Hội nghị Trung ương 9 sẽ xem xét tờ trình quy hoạch Ban Chấp hành trung ương (BCHTƯ), Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược).
Làm tới đâu chắc tới đó
Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết vừa qua, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 6-11-2018 về xây dựng quy hoạch BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (Kế hoạch 11).
Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay Kế hoạch số 11 có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản. Cụ thể là xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đại hội toàn quốc của Đảng. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm "làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó" với lộ trình như sau: Quy hoạch BCHTƯ trình Hội nghị Trung ương 9, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.
Tiếp đó là đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược. Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở trung ương thực hiện theo 5 bước.
Đặc biệt là trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách...
"Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để "lọt" những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước…" - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, về cơ bản, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Kế hoạch số 11. Kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 vào sáng 4-11-2018, tại trụ sở Trung ương Đảng Ảnh: TTXVN |
Xem trọng và làm sớm
Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, đánh giá điều đặc biệt của lần này là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tiến hành sớm hơn 1 năm rưỡi.
Ngay từ nửa nhiệm kỳ đầu tiên của khóa này đã bắt đầu làm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, trong khi các nhiệm kỳ trước thường tiến hành trước Đại hội Đảng trên dưới 1 năm.
"Việc làm sớm sẽ khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ và đến mỗi kỳ đại hội là "đốt đuốc" đi tìm cán bộ. Nhiệm kỳ này do thời gian chuẩn bị dài hơn, có lộ trình cụ thể, bước đi thiết thực, căn bản sẽ lựa chọn được những người xứng đáng trong BCHTƯ" - ông Nhị Lê nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhị Lê, việc lập quy hoạch đã được khởi động từ hơn 2 tháng trước và lên danh sách 350 cán bộ để trung ương lựa chọn tiếp tục đào tạo, rèn luyện và kiểm tra giám sát. Điều này rút kinh nghiệm từ thực tế khi sau Đại hội Đảng XII mới được 2 năm, trung ương phải xử lý một số cán bộ. Việc quy hoạch nếu không được chú trọng đào tạo, rèn luyện, không chú trọng lựa chọn, tái lựa chọn qua nhiều vòng, nhiều lần, nhiều mốc thời gian thì rất dễ nhầm lẫn.
"Nói như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch loại cán bộ cơ hội chính trị "như con lươn, con chạch". Và tôi đã nhiều lần phát biểu là nhiều cán bộ "lẻn" vào trung ương nên lần này phải khắc phục bằng được" - ông Nhị Lê nói thêm.
Đặc biệt, nguồn cán bộ càng rộng thì sự lựa chọn sẽ rộng hơn, có điều kiện để rèn luyện, đào tạo, giám sát, sàng lọc. Vừa có điều kiện để đánh giá cán bộ có năng lực, trách nhiệm và nhận biết cán bộ không dám nghĩ, dám làm, nhất là ngăn chặn được lỗ hổng mà xưa nay dư luận cứ râm ran bố làm quan thì con cũng dứt khoát làm quan. Không vì số lượng mà hạ thấp chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp chất lượng. Đừng để tình trạng đông nhưng không mạnh, có thể bầu thiếu nhưng những người được bầu phải thực sự xứng đáng.
Nhiều điểm mới Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an Lê Văn Cương đánh giá Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng quy hoạch cán bộ rất quyết liệt và có nhiều điểm mới. Quy hoạch lần này lựa chọn từ cấp cơ sở, nhiều góc cạnh khác nhau, vị trí nào xác đáng vị trí ấy, có sự lựa chọn chứ không phải là người trên chỉ người dưới. Bên cạnh đó là công khai, dân chủ, thậm chí trong nhiều trường hợp đảng viên và người dân được trực tiếp đóng góp ý kiến. |
Tác giả: Bảo Trân
Nguồn tin: Báo Người Lao Động