Bạn cần biết

Chấp nhận hư móng để đắp bột, sơn gel ăn Tết

Gần Tết, nhu cầu "độ móng" làm đẹp tăng cao. Tuy nhiên, nếu không biết cách dưỡng hoặc đắp bột, sơn gel không cẩn thận, việc này có thể gây tổn hại đến móng.

Nhu cầu làm móng tăng cao vào những ngày sát Tết. Ảnh: Linh Huỳnh.

Khoảng 1-2 tuần sát Tết Nguyên đán, Ngọc Mai (24 tuổi, Đắk Lắk) sắp xếp thời gian đến tiệm nail quen để làm móng. Cô thường chọn những kiểu móng cầu kỳ, có năm đắp bột, năm thì sơn gel và gắn thêm họa tiết lấp lánh.

Cũng như Mai, nhiều bạn trẻ, kể cả phụ nữ, có thói quen làm móng mỗi dịp cuối năm để chơi Tết. Tuy nhiên, việc sơn gel nhiều lần, đắp bột không chất lượng dễ khiến móng tay bị bào mòn, có khi bỏng rát, ảnh hưởng sinh hoạt.

Hơn 500.000 đồng cho bộ móng chơi Tết

Trung bình, Ngọc Mai mất khoảng nửa ngày và tốn trung bình 500.000 đồng cho một bộ móng chơi Tết. Cô nàng chỉ có thể dùng đeo móng trong khoảng 10 ngày.

Chưa kể, nếu muốn tháo mỏng giả, Mai lại mất thêm khoảng nửa buổi và 50.000-60.000 đồng nữa. Với cô, chi phí không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, điều khiến Mai lo lắng nhiều hơn là sau mỗi lần tháo móng giả, móng tay của cô đều có ít nhiều vết xước, gãy, khô nứt một thời gian.

Ngọc Mai chi hơn 500.000 đồng để làm sơn móng tay, móng tay dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Một lần đi tháo móng, Mai được kỹ thuật viên bôi dung dịch giúp bong móng. Ngay sau đó, tay cô bỏng rát bất thường. Cảm giác đó đến giờ vẫn ám ảnh Mai mỗi khi cô bước vào tiệm làm nails.

"Một lần khác, mình đến tiệm thấy người ta dùng que gỗ, nạy nóng giả của một khách hàng lên. Cái móng trông cong vênh hẳn. Từ đó về sau, mình chỉ dám tháo móng ở các tiệm quen, uy tín và tập thói quen dưỡng móng thật kỹ", Mai nói.

5 lưu ý khi "độ móng" ăn Tết

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thanh Giang, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, việc sơn móng, đắp bột tạo kiểu cho móng thường gây tổn thương, thậm chí nhiễm trùng biến dạng móng.

Trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, các chị em làm móng ăn Tết cần chú ý 5 điều sau để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe móng tay:

- Giữ lại phần biểu bì hay da đường chân móng. Đây là phần da rất quan trọng trong việc bảo vệ móng khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng.

- Không sử dụng chung dụng cụ làm móng: Việc sử dụng chung cùng lọ sơn móng hay các dụng cụ làm móng với người khác có thể làm bạn bị lây bệnh như nhiễm trùng, mụn cóc móng. Do đó, khi đi làm móng, mọi người có thể tự trang bị riêng dụng cụ hoặc yêu cầu kỹ thuật viên đổi dụng cụ để tránh lây nhiễm chéo.

Nếu phải sử dụng chung hộp hóa chất, bạn cần yêu cầu kỹ thuật viên đổ hóa chất ra lọ riêng và bỏ hết phần còn dư nếu có sau khi dùng.

- Đắp bột cũng dễ gây dị ứng móng: Hiện nay, để làm đẹp móng, người ta thường dùng các kỹ thuật như đắp bột cho móng để có độ dài và kiểu dáng như mong muốn. Tuy nhiên loại bột này có thể gây ra các dị ứng như sưng ngứa đỏ da quanh móng, chảy dịch và lật móng.

Do đó, khi mới lần đầu đắp bột, bạn nên yêu cầu kỹ thuật viên làm thử một lớp mỏng lên một móng, sau đó sơn dưỡng thông thường trong 7 ngày. Điều này giúp phát hiện sớm dị ứng và tránh được một số biến chứng xảy ra.

- Cho móng thời gian nghỉ ngơi sau mỗi lần đắp bột: Việc làm đẹp bằng cách đắp bột gây hại rất nhiều cho móng. Sau mỗi lần đắp bột, kỹ thuật viên sẽ dùng các dung dịch tẩy màu như aceton, gây hư, khô và mỏng dần móng. Do đó, chị em nên lưu ý cho móng nghỉ ít nhất một tháng rồi mới làm lại kỹ thuật đắp bột này.

- Kiểm tra màu sắc móng sau mỗi lần tẩy màu: Việc làm móng quá thường xuyên rất dễ gây tổn thương cho móng. Sau mỗi lần lau chùi sạch, mọi người cần quan sát kỹ để phát hiện các tổn thương như lật móng, sưng hoặc thay đổi màu sắc da quanh móng, dày móng, mất màu móng, các thay đổi về màu sắc móng, da quanh và dưới móng.

Khi có các thay đổi này, việc cần làm đầu tiên là tẩy toàn bộ hóa chất trên móng, để móng nghỉ ngơi từ 2 đến 4 tuần. Sau 4 tuần, nếu tình trạng không cải thiện, mọi người nên gặp bác sĩ để phát hiện và điều trị những bất thường nếu có.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP