Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe dự thảo tờ trình về Nghị quyết Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020.
Sáng 21/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra một số dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Theo đại diện Sở TN&MT là cơ quan soạn thảo, quan điểm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Nghệ An đảm bảo phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và chỉ tiêu phân bổ của Chính phủ nhằm quản lý thống nhất, chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy hoạch và pháp luật.
Qua đó, việc điều chỉnh quy hoạch đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đáp ứng được mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước, của vùng Bắc Trung bộ và của tỉnh trong hình hình mới.
Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng đất trồng lúa của tỉnh đến năm 2020. Theo cơ quan soạn thảo, chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), diện tích quốc gia phân bổ, tức là Chính phủ yêu cầu tỉnh đảm bảo được 94.000 ha đất trồng lúa và lần này cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung thêm 7.028 ha đất trồng lúa.
Tính tổng thể diện tích đất trồng lúa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 đến 2020 dao động hàng năm từ hơn 101.000 – 112.000 ha, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ phân bổ và cũng mới chỉ tiệm cận diện tích đất trồng lúa của tỉnh đến cuối năm 2015 là hơn 114.000 ha.
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, các ý kiến cho rằng cần làm rõ địa chỉ diện tích đất trồng lúa, tránh phân tán, nhỏ lẻ. Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng nói: Quan trọng là phải xác định ranh giới, công khai, xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ để ổn định sản xuất lâu dài.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết, sáng 21/6, Bộ TN&MT bàn giao cơ sở dữ liệu đất lúa cho Sở TN&MT, qua đó phối hợp với Sở NN&PTNT để thực hiện quản lý.
UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xác định ranh giới bảo vệ đất lúa và công khai cho toàn dân biết để giám sát nhằm đảm bảo an ninh lượng thực. Các dự án liên quan đến sử dụng đất lúa, các doanh nghiệp đều phải nộp tiền bảo vệ đất lúa, trừ dự án có cơ chế đặc thù cho phép của Chính phủ.
“Đất trồng lúa đang ở ngưỡng an toàn nhưng tinh thần của tỉnh là bảo vệ đất lúa nghiêm ngặt, vì có được 1 ha đất lúa là quá trình lâu dài. UBND tỉnh cũng chỉ đạo hạn chế sử dụng đất lúa cho các dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ diễn biến tăng giảm đối với các loại đất như: đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất… trong chỉ tiêu giao đất giai đoạn 2016 -2020.
Kết luận dự thảo tờ trình nghị quyết này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị, ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để bổ sung, làm rõ hơn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020.
Đặc biệt, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách lưu ý, cần xác định và công khai rõ ranh giới đất sản xuất lúa theo tinh thần là phải đảm bảo tập trung, diện tích lớn để có giải pháp bảo vệ nhằm tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, áp dụng KH&KT vào sản xuất nông nghiệp.
Cũng trong sáng nay, Ban Kinh tế - Ngân sách đã nghe, cho ý kiến các 3 dự thảo Tờ trình nghị quyết về: thông qua danh mục công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai; về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; về quy hoạch tài nguyên nước mặt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nguồn tin: Báo Nghệ An