|
Một thí sinh không được vào trường làm thủ tục dự thi vì mặc quần lửng. Trước tình huống này, sinh viên Nguyễn Thiện Nhân, thành viên ban chỉ huy chiến dịch Tiếp sức mùa thi của Trường ĐH Văn Hiến, đã không ngần ngại đổi cho thí sinh cái quần dài để em này kịp giờ vào trong làm thủ tục.
Nhân cho biết lúc ấy em cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ tới việc bạn chạy về nhà sẽ bị trễ giờ nên cứ thế đề nghị bạn học sinh đổi thôi. Em hy vọng các bạn thí sinh khác khi đi thi lưu ý trang phục phù hợp, tránh các sự cố làm ảnh hưởng đến kỳ thi của mình.
Về góc độ tiếp sức, đây là câu chuyện đẹp và đáng nhớ của bạn sinh viên tình nguyện khi đã luôn sẵn sàng và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong mọi tình huống.
Thế nhưng ở góc độ khác, có lẽ là câu chuyện đáng suy ngẫm. Bởi các em tham dự kỳ thi này ít nhất cũng đã đủ 18 tuổi, đủ trưởng thành để bước vào đời. Lẽ ra các em đã đủ chín chắn, có trách nhiệm và ý thức được những gì mình làm. Thế nhưng em lại gây chú ý ở một kỳ thi quan trọng bằng hình ảnh nực cười của mình. Em “quên” hay vô tình một cách ngớ ngẩn.
Cũng như sáng 25-6, trước giờ thi môn ngữ văn, tại một điểm thi ở quận Bình Thạnh, một thí sinh nam dán mảnh giấy màu nho nhỏ và tròn lên mặt rồi cười đùa với nhóm bạn đến nỗi không nghe thấy tên mình khi giám thị gọi tên. Phải đến khi cả hai giám thị hét lớn và nhắc đi nhắc lại thì em này mới gỡ mẩu giấy ra nhưng lại vứt xuống đất rồi đi vào phòng. Giám thị tiếp tục phê bình và nhắc em nhặt lên bỏ vào thùng rác nhưng em dường như không nghe thấy nên thí sinh đứng sau em đành cúi xuống nhặt và bỏ vào thùng rác giùm bạn.
Thật ra đây là những câu chuyện rất nhỏ, những tình huống không đáng nêu lên trong một kỳ thi lớn như thi THPT quốc gia, nhưng những tình huống nhỏ ấy cho thấy phần nào ý thức của sĩ tử 18 tuổi vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Người viết nhớ đến bức ảnh hài hước được chia sẻ trên mạng khi dặn dò bảy đồ vật mà thí sinh cần mang khi đi thi, trong đó đồ vật thứ bảy được khoanh tròn, viết chữ in gây chú ý nhất là “nhớ mang não theo”. Hình ảnh này chỉ mang tính hài hước giúp thí sinh thoải mái hơn trước khi vào ngày thi chính thức, nhưng có thể xem cũng là một sự nhắc nhở nhỏ về sự ý thức dành cho các sĩ tử đã trưởng thành.
Tác giả: PHẠM ANH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM