinh bản thân để đưa việc công lên trên hết. Toàn thể Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng các chủ trương đổi mới, chung sức đồng lòng cùng chính quyền xây dựng quê hương. Tin tưởng chắc chắn rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân, huyện Đô Lương sẽ gặt hái được những thành tựu to lớn, tạo tiền đề vững chắc để phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Tác giả: Đồng chí Bùi Duy Đông (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương)

Nguồn tin: doluong.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP