Kinh tế

Chính phủ họp với 15 địa phương muốn mở rộng, xây sân bay mới

Ngày 12/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu mở rộng, xây dựng mới sân bay. Phía Bộ KH&ĐT đánh giá, việc xây dựng sân bay mới có vốn đầu tư lớn, trong khi hầu hết các sân bay quy mô nhỏ, doanh thu thấp nên phương án tài chính kêu gọi đầu tư xã hội hóa thường có tính khả thi không cao.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Anh Tuấn cho biết, kết quả nghiên cứu quy hoạch sân bay cả nước thời kỳ tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 của Bộ GTVT xây dựng đã đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá để bổ sung sân bay mới. Do đó, giai đoạn tới năm 2030, dự thảo quy hoạch chỉ để xuất cả nước có 28 sân bay, tới năm 2050 tăng lên 31 sân bay.

Theo ông Tuấn, việc huy động vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay hiện hữu còn nhiều khó khăn, do tài sản do nhiều đơn vị quản lý, nên khó chuyển giao để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Các quy định, chính sách về hợp tác công – tư trong đầu tư sân bay chưa thực sự rõ.

Trong khi đó, với đầu tư sân bay mới, theo đại diện Bộ KH&ĐT, các sân bay đều yêu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi doanh thu thấp. Do đó, phương án tài chính để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT thường có tính khả thi không cao, thời gian hoàn vốn dài (khoảng 47-50 năm). Vì vậy, để có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư, cần nhà nước hỗ trợ vốn trong giai đoạn đầu tư, thậm chí cả khi khai thác.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay, để làm sân bay Lào Cai, ngân sách địa phương chi toàn bộ cho giải phóng mặt bằng. Dự kiến, ngày 15/9 tới, tỉnh này sẽ phát hành hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư, tới giữa tháng 11 sẽ hoàn thành chọn thầu và tiến hành khởi công dự án.

Tương tự, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng kỳ vọng có sân bay sẽ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, nên người dân rất ủng hộ. Địa phương này dự kiến khởi công sân bay Quảng Trị vào năm 2023, hoàn thành năm 2025, thực hiện theo phương thức hợp tác công – tư.

Trong khi đó, lãnh đạo Nghệ An đề xuất được đưa vào quy hoạch mở rộng sân bay Vinh, vì sân bay này đã quá tải. Địa phương cũng dự kiến việc mở rộng sân bay theo phương thức hợp tác công – tư.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đầu tư xây dựng sân bay sẽ tạo độc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, nên việc mở rộng, xây mới sân bay rất cần thiết với các địa phương. Dù Chính phủ đã phân cấp để tăng tính chủ động cho địa phương, nhưng thủ tục đầu tư còn rườm rà, một số bộ ngành, địa phương chưa chủ động, nên việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư sân bay còn chậm.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Các địa phương phối hợp với Bộ GTVT để lập dự án đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Với các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, Phan Thiết (Bình Thuận), Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương chọn nhà đầu tư, khởi công cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050, đảm bảo quy mô phù hợp.

Tác giả: Lê Hữu Việt

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP